TRƯỜNG HỌC MÙA DỊCH
Dịch Covid-19 đã và đang được khống chế, học sinh từng bước quay trở lại trường học trực tiếp thay vì trực tuyến. Bài toán đặt ra làm sao bảo vệ an toàn cho các em trước sự tấn công của đại dịch khiến nhiều cơ sở giáo dục cảm thấy áp lực, lo lắng, đặc biệt đối với những trường học không có nhân viên YTHĐ. Trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, ở một số trường, các thầy cô giáo ngoài công tác chuyên môn còn kiêm luôn phần việc của nhân viên YTHĐ như: đo thân nhiệt, vệ sinh môi trường, khử khuẩn trang thiết bị học tập, đồ dùng học sinh… Công việc có vẻ đơn giản nhưng khi có học sinh nghi ngờ hoặc dương tính với Covid-19, nhiều người cảm thấy lóng ngóng, mất tự tin khi thiếu sự tham gia của nhân viên y tế.
Quay cuồng trong mùa dịch
Đo thân nhiệt, kiểm tra huyết áp, tận tình hướng dẫn, tư vấn cho học sinh để giữ gìn, nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng nhằm bảo vệ bản thân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là công việc thường ngày của chị Nguyễn Thị Vân, nhân viên YTHĐ, Trường THCS Long Phước, thị xã Phước Long sau khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Chị Vân là trường hợp hiếm của thị xã Phước Long được giữ lại. Bởi thời điểm cắt hợp đồng đối với nhân viên YTHĐ, chị Vân đang nuôi con nhỏ.
Chị Vân cho biết: Là nhân viên YTHĐ của trường có số lượng học sinh đông, hằng ngày công việc của tôi là theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe học sinh; sơ cứu kịp thời những trường hợp không may gặp tai nạn thương tích xảy ra trong thời gian các em học tại trường. Khi các em trở lại trường sau thời gian dài học online, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, công việc của tôi lại càng áp lực nặng nề hơn; đặc biệt, tôi còn phải kiêm cả chức danh nhân viên thư viện của trường.
Nhân viên y tế học đường Nguyễn Thị Vân, Trường THCS Long Phước, thị xã Phước Long kiểm tra thân nhiệt cho học sinh
“Thời điểm sau tết Nguyên đán, học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, lúc đó dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều em đến lớp có biểu hiện sốt, ho, tức ngực, khó thở. Sau khi hướng dẫn các em xuống phòng y tế, tôi kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu test nhanh. Nếu có em dương tính với Covid-19 sẽ tiến hành truy vết các trường hợp liên quan. Với những trường hợp yếu tố dịch tễ phức tạp, tôi sẽ họp khẩn với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của trường để có hướng giải quyết kịp thời” - chị Vân chia sẻ.
Nhân viên y tế học đường Nguyễn Thị Vân, Trường THCS Long Phước, thị xã Phước Long kiểm tra thân nhiệt cho học sinh
Thầy Dương Văn Như, Hiệu trưởng trường cho hay: THCS Long Phước có gần 1.400 học sinh. Gần 3 tuần học trực tiếp sau tết Nguyên đán có 20 trường hợp là học sinh, giáo viên của trường dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị kỹ các kịch bản, phương án phòng, chống dịch, nhà trường đã linh hoạt trong công tác xử lý, giúp phụ huynh và học sinh an tâm khi cho con em đến trường học tập. Khi giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thông báo lớp có trường hợp học sinh nghi ngờ nhiễm Covid-19, nhân viên YTHĐ phải có mặt kịp thời, trực tiếp hướng dẫn các em này xuống phòng cách ly, khai báo y tế, nếu nguy cơ cao thì tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Nếu lấy mẫu âm tính thì lớp tiếp tục học bình thường và học sinh nghi ngờ đó học tập tại lớp. Nếu trường hợp xét nghiệm mà mẫu dương tính với Covid-19 thì cho tất cả học sinh và giáo viên tham gia giảng dạy trong lớp đó xuống phòng cách ly để xét nghiệm mẫu gộp... “Công việc có vẻ đơn giản nhưng đối với trường có số lượng học sinh đông sẽ rất phức tạp nếu không xây dựng được kịch bản phòng, chống dịch tốt. Đặc biệt, nếu không có nhân viên YTHĐ như cô Vân chắc chắn các thầy, cô giáo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập trong việc xử lý tình huống” - thầy Như bày tỏ.
Nhân viên y tế học đường bất đắc dĩ
Làm bảo vệ tại Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long hơn 1 năm nay, nhiệm vụ của anh Nguyễn Ngọc Thái là trông coi, bảo vệ tài sản của trường. Sau tết Nguyên đán, học sinh trở lại trường học tập trung, anh Thái phải kiêm luôn chức danh YTHĐ khi thường xuyên tham gia đo thân nhiệt, hướng dẫn xịt khuẩn, thậm chí lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho học sinh và giáo viên. Anh Thái cho biết, các em trở lại trường học trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, trong khi nhà trường không có nhân viên YTHĐ nên mình tự nguyện hỗ trợ các thầy, cô hướng dẫn các em chủ động phòng, chống dịch.
“Trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm cho các em, tôi cũng phát hiện 2 trường hợp dương tính với Covid-19. Bản thân không cảm thấy lo lắng vì mình đã được chích ngừa 3 mũi vắc xin phòng Covid-19. Trước đó, tôi cũng được tập huấn để tham gia đội hình tình nguyện phòng, chống dịch của thị xã nên ít nhiều có kinh nghiệm để xử lý các tình huống” - anh Thái chia sẻ.
Hiện các trường THCS trên địa bàn TP. Đồng Xoài phần lớn có hơn 1.000 học sinh nhưng không có nhân viên y tế học đường. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài trong giờ học vi tính (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)
Trường THPT Phước Bình hiện có 42 lớp với 1.720 học sinh. Trước đó trường có bố trí tủ thuốc, phòng khám, tuy nhiên, sau khi nhân viên YTHĐ bị cắt hợp đồng, nhà trường đã thanh lý hết. Thầy Lê Hồng Thân, Hiệu phó trường cho biết: Vừa qua, khi học sinh đi học trở lại, trường đã có 172 học sinh và 22 cán bộ, giáo viên dương tính với Covid-19. Với số lượng học sinh đông, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi trường lại không có nhân viên YTHĐ chuyên trách, thay vào đó nhân viên thư viện phải kiêm YTHĐ nên gặp rất nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn cho học sinh và giáo viên.
“Rất may có anh Thái, bảo vệ nhà trường trước đó đã được tham gia các lớp tập huấn phòng, chống dịch tích cực hỗ trợ tham gia lấy mẫu test nhanh, đo thân nhiệt, hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng, chống dịch an toàn. Bởi các thầy, cô không có chuyên môn về y tế; mặt khác, giáo viên còn có nhiệm vụ giảng dạy, không có nhiều thời gian để tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cho các em. Trong khi đó, đội ngũ y, bác sĩ của trạm y tế phường, Trung tâm Y tế thị xã cũng bận rộn, rất khó để hỗ trợ chúng tôi kịp thời” - thầy Lê Hồng Thân trăn trở.
Năm học 2020-2021, Trường THCS Long Phước có 44 em đạt học sinh giỏi cấp thị xã; 30 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98,3%; gần 70% học sinh học lực khá, giỏi. Nhờ có nhân viên YTHĐ, công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh được thực hiện tốt, hoạt động chuyên môn của trường theo đó cũng được nâng lên rõ rệt. |
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 63 | lượt tải:34Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 42 | lượt tải:31Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 404 | lượt tải:198