Khoảng trống nhân viên y tế học đường - Bài 2

Thứ năm - 14/04/2022 21:30 1.431 0

Khoảng trống nhân viên y tế học đường - Bài 2

"KHÁT" NHÂN VIÊN Y TẾ

BPO - Y tế học đường (YTHĐ) có vai trò quan trọng trong các trường học. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng "trắng” nhân viên YTHĐ. Thay vào đó, chức danh này chủ yếu được kiêm nhiệm với những hỗ trợ mang tính tạm thời hoặc theo kinh nghiệm nên thiếu chuyên môn, nghiệp vụ như quy định của ngành y tế. Phòng y tế, tủ thuốc trong các trường học vì thế cũng không còn đảm bảo.

Linh động chăm sóc sức khỏe học sinh

Nằm ở vị trí trung tâm của huyện Bù Đốp, Trường mầm non Thanh Bình, thị trấn Thanh Bình hiện có 78 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó chỉ có 45 biên chế, còn lại là hợp đồng. Phó hiệu trưởng trường Nguyễn Thị Vinh cho biết: Năm học 2021-2022, trường có 556 cháu thuộc 4 nhóm, lớp. Trường được sáp nhập từ Trường mầm non Thanh Bình và Trường mẫu giáo Thanh Bình theo Quyết định số 958/QĐ-UBND ngày 22-7-2019 của UBND huyện Bù Đốp. Nhờ đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư đúng mức. Hiện trường có 25 phòng học, 1 phòng đa năng, 7 phòng quản trị, 4 phòng ăn và 11 phòng chức năng. Nhìn chung quy mô trường lớp, sĩ số học sinh được củng cố, duy trì và phát triển ổn định. Vừa qua, trường đã được Sở GD&ĐT công nhận đạt chất lượng giáo dục mức độ 2 và tiếp tục được UBND tỉnh công nhận cấp bằng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhưng hiện trường không có nhân viên YTHĐ chuyên trách. Thay vào đó, trường đã linh động cử giáo viên phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cháu.

Hiện nay, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Bù Đốp không có nhân viên y tế học đường chuyên trách. Trong ảnh: Một tiết thực hành của cô trò lớp lá Trường mầm non Thanh Bình, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp năm học 2020-2021

Do không có chuyên môn nghiệp vụ nên người được giao kiêm nhiệm rất lo lắng khi chịu trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Còn giáo viên đứng lớp cũng trong tâm trạng nơm nớp khi không may có sự việc xảy ra với trẻ, trong khi bản thân không có nhiều kỹ năng xử lý sơ, cấp cứu.

Cô Nguyễn Thị Vinh,
Phó hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Bình, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp

 

Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập có 446 học sinh, trong đó 30% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm học 2018-2019, nhân viên YTHĐ của trường bị cắt giảm theo chủ trương tinh giản biên chế. Hiện nay, nhân viên YTHĐ của trường do nhân viên thư viện kiêm nhiệm. Do đó, những việc đáng lý của nhân viên y tế nay được bàn giao lại cho nhân viên thư viện. Rõ ràng, nhân viên thư viện và nhân viên y tế là 2 công việc có chuyên môn hoàn toàn khác nhau. Thiếu nhân viên có chuyên môn về ngành y gây rất nhiều khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Đặc biệt là thời điểm nhà trường đón các em đi học trở lại đã có 19 học sinh và 6 giáo viên dương tính với Covid-19.

Thầy Lê Tân Khánh, Hiệu phó Trường THCS Lý Thường Kiệt cho rằng, nếu có nhân viên YTHĐ thì việc xử lý bước đầu sẽ nhanh và hiệu quả hơn. “Y tế là bộ phận không thể thiếu trong trường học. Sự có mặt của nhân viên y tế là yếu tố tăng cường tính an toàn cho học sinh trong môi trường học đường. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, giáo viên buộc phải "biến mình" thành nhân viên y tế. Các thầy, cô ngoài công việc chuyên môn còn phải học cách phòng, chống dịch, hướng dẫn từ xa cho học sinh cách đeo khẩu trang, giữ vệ sinh và chăm sóc cơ thể như thế nào để có sức khỏe tốt" - thầy Khánh nói.

Thực tế, nội dung công việc của nhân viên YTHĐ đã được quy định rõ trong Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT như: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh ít nhất mỗi năm một lần vào đầu năm học. Quản lý và lưu hồ sơ theo dõi sức khỏe của học sinh. Mua, bảo quản và cấp thuốc theo quy định… Thậm chí ở một số trường học, nhân viên YTHĐ còn là người giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu không may xảy ra ngộ độc. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT, hiện 100% trường học trong tỉnh dù đã có nhân viên YTHĐ, nhưng chủ yếu là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm.

Tại nhiều địa phương, gần như 100% trường học, kể cả các trường đạt chuẩn quốc gia đều “trắng” nhân viên y tế chuyên trách như huyện Bù Đốp, Đồng Phú, thị xã Phước Long... Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh được giao về trạm y tế các xã, phường. Tuy nhiên, nhiều trường có số lượng học sinh đông thường phân công thêm giáo viên, nhân viên phụ trách việc theo dõi sức khỏe cho các em. Vì kiêm nhiệm nên nhiều người còn lúng túng trong việc triển khai nhiệm vụ và chưa làm tốt việc tham mưu ban giám hiệu về công tác YTHĐ.

 

Nghỉ thì dễ, tuyển mới khó

Hiện Bí thư Đoàn Trường THCS&THPT Võ Thị Sáu, huyện Bù Gia Mập được giao thêm nhiệm vụ nhân viên YTHĐ. Thầy Ngô Văn Tám, Hiệu phó trường cho biết: Ngày thường khi các em bị đau đầu, sốt hay tai nạn thương tích, thầy cô chỉ hướng dẫn nghỉ ngơi, nếu nặng thì nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế huyện. Tuy nhiên, khi các em đi học trở lại sau thời gian dài học trực tuyến, trong thời gian ngắn đã có 116 em và 20 thầy, cô bị F0, trường đã lấy trên 200 mẫu test nhanh Covid-19. Rất may, trước đó trường đã chủ động xây dựng kịch bản phòng, chống dịch kỹ lưỡng, cùng với đó, Bí thư Đoàn trường cũng được tham gia tập huấn lấy mẫu xét nghiệm nên mọi việc được xử lý tốt.

Học sinh Trường THCS&THPT Võ Thị Sáu, huyện Bù Gia Mập rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp học (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

“Trường THCS&THPT Võ Thị Sáu có 1.084 học sinh. Trước đây, trường được bố trí 1 nhân viên YTHĐ chuyên ngành y. Tuy nhiên cuối năm 2018, nhân viên này bị cắt giảm do nằm trong diện tinh giản biên chế. Vừa qua, trường được bổ sung thêm 5 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP bố trí các chức danh bảo vệ, điện nước, tạp vụ. Đối với vị trí YTHĐ, trường cũng đã tính đến nhưng không tuyển dụng được. Bởi vị trí YTHĐ đòi hỏi bằng cấp phải đúng chuyên ngành, trong khi đó lương, phụ cấp quá thấp nên không ai mặn mà” - thầy Ngô Văn Tám bày tỏ.

THPT Phước Bình, thị xã Phước Long có 1.720 học sinh/42 lớp. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi trường không có nhân viên YTHĐ chuyên trách nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn cho học sinh và giáo viên. Hiệu phó trường Lê Hồng Thân chia sẻ: Trước đó, trường có tủ thuốc, phòng y tế, tuy nhiên sau khi nhân viên YTHĐ bị cắt giảm nên nhà trường đã thanh lý hết. Không có YTHĐ nên hằng ngày khi có sự cố xảy ra, trường phải liên hệ với cơ sở y tế tư nhân gần đó để hỗ trợ xử lý. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa, nhiều em bị sốt, đau đầu, nhà trường đành phải gọi phụ huynh hỗ trợ, chở đi kiểm tra. Nếu có nhân viên YTHĐ có thể kiểm tra, xử lý tại chỗ, giúp việc học của các em không bị gián đoạn.

“May mắn, trường có nhân viên bảo vệ trong thời điểm dịch bùng phát tình nguyện tham gia lấy mẫu xét nghiệm nên đã hỗ trợ kịp thời. Vừa qua, trường đã được bổ sung thêm hợp đồng 68, tuy nhiên phân bổ cho bảo vệ, tạp vụ. Muốn tuyển nhân viên YTHĐ nhưng không có người phù hợp với chuyên môn. Bởi đặc thù của nhân viên YTHĐ phải được đào tạo trong ngành y, trong khi đó, thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng tính cả trợ cấp là quá thấp nên không ai mặn mà” - thầy Lê Hồng Thân cho hay.

Tác giả: BPO

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập238
  • Hôm nay32,619
  • Tổng lượt truy cập16,877,621
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây