Ngày 18-5-2021, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 312/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giáo dục là một trong những ngành được quan tâm hàng đầu, tạo tiền đề lan tỏa sang các ngành nghề khác. Hoạt động CĐS trong nhà trường đang tác động tích cực tới công tác quản lý, dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo đà để kinh tế - xã hội Bình Phước bứt phá.
Bài 1:
TRƯỜNG HỌC TRONG DÒNG CHẢY SỐ
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, giảng dạy đang dần thay đổi phương pháp dạy và học từ truyền thống sang dạy học tích cực, phát huy khả năng tư duy sáng tạo, chủ động của cả thầy và trò. Hiện nay, công nghệ số đang thúc đẩy nền giáo dục mở, thu hẹp khoảng cách vùng miền, quốc gia. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Bình Phước xác định, việc ứng dụng CNTT, số hóa, CĐS phải được triển khai bài bản, khoa học trong mỗi trường học.
Nhờ ứng dụng thiết bị dạy học tiên tiến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại đã giúp hoạt động dạy và học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Trong ảnh: Học sinh Trường mầm non Họa Mi,
thị xã Bình Long trong giờ học trên nền tảng số
Trường học thông minh - nền tảng đào tạo công dân số
Từ năm 2018, tại Trường tiểu học Thiện Hưng A, huyện Bù Đốp, internet đã được phủ sóng đến từng lớp học. Khi đó, nhiều giáo viên đã chủ động mua máy tính xách tay để phục vụ dạy học. Khi sóng internet và máy tính có đủ thì việc khai thác tài liệu phục vụ dạy và học trên lớp thuận lợi hơn rất nhiều. Các tiết học trở nên sinh động hơn khi không còn phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa. Và mỗi năm nhà trường đều dành nguồn kinh phí từ 100-200 triệu đồng để đầu tư cho CĐS. Cụ thể là lắp màn hình tương tác thông minh, tivi màn hình lớn có kết nối internet tại tất cả lớp học để giáo viên khai thác nguồn dữ liệu số phục vụ dạy học.
Tiết học chủ đề biển đảo có video, hình ảnh minh họa trực quan ở Trường tiểu học Thiện Hưng A,
huyện Bù Đốp đã giúp học sinh tiếp thu bài giảng nhanh và dễ hiểu hơn
Với tiết học có chủ đề biển đảo, nếu miêu tả cây bàng vuông, hình dạng trái bàng vuông hay cuộc sống của các chiến sĩ trên đảo mà không có hình ảnh minh họa trực quan, có lẽ cả cô và trò sẽ rất vất vả trong truyền đạt và tiếp thu. Khi có công nghệ hỗ trợ đã giúp hoạt động dạy và học trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn hơn. Từ đó kích thích phát triển tư duy ngôn ngữ của học sinh, tăng khả năng tương tác giữa cô và trò. |
Cô ĐINH THỊ TRÚC
giáo viên lớp 1A1, Trường tiểu học Thiện Hưng A, huyện Bù Đốp |
Em Nguyễn Hải Yến, học sinh lớp 5A3, Trường tiểu học Thiện Hưng A cho biết: Thay vì cắm cúi ghi chép hay phụ thuộc sách giáo khoa thì học với bảng tương tác có video, hình ảnh vui nhộn em tiếp thu bài dễ dàng hơn. Dù chỉ thông qua màn hình điện tử nhưng em đã được “mắt thấy”, “tai nghe” về con người, văn hóa, sản vật… của nhiều vùng miền trong cả nước. Chúng em chủ động tham gia vào các hoạt động, có thể tự điều khiển bảng tương tác làm bài tập, thực hành tự kiểm tra kết quả của mình.
Bao nhiêu năm gắn bó với nghề giáo là chừng ấy thời gian sự nghiệp giảng dạy của các thầy, cô giáo ở đây gắn với bảng đen, phấn trắng. Nhưng hiện nay, trong thời đại công nghệ 4.0, lớp học dần được trang bị thiết bị dạy học tiên tiến, nhiều giáo viên nay đã quen, thậm chí khá rành với việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy.
Thông qua màn hình điện tử, bảng tương tác, giúp học sinh Trường tiểu học Thiện Hưng A,
huyện Bù Đốp chủ động tham gia các hoạt động, có thể tự điều khiển bảng tương tác làm bài tập,
thực hành và tự kiểm tra kết quả của mình
Chính nhờ nền tảng CNTT được trang bị trong nhiều năm, Trường tiểu học Thiện Hưng A đã vượt qua được khó khăn của đại dịch Covid-19. Cô Nguyễn Thị Thu Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Không chỉ ứng dụng công nghệ vào dạy và học, công tác quản lý cũng khoa học hơn. Hiện báo cáo thống kê, chia sẻ dữ liệu được thực hiện qua hệ thống điện tử của ngành. Trường đang sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành qua phần mềm iOffìce để trao đổi, văn bản phát hành được ký số, xử lý công việc trên môi trường mạng. Trường cũng sử dụng học bạ điện tử, thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Phát triển giáo dục Steam, sử dụng kho học liệu số của ngành phục vụ việc dạy và học trực tiếp, trực tuyến, đổi mới nội dung, chương trình GD&ĐT thích ứng với môi trường công nghệ.
Kết nối kho kiến thức vô tận
Ngay cả ở bậc học mầm non, giáo viên cũng đã đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thường xuyên. Các phòng học đầu tư thiết bị CNTT được giáo viên khai thác triệt để. “Trước đây, giáo viên phải rất vất vả tìm kiếm hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng, thì nay chỉ cần nhấp chuột là hình ảnh theo bài giảng hiện ra, giúp các em dễ dàng hình dung khái niệm chính xác về hình ảnh, âm thanh, tạo giờ học vui nhộn. Học sinh vui thích thể hiện mình trước đám đông và phát triển khả năng tư duy sáng tạo” - cô Nguyễn Thị Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Bình, huyện Bù Đốp cho biết.
Cũng theo cô Vinh, ứng dụng thiết bị dạy học tiên tiến dựa trên nền tảng CNTT hiện đại đã giúp hoạt động dạy và học của trường trở nên sinh động, hấp dẫn hơn với học sinh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng, xây dựng nền giáo dục mở. Thông tin hai chiều giữa nhà trường và phụ huynh được thông suốt.
Ngoài đầu tư thiết bị phục vụ giảng dạy, hiện nhiều trường chú trọng đào tạo lập trình cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại Trường THPT chuyên Bình Long, thị xã Bình Long, môn Tin học đang giúp học sinh phát huy thế mạnh đam mê lập trình của bản thân để thực hiện mục tiêu trở thành những lập trình viên chuyên nghiệp trong tương lai.
Ở đây thầy cô tạo môi trường để học sinh được thỏa sức khám phá các chương trình tin học từ cơ bản đến nâng cao như: Tin học văn phòng, lập trình phần mềm, phần cứng, mạng máy tính, lập trình web... Học lập trình liên quan nhiều đến thuật toán giúp em giải quyết vấn đề logic, rèn luyện được tư duy và sáng tạo tốt hơn. Ngày nay, có rất nhiều ngành nghề cần đến môn Tin học, vì vậy, cơ hội việc làm của các em sẽ cao hơn nếu chủ động học từ sớm. |
Em NGUYỄN NGỌC BẢO
lớp 11T9, Trường THPT chuyên Bình Long |
Cô Trần Thị Hòa, giáo viên tổ Tin học, Trường THPT chuyên Bình Long cho rằng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh được học ngôn ngữ lập trình từ C đến C++ giúp các em giải quyết vấn đề logic, rèn luyện tư duy. Nhà trường luôn tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích và đồng hành, giải đáp mọi thắc mắc để các em phát huy khả năng sáng tạo và đam mê. Đào tạo tin học trong nhà trường sẽ trang bị cho học sinh kiến thức cả về lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành cơ bản, giúp các em có hành trang công nghệ, nền tảng vững chắc trong thời đại công nghệ 4.0 và toàn cầu hóa.
Từ các giải pháp số hóa trong giáo dục, hiện các trường tập trung đổi mới phương thức dạy học, chuyển từ dạy học truyền thụ nội dung sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, giáo dục nhà trường gắn với gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, sử dụng hiệu quả hệ thống phòng học thông minh, học sinh tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng, dễ hiểu, hoạt động dạy và học đã không còn giới hạn trong khuôn khổ lớp học mà được mở rộng không giới hạn.