Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tích cực triển khai công tác chỉ đạo sản xuất, hỗ trợ lưu thông và kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trước diễn biến mới của đại dịch COVID-19.
Bình Phước gỡ khó khăn, tiêu thụ nông sản cho người dân trong dịch COVID-19.
Sở NN&PTNT đã tổ chức họp trực tuyến hàng tuần vào 14 giờ 00 ngày thứ 5 do Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì cùng với các thành viên Tổ chỉ đạo sản xuất, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản của ngành NN&PTNT; tổ chức họp trực tuyến với Sở Công thương, Sở Thông tin truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Tỉnh đoàn, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh để phối hợp thực hiện. Đặc biệt Sở NN&PTNT đã cử 02 công chức trực 24/24 giờ số điện thoại đường dây nóng và hộp thư điện tử công vụ, qua đó tiếp nhận 25 cuộc gọi và 01 thư điện tử với 15 nội dung liêu quan đến lưu thông hàng hóa, 02 nội dung liên quan đến sản xuất, 04 nội dung liên quan đến tiêu thụ nông sản, 06 nội dung không liên quan đến ngành nông nghiệp phụ trách. Kết quả xử lý đã tiếp nhận và giải quyết xong 100% cuộc gọi.
Ban Giám đốc Sở và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cùng nhau phối hợp giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình chỉ đạo sản xuất. Thông qua các cuộc họp trực tuyến hàng tuần đồng chí Giám đốc Sở đã trực tiếp nắm bắt tình hình, chỉ đạo và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh của các Chi cục, các phòng, ban đơn vị trực thuộc Sở và các phòng NN&PTNT, Kinh tế và các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố. Nhờ đó, tình hình đến nay sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn được duy trì, ổn định sản xuất, không để xảy ra trường hợp vì dịch bệnh COVID-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, dãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ mà sản xuất bị ngừng trệ.
Sở NN&PTNT thường xuyên trao đổi, phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt tình hình và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong lưu thông vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay cơ bản các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu của nông dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn và phản ánh của người dân thông qua số điện thoại đường dây nóng thì rất nhiều Chốt kiểm tra trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng gây khó khăn cho người dân trong việc lưu thông hàng nông sản (15/25 cuộc gọi có liên quan đến lưu thông hàng hóa).
Về công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Trên cơ sở các đề xuất nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn, Sở NN&PTNT đã tổng hợp, cập nhật thông tin các nông sản có nhu cầu tiêu thụ sản. Qua đó, Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT (đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, sàn giao dịch điện tử web https://htx.cooplink.com.vn/, gửi các doanh nghiệp thu mua, các hệ thống siêu thị của thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cung cấp thông tin cho Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh (postmart.vn), Viettel (Voso.vn), Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng nhau hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Tính đến ngày 26/8/2021 số nông sản tiêu thụ gồm: 120 tấn gà, 12,2 tấn vịt, 4,7 tấn heo và 116.000 trứng gà, trên 30 tấn rau xanh các loại, 42 tấn bưởi da xanh, 9 tấn dưa lưới, 4 tấn dưa leo, 1,8 tấn cam xoàn cam sành, 187,5 tấn nhãn các loại, 24,5 tấn chôm chôm, 6,1 tấn chanh, 2,4 tấn ổi.
Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện, một số huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong lưu thông và tiêu thụ nông sản và chưa có kế hoạch chỉ đạo sản xuất và tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của địa phương; nông dân vẫn sản xuất quy mô nhỏ, lẻ, liên kết chưa chặt chẽ; chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đồng nhất, chưa có thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác; lưu thông hàng hóa, vật tư nông sản vẫn gặp khó khăn do giãn cách xã hội.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân tiêu thu nông sản như: (1) Thu hút khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhất là các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, kho lạnh, xuất khẩu. (2) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh lịch thời vụ, liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. (3) Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, số hóa vào trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông sản. Trong đó khuyến khích người dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp để cùng nhau sản xuất, mua chung, bán chung nhằm giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. (4) Đẩy mạnh công tác hỗ trợ các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. (5) Hỗ trợ hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. (6) Hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, số lượng lớn, an toàn, có tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, nhãn hiệu tập thể, minh bạch trong sản xuất./.
Hồng Sơn
Ý kiến bạn đọc