Bình Phước là một trong những chiếc nôi cách mạng ở niền Đông Nam bộ. Đêm 28 rạng sáng ngày 29-10-1929, tại khu rừng Suối Đá, thuộc Làng 3 (nay thuộc Nông trường Thuận Phú, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú - xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đã diễn ra một sự kiện quan trọng có tính lịch sử của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là Chi bộ Phú Riềng được thành lập với 6 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư Chi bộ.
Sự ra đời của chi bộ Phú Riềng Đỏ đã đưa phong trào cách mạng trong các đồn điền cao su và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Đông Nam bộ nói chung, ở Bình Phước nói riêng bước sang giai đoạn mới, đó là chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác dưới ánh sáng của đường lối cách mạng tiên tiến “con đường cách mạng vô sản”.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Bình Phước là chiến trường giằng co giữa ta và địch, cũng là nơi quân và dân ta làm nên những chiến công vang dội, góp phần vào thắng lợi chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp cùng với quân chủ lực miền Nam tham gia giải phóng thị xã Lộc Ninh, Bù Đốp. Qua đó, mở rộng và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng; xây dựng thị xã Lộc Ninh thành “thủ phủ” của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đánh bại một bước chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, tạo điều kiện tiến lên giải phóng miền Nam. Và bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, bộ đội địa phương tỉnh Bình Phước đã chiến đấu liên tục giành thắng lợi quyết định từ chiến dịch đường 14 đến giải phóng toàn tỉnh năm 1975 với những chiến công oanh liệt, đi vào lịch sử dân tộc như: Chiến thắng Phước Long - làm tiền đề, cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975. 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), quân dân Bình Phước cùng miền Nam và cả nước tiến hành cuộc đấu tranh vô cùng gay go, ác liệt và hy sinh lớn lao nhưng chiến thắng rất vẻ vang, oanh liệt, góp phần viết tiếp trang sử anh hùng của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13 đã làm cho Mỹ - ngụy Sài Gòn thiệt hại nặng nề. Trong ảnh: Xe bọc thép của địch bị phá hủy khi tiến công đánh phá chốt chặn Tàu Ô (Ảnh tư liệu)
Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” anh hùng đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cán bộ, đảng viên và công nhân cao su Bình Phước, đào tạo cho Đảng nhiều cán bộ kiên trung, tài giỏi, đóng góp to lớn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Và những thành tựu hiện hữu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên quê hương Bình Phước hôm nay đã và đang minh chứng cho điều này.