Sau Hiệp định Giơnevơ, nhân dân Lộc Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường đấu tranh vượt qua muôn vàn thử thách của thời kỳ đen tối do chính sách “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - ngụy gây ra. Năm 1961, phong trào cách mạng của nhân dân Lộc Ninh đã có sự chuyển hướng quan trọng, các địa phương đã xây dựng được lực lượng vũ trang của mình.
Lúc này, phong trào đấu tranh chống địch gom dân, lập “Ấp chiến lược” ở Lộc Ninh ngày một mạnh. Các ấp chiến lược ở làng 10, Brelin, Cốc Rưới bị phá banh. Sau khi huyện ủy Lộc Ninh được thành lập (tháng 2/1962 ) thì thế và lực của phong trào cách mạng Lộc Ninh đã phát triển mạnh vượt bậc. Ngày 19/10/1963, du kích Lộc Ninh, Lộc Tấn phối hợp với bộ đội tỉnh phục kích đánh bại cuộc hành quân của Sư đoàn 5 ngụy, diệt 300 tên, bắn rơi 4 máy bay. Sau đó, du kích Lộc Thái đặt mìn phá hủy 1 xe tăng địch, diệt 10 tên (trong đó có 2 tên Mỹ). Ở Lộc Ninh, phong trào vừa sản xuất, vừa đánh giặc phát triển rộng rãi trong nhân dân, ở nhiều làng, sở, ấp, các cụ già, thiếu nhi cũng tham gia vào du kích để canh phòng xóm ấp. Ngày 11/6/1966, lực lượng vũ trang Lộc Ninh cùng bộ đội chủ lực tập kích địch ở khu vực làng 3 và Lộc Thiện, đã bẻ gãy 13 đợt tấn công của địch, ta diệt 250 tên Mỹ, thu 26 súng các loại, đồng bào cũng tham gia kháng chiến, nuôi dấu, chăm sóc thương binh. Ngày 13/12/1966, bộ đội Lộc Ninh phối hợp với bộ đội tỉnh tổ chức pháo kích vào trung tâm huấn luyện biệt kích và chi khu quân sự Lộc Ninh, diệt 67 tên, có 2 lính Mỹ, phá hủy 2 dãy nhà lính. Ngày 7/11/1967, bộ đội huyện và du kích ở Brelin tập kích vào một tiểu đoàn lính Mỹ, diệt gần 1 đại đội. Lộc Ninh trở thành mồ chôn binh đoàn chủ lực khét tiếng của Mỹ, ngụy.
Tượng đài Lộc Ninh chiến thắng 07/04/1972
Đêm 30 rạng ngày 1 Tết Mậu Thân, lực lượng kháng chiến ở Lộc Ninh đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công chi khu quân sự, chi cảnh sát, dinh quận trưởng, đồng bào nổi dậy phá ấp chiến lược, ta giải phóng một vùng đất rộng lớn từ làng 5 đến làng 2, Lộc An, Lộc Hòa. Sáng 5/2/1968, khoảng 20 ngàn đồng bào đội ngũ chỉnh tề, giương cao ngọn cờ mặt trận giải phóng với biểu ngữ kéo về thị trấn Lộc Ninh. Tháng 5/1968, bộ đội C31 huyện Lộc Ninh phối hợp với bộ đội trung đoàn 1 của Sư đoàn 9 đột nhập vào thị trấn Lộc Ninh làm chủ suốt 7 ngày đêm.
Ngày 17/7/1968, đơn vị C31 cùng bộ đội Sư đoàn 7 Quân giải phóng chặn đánh địch tại làng 2, riêng C31 đã đánh bật nhiều đợt phản kích của địch, bắn cháy 3 xe bọc thép và 1 máy bay trực thăng lên thẳng. Đêm 17, rạng ngày 18/8/1968, các lực lượng vũ trang ở Lộc Ninh tiến công vào chi khu quân sự, căn cứ của lực lượng bảo an ngụy, phá nhiều lô cốt, hầm ngầm, trại lính và quân trang, quân dụng của địch. Ngày 22/8/1968, bộ đội huyện phối hợp với Sư đoàn 7 Quân giải phóng tập kích ở làng 5, diệt 220 tên Mỹ, 1 đại đội bảo an và 24 xe bọc thép. Ngày 23/8/1968, bộ đội huyện và Sư đoàn 7 tổ chức trận địa đánh địch đi càn từ làng 3, làng 5, xóm Bưng, vào khu rừng cấm làng 2, ta đã tiêu diệt 1 tiểu đoàn lính Mỹ của trung đoàn số 2, sư đoàn “Anh cả đỏ” Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 400 tên Mỹ, bắt 2 tù binh, thu 40 súng các loại. Ngày 24/8/1968, bộ đội huyện phối hợp với bộ đội cấp trên phục kích địch ở cao điểm 117, cách thị trấn Lộc Ninh 2 km, ta tiêu diệt một đại đội Mỹ, bắn cháy 13 xe M113, bắn rơi 2 máy bay. Ngày 27 và 28/8/1968, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với bộ đội ở trên chặn đánh địch ở làng 3 và sóc Bù Nê, diệt 280 tên Mỹ và bắn rơi 1 máy bay.
Ngày 17/3/1969, được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực Sư đoàn 5 của Miền, đại đội C31 Lộc Ninh đánh địch tại dốc ông Năm (Lộc Quang). Ngày 11/8/1969, lực lượng vũ trang Lộc Ninh dẫn đường cho bộ đội đặc công tiểu đoàn 28 tiến đánh cụm đóng quân của tiểu đoàn 1, trung đoàn 11 thiết giáp Mỹ, diệt 250 tên Mỹ, 25 lính ngụy, phá hủy 26 xe tăng, 1 xe bọc thép M113, sập 4 nhà lính, phá hủy 5 súng máy hiện đại, trung liên. Ngày 14/8/1969, bội đội chủ lực cùng bộ đội Lộc Ninh pháo kích dồn dập vào chi khu quân sự Lộc Ninh, phá hủy 90 xe quân sự, trong đó có 7 xe tăng, xe bọc thép, diệt 350 tên lính ngụy. Tháng 9/1969, lực lượng du kích Lộc Tấn diệt địch trên đường 13, dùng B40 bắn cháy 2 xe tăng, phá hủy 2 máy bay trực thăng HU - 1A. Đầu năm 1970, du kích thị trấn gài mìn, phục kích địch trên quốc lộ 13 đoạn Lộc Ninh - Hớn Quản, diệt 35 tên địch.
Ngày 24/5/1970, bộ đội C31 phục kích địch trên đường 14 thuộc xã Lộc Hiệp, diệt 23 tên địch, phá hủy 1 xe GMC. Cùng ngày du kích Lộc Hòa phục kích địch trên đường 13, phá hủy 2 xe GMC và diệt 14 tên địch. Ngày 27/6/1970, du kích Lộc Tấn và bộ đội C31 đánh địch trên đường 13 thuộc địa phận Lộc Tấn, diệt 15 tên địch, phá hủy 2 xe quân sự.
Đầu tháng 4/1972, bộ đội địa phương và du kích đã tiêu diệt bọn lính bảo an, dân vệ ở các đồn Lộc Tấn, Làng 2, Lộc Thắng, Hoa Lư, Lộc Bình, Ngo Lơ. Trong chiến dịch “Nguyễn Huệ” giải phóng Lộc Ninh, hơn 11 ngàn công nhân cao su và hàng ngàn đồng bào dân tộc Xtiêng, Khơme, chỉ trong 2 đêm 5 và 6/4/1972 đã nhất tề nổi dậy, phá kềm, làm chủ hoàn toàn các làng xã. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh hoàn toàn được giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, là hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam Bộ, là căn cứ địa của Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau hiệp định Paris 1973, cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Lộc Ninh đã đón tiếp, bảo vệ hơn 10 ngàn đồng bào trong tỉnh về tiễn đưa phái đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam về Sài Gòn dự cuộc họp 4 bên và đón tiếp nhiều phái đoàn nước ngoài trong ban kiểm soát, giám sát quốc tế việc thi hành Hiệp định Paris ở Việt Nam. Tại Lộc Ninh cũng là nơi tiếp nhận 45 ngàn tấn lương thực, vũ khí, xăng dầu dự trữ (trạm xăng VK94 ở Lộc Tấn, VK98 ở Lộc Quang). Lộc Ninh, những ngày chuẩn bị chiến dịch xe và người đi, về như thác đổ, hàng ngàn đồng bào Lộc Ninh đã xung phong đi dân công, hỏa tuyến. Quân và dân Lộc Ninh đã góp phần làm nên chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Cố thượng tướng Trần Văn Trà đã nhận định: “Những trang sử đấu tranh vẻ vang trong hơn nửa thế kỷ qua là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ, hy sinh to lớn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng của đồng bào Kinh, Thượng, của biết bao người con trên mọi miền đất nước đã sống và chiến đấu trên vùng đất đỏ Lộc Ninh”.