Trên chiến trường miền Nam Việt Nam, tuy cả quân Mỹ - ngụy và Đồng minh của Mỹ còn hơn 1 triệu quân, quy mô quân số và nổ lực chiến tranh phát triển đến đỉnh cao nhất của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nhưng thế của chúng đi xuống. Thời kỳ khó khăn ác liệt nhất của cách mạng miền Nam đã qua, chính quyền cách mạng được củng cố vững chắc, phong trào du kích chiến tranh và phong trào cách mạng quần chúng đã được khôi phục từng bước. Phương châm của ta vừa chú trọng hoạt động quân sự của lực lượng ba thứ quân hoạt động vừa kết hợp cuộc đấu tranh của lực lượng chính trị. Nhiều trọng điểm đánh phá bình định của Mỹ-ngụy như An Lộc, Lộc Ninh, Chơn Thành, Bù Đốp, Phước Bình, Bù Đăng, Đồng Xoài ta quân, dân ta đã giành được thắng lợi, bộ đội địa phương, du kích đã dần dần bám lại được cơ sở.
Với sự hồi phục mạnh mẽ của lực lượng vũ trang cách mạng và những thắng lợi trên mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, tháng 8-1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở cuộc phản công chiến lược trên toàn miền Nam để đánh phá kế hoạch “bình định” của Mỹ - ngụy. Nhiệm vụ của cách mạng lúc này là kịp thời nắm lấy thời cơ, trên cơ sở phương châm chiến lược lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và trên cả Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ… giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài.
Cuối tháng 3-1972, lực lượng cách mạng đánh thắng lớn ở Quảng Trị, Tây Nguyên. Chiến trường Đông Nam Bộ, đêm 31 tháng 3 rạng sáng ngày 1-4-1973, quân ta tiến công cứ điểm Xa Mát (đường 22 - Tây Ninh) để nghi binh thu hút địch, tạo thuận lợi cho trận then chốt ở Lộc Ninh, trong khi đó tại Lộc Ninh, Bình Long các đơn vị chủ lực Miền, lực lượng vũ trang tỉnh, các đại đội của huyện, du kích đã áp sát mục tiêu được giao, hình thành thế bao vây, các đội tiến công bố trí các mũi chuẩn bị kết hợp với quần chúng nổi dậy phá các ấp chiến lược.
Đồng chí Trần Văn Trà triển khai kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở Bình Long
Nguồn: Bảo tàng Bình Phước
Đúng 5 giờ 30 phút ngày 5-4-1972, bộ binh của ta tiến đánh chi khu quân sự, Bộ chỉ huy Chiến đoàn 9, trại biệt kích ở thị trấn Lộc Ninh. Ngày 7-4-1972, trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, Mỹ - ngụy đã giở thủ đoạn lùa dân ra đường để cản đường tiến quân của lực lượng xe tăng ta. Không để mất thời cơ, bộ binh ta vượt lên phía trước xe tăng dọn đường và tiêu diệt lực lượng địch dọc đường hành tiến, hàng ngàn đồng bào được cứu thoát. Các cụm đóng quân của Mỹ - ngụy ở căn cứ Alpha, Lộc Hòa đã bị quân chủ lực Miền tiêu diệt. Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng. Phối hợp với bộ đội chủ lực, từ đêm ngày 5-4 và trong ngày 6-4-1972 bộ đội địa phương và du kích đã tiêu diệt lính bảo an, dân vệ ở các đồn Lộc Tấn, làng 2, Lộc Thắng, Hoa Lư, Lộc Bình và vây chặt địch ở đồn Ngo Lơ.
Ở Bù Đốp, đêm 5-4-1972 ta pháo kích vào chi khu, trại biệt kích, đồn bảo an ở quận lỵ. Sáng ngày 6-4-1972, Mỹ - ngụy tổ chức phản kích ra phía sau nhà thờ Châu Ninh thì lọt vào ổ phục kích của bộ đội địa phương K16 và bộ đội tỉnh Phước Long. Một tiểu đoàn bảo an và nghĩa quân bị diệt, ta thu được 15 súng các loại. Ngày 8-4-1972, Mỹ - ngụy ở Bù Đốp hoảng loạn bỏ chạy về Phước Long và lập ra Chi khu “Bù Đốp lưu vong”. Bù Đốp cũng hoàn toàn giải phóng.
Trong chiến dịch giải phóng Lộc Ninh, hơn 11.000 công nhân cao su và hàng ngàn đồng bào dân tộc Xtiêng, Khmer đã nổi dậy phá kìm. Chỉ trong 2 đêm 5 và 6-4-1972, quần chúng cùng các anh em binh sĩ, phòng vệ dân sự dưới sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên, du kích mật đã nổi dậy làm chủ hoàn toàn các làng xã.
Ở Bình Long, phối hợp với lực lượng chủ lực, các đại đội 70, 75 và đại đội đặc công của Bình Long nổ súng tiến công đồn Phú Miêng, Phú Lạc, dẫn đường cho cán bộ Trung đoàn 1 Sư đoàn 9 trinh sát và chuẩn bị phương án tác chiến ở sân bay Téc Ních, An Lộc. Đồng thời, phối hợp với Trung đoàn 1 Sư đoàn 5, Trung đoàn 14 Sư đoàn 7 đánh chiếm Núi Gió, điểm cao 169, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn dù, buộc chúng phải lui về An Lộc để phòng thủ.
Mất Lộc Ninh và nguy cơ An Lộc bị tiêu diệt, Quân đoàn 3 ngụy cho các chiến đoàn 7, 52, Liên đoàn biệt động quân số 3 mở cuộc hành quân “Chiến thắng 72” nhằm giải tỏa áp lực khu vực xung quanh An Lộc. Địch điều động Lữ đoàn dù 1 từ Sài Gòn lên Chơn Thành hành quân càn quét hai bên đường 13 lên Tân Khai, An Lộc, dùng máy bay lên thẳng vận chuyển Chiến đoàn 8 từ Lai Khê lên An Lộc, cho không quân (có cả B52) và pháo binh đánh phá ác liệt các ngả đường vào trung tâm An Lộc. Tình hình chiến trường rất căng thẳng.
Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 9 và các đơn vị tăng cường gồm Trung đoàn 1 Sư đoàn 5, Trung đoàn pháo, 1 tiểu đoàn xe tăng được pháo binh chiến dịch chi viện đánh chiếm ngoại vi khu vực phía bắc An Lộc, khống chế các điểm cao và sân bay, kết hợp dùng pháo binh và đặc công đánh phá các mục tiêu chính trong trung tâm An Lộc. Từ ngày 10 đến ngày 12-4-1972, Sư đoàn 9 đánh tan nhiều mũi hành quân của Chiến đoàn 7, quét sạch các chốt vòng ngoài sân bay phía bắc, trong khi Trung đoàn 1 Sư đoàn 5 luồn vào Xa Trạch, hình thành mũi tiến công phía nam An Lộc. Các đơn vị pháo mặt đất, pháo cao xạ bí mật chiếm lĩnh trận địa ở tây bắc và đông bắc An Lộc.
Ngày 13-4-1972, chủ lực Miền và bộ đội địa phương bắt đầu tiến công thị xã An Lộc. Pháo binh các loại đồng loạt bắn phá các mục tiêu quan trọng trong tỉnh lỵ. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 2 được tăng cường một đại đội xe tăng, pháo cao xạ, 2 đại đội súng máy cao xạ tiến công sân bay Téc Ních, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 3 yểm trợ, đánh chiếm điểm cao 128. Sau 2 giờ tiến công liên tục, các đơn vị trên đã hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm mục tiêu. Sư đoàn 9 cũng đánh chiếm được ấp Phú Lạc, ấp Sóc Bế, đồn bảo an (tây bắc An Lộc), cầu Phú Hòa, ấp Sóc Gòn, Núi Gió (ở đông nam thị xã), hai mũi thọc sâu đã vào đến đường Hùng Vương. Phối hợp với bộ đội chủ lực, hai đại đội 70, 75 bộ đội Bình Long được đại đội đặc công tỉnh hỗ trợ đã đánh chiếm hàng chục mục tiêu nhỏ lẻ ở ngoại vi An Lộc, bảo vệ hành lang cho bộ đội chủ lực tiến công vào nội thị.
Tuy chiếm được sân bay và một số mục tiêu nhưng ta cũng bị tổn thất, phải dừng lại củng cố. Mỹ - ngụy cho không quân và pháo binh đánh phá dữ dội vào đội hình ta, đồng thời dùng Tiểu đoàn 6 Lữ đoàn dù 1 và Tiểu đoàn biệt động quân 52 mở đợt phản kích chiếm lại Núi Gió, điểm cao 169 và đặt thêm các trận địa hỏa lực tại đây để khống chế các hướng tiến công của ta.
Ngày 15-4-1972, Sư đoàn 9 sau thời gian củng cố, nổ súng tiến công chiếm các chốt hướng bắc đường Trần Hưng Đạo, vườn hoa Tao Phùng, phát triển đến nhà lao thị xã. Đòn tiến công dồn dập của xe tăng và bộ binh làm cho quân Mỹ - ngụy trong thị xã bắt đầu hoảng loạn. Cùng thời gian này, trên đường 13 đoạn Tàu Ô - Xóm Ruộng, phía bắc Chơn Thành, lực lượng vũ trang địa phương Chơn Thành hỗ trợ Sư đoàn 7 chặn đánh quyết liệt Sư đoàn 21 của quân ngụy. Được bộ đội Sư đoàn 7 tác chiến trên đường 13 hỗ trợ, các đội vũ trang, công tác khu vực Chơn Thành cùng với du kích các xã Minh Hòa, Minh Thạnh, Sóc 5… tích cực vây diệt ác ôn, tề điệp, giải phóng nhiều thôn, ấp.
Mỹ - ngụy phản kích, đổ Lữ đoàn dù 3 xuống bắc Tân Khai để bảo vệ hành lang phía nam An Lộc, đổ Lữ đoàn dù 1 và Liên đoàn biệt động 81 xuống khu vực Núi Gió (đông bắc An Lộc), đánh vào sau đội hình của quân ta, giải tỏa áp lực xung quanh An Lộc. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh tăng cường tiểu đoàn xe tăng 25 chiếc và 36 khẩu pháo, cối cho Sư đoàn 9, Trung đoàn 2 Sư đoàn 5 mở đợt tiến công lần hai, mục tiêu là tòa hành chính tỉnh, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 5. Ngày 11-5-1972, chủ lực Miền mở đợt tiến công mới vào An Lộc, đột phá vào tuyến phòng thủ nhiều tầng của địch. Trận chiến rất ác liệt khi địch dựa vào công sự kiên cố chống trả quyết liệt. Đến 10 giờ, sau nhiều lần tổ chức đột phá mãnh liệt, ta chiếm được Ty Công chánh, nhà lao, khu chợ cũ, Ty Cảnh sát. Nhưng do không nắm vững địa hình, các mũi tiến công chủ yếu phát triển lệch hướng, không đánh trúng trung tâm chỉ huy, gặp phải hỏa lực tập trung dày đặc của địch nên các đơn vị tạm thời dừng tiến công, chuyển sang bao vây.
Trong suốt 32 ngày đêm chiến đấu giằng co quyết liệt với pháo, đạn, bom, kể cả bom B52 cày nát mặt đất với quyết tâm chiếm lại An Lộc, các sư đoàn thiện chiến của Mỹ - ngụy kết hợp bộ binh với cơ giới và phi pháo tổ chức đột kích mạnh nhưng đều bị thất bại nặng. Ngày 15-5-1972, Mỹ - ngụy tăng thêm quân để mở đợt phản kích. Nhằm tránh tổn thất lực lượng, ta rút khỏi An Lộc, lập điểm chốt chặn ở Tàu Ô, Tân Khai đánh địch càn quét giải tỏa đường 13.
Sư đoàn 7 chủ lực Miền tác chiến trên quốc lộ 13 đoạn Tàu Ô - Xóm Ruộng thực hiện nhiệm vụ chốt chặn, đánh bại Mỹ - ngụy tăng viện từ hướng Thủ Dầu Một, Bến Cát (Bình Dương) lên. Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Long tham gia tác chiến trên hướng quốc lộ 13 gồm có:
- Huyện Lộc Ninh có Đại đội bộ binh 31, quá trình chiến dịch được thành lập thêm Đại đội bộ binh 32, phát triển từ lực lượng du kích của các xã và các đội công tác vận động quần chúng.
- Huyện Hớn Quản, có Đại đội bộ binh 70, đại đội đặc công, trung đội trinh sát, đội biệt động. Quá trình chiến dịch xây dựng thêm Đại đội bộ binh 71, Đại đội bộ binh 72, đội vận động quần chúng và thành lập Tiểu đoàn thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch.
- Huyện Chơn Thành trong quá trình chiến dịch, Huyện ủy quyết định rút một số du kích các xã thành lập Đại đội bộ binh 29 bảo vệ vùng mới giải phóng (phía tây Chơn Thành) và củng cố xây dựng lực lượng du kích các xã.
Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang địa phương trong chiến dịch là bảo đảm, hỗ trợ lực lượng chủ lực tác chiến, tích cực hoạt động quân sự, đánh phá đồn bót và phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt ác, diệt tề, kêu gọi binh sĩ ra hàng, bảo vệ vùng giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ lực tiến công giành thắng lợi toàn vẹn trên chiến trường.
Kết quả, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Long đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phối hợp tiến công tiêu diệt địch trên đường 13. Đường 13 và chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng đã trở thành “con đường máu” của Mỹ - ngụy!
Ở Phước Long, từ ngày 1 tháng 4 đến giữa tháng 7-1972, quân và dân địa phương đã loại khỏi vòng chiến đấu 750 binh lính chính quyền Sài Gòn. Khi được tin Lộc Ninh thất thủ, đêm 8-4-1972, Mỹ - ngụy rút chạy qua sông Bé về cao điểm 296 phía nam Phước Tín lập căn cứ mới gọi là Chi khu “Bù Đốp lưu vong”. Bù Đốp giải phóng nối liền với Bù Gia Mập và Lộc Ninh hình thành vùng căn cứ rộng, tiếp giáp vùng giải phóng Campuchia. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, giải phóng hoàn toàn khu vực Bù Đốp và Bù Gia Mập. Lực lượng vũ trang đánh vào Tiểu khu quân sự Phước Long, Chi khu Phước Bình, Đôn Luân, Bù Đăng để kìm chân không cho chúng ứng cứu Mỹ - ngụy ở Bình Long.
Cuộc tiến công hè mùa hè năm 1972 mặc dù chưa dứt điểm được An Lộc như kế hoạch, nhưng làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho cách mạng miền Nam cả thế và lực. Các huyện Lộc Ninh - Bù Đốp, Bù Gia Mập liên hoàn được giải phóng cũng là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Qua đó, ta mở rộng và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, xây dựng Lộc Ninh thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đánh bại một bước chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, tạo điều kiện tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.