Bình Phước là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa; là địa phương năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội; cộng đồng cư dân Bình Phước có 41 dân tộc anh em hội tụ từ mọi miền của đất nước về cùng sinh sống. Đây là đặc điểm khác biệt, tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú; chứa đựng tiềm năng rất lớn trong nghiên cứu, sáng tác và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, nền văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Phước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn học, nghệ thuật có tính chuyên nghiệp hơn. Hoạt động sáng tác, văn nghệ quần chúng có bước phát triển rộng; giao lưu văn học, nghệ thuật được đẩy mạnh; nội dung sáng tạo, phương thức biểu diễn có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng hơn; lực lượng văn nghệ sĩ tăng lên rõ rệt. Hệ thống tổ chức Hội Văn học nghệ thuật được củng cố và thành lập từ cấp tỉnh đến cấp huyện (Hội hiện có 8 chuyên ngành và có 01 Hội Văn học nghệ thuật cấp huyện, với 270 hội viên); đã phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên văn nghệ sĩ lao động sáng tạo nghệ thuật. Công tác giáo dục chính trị, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức cho văn nghệ sĩ được quan tâm, nhất là bồi dưỡng các tài năng trẻ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng phát biểu chỉ đạo buổi gặp mặt văn nghệ sĩ năm 2023
Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Phước rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Các ngành chức năng đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ tham mưu cấp ủy, chính quyền trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và đạt được những kết quả: Phát động nhiều cuộc thi sáng tác “Đại thắng mùa xuân 1975”; “Quê hương con người Bình Phước”; “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Biển đảo quê hương”; “viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; tham gia giải thưởng “Búa liềm vàng” … thông qua các cuộc thi đã có nhiều tác phẩm tiêu biểu được đánh giá cao; Cuộc thi sáng tác Thơ, Tranh Nghệ thuật, Tranh Cổ động Tuyên truyền, Tân nhạc, Ảnh Nghệ thuật với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết quả có 200 tác phẩm có giá trị được bình chọn và có 11 tác phẩm tiêu biểu được gửi dự thi cấp Trung ương… Điều đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Lĩnh vực văn học nghệ thuật được đầu tư gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, xã hội của từng ngành, địa phương. Duy trì việc định kỳ tổ chức gặp gỡ, nhằm động viên, cổ vũ và lắng nghe, ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của văn nghệ sĩ.
Hoạt động sáng tạo, sáng tác văn học nghệ thuật phát triển sôi động, có nhiều tác phẩm giá trị; phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì, phát triển rộng khắp; quyền tự do sáng tạo được tôn trọng; có nhiều tác phẩm ca ngợi, cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất, đồng thời phản ánh những mặt trái, phê phán cái xấu; hoạt động quảng bá, phổ biến các tác phẩm đa dạng, phong phú; có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng.
Đ/c Đào Thị Lanh-TUV, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị Nghị quyết số 23-NQ/TW ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Các cơ quan truyền thông trong tỉnh kịp thời tuyên truyền, thường xuyên đưa tin, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay của các địa phương trong tỉnh. Hoạt động tuyên truyền còn được thực hiện thông qua các trang thông tin điện tử, nhóm cộng đồng, các hoạt động cổ động trực quan, biểu diễn nghệ thuật, tuyên truyền lưu động, trưng bày, triển lãm, hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ... đã góp phần giới thiệu, quảng bá, phổ biến nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh, đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Từ năm 2008 đến nay, Đài phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước đã đăng 6.930 tin, bài; Chuyển thể từ Phát thanh và Truyền hình đăng tải trên báo in, báo điện tử khoảng 950 tin, bài tuyên truyền về văn học nghệ thuật. Hội văn học nghệ thuật hàng năm tổ chức Lễ hội Nguyên tiêu kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam; tổ chức 3 cuộc triển lãm tranh, tượng, ảnh nghệ thuật. Hoạt động văn học, nghệ thuật quần chúng diễn ra sôi nổi, thiết thực từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Các tổ chức Hội, câu lạc bộ, đội nhóm ngày phát triển; 100% huyện, thị, thành phố có đội, nhóm, câu lạc bộ hoạt động thường xuyên trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tích cực tham gia nhiều cuộc thi, triển lãm, hội diễn cấp địa phương, khu vực và toàn quốc; góp phần gìn giữ, giới thiệu, quảng bá về các loại hình nghệ thuật độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đến với đông đảo công chúng. Hàng năm, trung bình cấp tỉnh tổ chức từ 02 đến 03 cuộc liên hoan, hội diễn; 80 buổi tuyên truyền lưu động, chiếu bóng; cấp huyện và cấp xã tổ chức trên 50 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn và tham gia hội thi cấp tỉnh. Điển hình tiêu biểu: làng ca hát ở Chơn Thành, câu lạc bộ dân ca “hát then” ở Đồng Phú, đờn ca tài tử, cồng chiêng ở Lộc Ninh, Bù Đăng…
Hoạt động của cơ quan báo chí, truyền thông phát huy hiệu quả rất tích cực trong tuyên truyền, phổ biến, quảng bá các loại hình văn học nghệ thuật. Đài Phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước đã xây dựng chuyên mục văn hóa, văn nghệ giới thiệu các tác giả, tác phẩm mới; Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng kênh BPTV2 tổ chức sản xuất và phát sóng nhiều chương trình văn nghệ, giải trí; tổ chức truyền hình trực tiếp các chương trình nghệ thuật tiêu biểu; phát thanh trực tiếp chương trình ca nhạc phục vụ bạn nghe đài hàng tuần. Thời gian qua, Đài Phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước duy trì chuyên mục “Góc nhìn thẳng”; đã đăng tải nhiều bài viết góp phần tích cực trong tổng kết thực tiển, phát triển lý luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhìn chung, việc phát triển văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã được triển khai có hiệu quả. Các mục tiêu, nhiệm vụ, các nhóm giải pháp nghị quyết đề ra được triển khai thực hiện đầy đủ và đạt kết quả tốt. Văn học, nghệ thuật đã thật sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là thành tố quan trọng tạo nên nền tảng tinh thần của xã hội. Các hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đội ngũ văn nghệ sỹ tâm huyết, sáng tạo nhiều tác phẩm mới, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, môi trường văn hóa được cải thiện tích cực; bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương được gìn giữ và phát huy góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường và điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật rộng mở; có sự quan tâm lãnh đạo, định hướng thường xuyên của Đảng, kịp thời đầu tư nguồn lực của nhà nước và hướng dẫn chuyên môn của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển mạnh hơn; sôi nổi, thiết thực, bổ ích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Sự phối hợp giữa Hội văn học nghệ thuật với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình trong quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng tốt hơn. Tăng đầu tư cho phát triển lĩnh vực văn hóa, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong quần chúng nhân dân. Phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được ưu tiên đặt vào vị trí trung tâm. Đồng thời tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống, pháp luật, bồi dưỡng ý thức tự giác, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình, từ đó xây dựng niềm tin, khát vọng phát triển Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030; góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững, sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.