Toàn cảnh sự kiện trận chiến Gạc Ma tháng 3/1988 

Thứ hai - 14/03/2022 12:33 4.081 0
Trong trận chiến đấu ngày 14.3.1988, mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh, quyết tử đến cùng để bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.

Qua các tư liệu lịch sử, sự kiện Gạc Ma được tái hiện như sau:


Sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, quân Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Đầu tháng 3.1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: Tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông-tông lớn.

Trước tình hình đó, ngày 4.3.1988, Hải quân ta xác định: Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực Đông kinh tuyến 1150, trong đó, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại tiếp tế của ta cho các đảo ta đang chiếm giữ, vì vậy phải quyết tâm đưa bộ đội đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
 
Tranh vẽ trận chiến Gạc Ma tháng 3.1988. (Ảnh tư liệu)
 
Triển khai chủ trương trên, ngày 12.3.1988, Tàu 605 (Lữ đoàn 125), do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ vượt sóng to, gió lớn, Tàu 605 đến Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo (lúc 5 giờ ngày 14.3.1988), khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của ta.

Tiếp đó, 9 giờ ngày 13.3.1988, tàu HQ 604, do đồng chí Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505, do đồng chí Vũ Huy Lễ làm Thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu 604 và 505 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do đồng chí Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu).

Sau khi hai tàu của ta thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma. Tàu Trung Quốc áp sát Tàu 604 của ta, dùng loa gọi sang khiêu khích, thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma, uy hiếp ta. Cán bộ, chiến sĩ hai tàu 604 và 605 động viên nhau giữ vững quyết tâm không để mắc mưu, kiên trì neo giữ quanh đảo.

Trước tình hình căng thẳng do hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21 giờ ngày 13 tháng 3, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị cho các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin; khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm ngày 13.3. Tàu 604 cùng lực lượng công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, tiếp đó, lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm hai tàu hộ vệ trang bị pháo 100 ly đến khu vực đảo Gạc Ma. 6 giờ, ngày 14.3.1988, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo tiến vào giật cờ ta. Lập tức, Thiếu úy Trần Văn Phương, Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại cờ.

Lính Trung Quốc đã nổ súng bắn vào bộ đội ta, làm Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương. Mặc dù bị đối phương uy hiếp và nổ súng tấn công, nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.

Không ép được bộ đội ta rút khỏi đảo, 7 giờ 30 phút ngày 14.3, hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu 604 của ta, rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt.

Trận đánh diễn ra mỗi lúc thêm ác liệt. Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông và cùng một số cán bộ, chiến sỹ tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay.

Tại đảo Cô Lin, 6 giờ ngày 14.3.1988, tàu HQ 505 đã cắm hai lá cờ lên đảo. Khi Tàu 604 của ta bị chìm, Thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi. Phát hiện thấy ta cơ động lên bãi, hai tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu 505. Bất chấp hiểm nguy, Tàu 505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy.

8 giờ 15 phút ngày 14.3, bộ đội trên Tàu 505 vừa tiến hành dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sỹ của Tàu 604 vừa bị Trung Quốc đánh chìm. Cán bộ, chiến sĩ của Tàu HQ 505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin. Cho đến nay, là cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn phấp phới tung bay trên đảo Cô Lin.
 
 Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và thủy thủ tàu HQ-505 (Ảnh tư liệu)
 
Ở hướng đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14.3, tàu của Trung Quốc bắn chìm tàu HQ 605 của ta. Cán bộ, chiến sỹ của Tàu HQ 605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn (đến 6 giờ ngày 15.3 mới đến đảo). Tại Len Đao, sau trận chiến Gạc Ma, chúng ta đấu tranh kiên quyết, khiến Trung Quốc lui quân, ta bảo vệ thành công Len Đao đến ngày hôm nay.

Trong trận chiến đấu ngày 14.3.1988, mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh, quyết tử đến cùng để bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.
 
Với chiến công oanh liệt, tàu HQ 505 được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các đồng chí Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng chục tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại.
 
Sau sự kiện Trung Quốc tiến công xâm chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa và Thềm lục địa phía Nam. Cho đến nay, các vị trí này đã được Hải quân và nhân dân Việt Nam củng cố và bảo vệ vững chắc.

Tác giả: Gia Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập429
  • Hôm nay62,711
  • Tổng lượt truy cập16,976,031
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây