Tăng thu nhập người lao động
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết: Bù Đốp là huyện vùng sâu, xa, biên giới nên có những khó khăn, “rào cản” trong xây dựng NTM. Đó là nhận thức của nhân dân không đồng đều, đặc biệt vùng biên, dân tộc thiểu số nên việc huy động sức dân trong xây dựng NTM chưa được như mong muốn. Mặt khác, một số tiêu chí chưa thật sự bền vững như thu nhập, bảo hiểm y tế, giáo dục, văn hóa.
Để phấn đấu về đích NTM, Bù Đốp đã huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện đồng bộ. Vì vậy, hệ thống giao thông cơ bản đạt chuẩn với trên 95% tuyến đường được cứng hóa theo tiêu chuẩn Bộ Xây dựng đề ra. Ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì các địa phương trên địa bàn huyện Bù Đốp xác định tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo hiệu quả là bước đi đột phá.
Tuyến giao thông nông thôn địa bàn xã Phước Thiện được xây dựng khang trang, sạch đẹp - tạo điểm nhấn ở vùng biên
Ấp Tân Lập, xã Phước Thiện là khu dân cư biên giới xa nhất, cách trung tâm xã 12km với hơn 80% là người dân tộc thiểu số. Vì thế, làm thể nào để tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương là bài toán khó. Tuy nhiên, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã gắn kết với các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tìm mọi giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người lao động. Trong đó, đội sản xuất 9, Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 đã tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động, với thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng.
Anh Và Bá Tễnh, Công nhân Đội sản xuất 9, Trung đoàn 717 chi sẻ: Tôi đến đây làm cảm thấy thuận lợi hơn ngoài quê Nghệ An rất nhiều với thu nhập ổn định, cao hơn. Trung bình mỗi tháng hai vợ chồng tôi làm được 23 triệu đồng, có tháng cao hơn thì được 26 triệu đồng. Để có thu nhập cao thì phải nỗ lực hàng ngày, đặc biệt là nâng cao tay nghề cạo mủ.
Thiếu tá Hà Hữu An, Đội trưởng đội sản xuất 9, Trung đoàn 717 cho biết: Đơn vị quản lý hơn 200 ha cây cao su với thổ nhưỡng, chất lượng vườn cây xấu, trong khi đó giao thông đi lại khó khăn, nguồn lao động thiếu, chủ yếu là người dân tộc Mông và S’tiêng, chiếm hơn 80%. Dù vậy đơn vị cùng với công nhân, hộ nhận khoán nỗ lực khai thác triệt để đạt sản lượng, chỉ tiêu giao; đồng thời tìm mọi giải pháp nâng cao thu nhập để người lao động yên tâm công tác.
Làm việc ở nơi biên cương Tổ quốc nhưng nhờ được đơn vị quan tâm, tạo mọi điều kiện nên phần lớn lao động yên tâm bám trụ, nỗ lực vươn lên với nguồn thu nhập khá. Không chỉ có thu nhập ổn định mà những lao động khó khăn còn được đơn vị cấp đất, cấp nhà, hỗ trợ vốn để tăng gia sản xuất tạo thêm nguồn thu, đảm bảo cuộc sống lâu dài. Đặc biệt, thời gian qua đơn vị đã xây dựng 13 căn nhà dọc đường tuần tra biên giới làm nơi ở cho những lao động xa quê. Đây là “chìa khóa” để giữ chân người lao động cũng như đảm bảo quốc - an ninh vùng biên.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Thiện Phạm Văn Thắng chia sẻ: Đội sản xuất 9, Trung đoàn 717 luôn phối hợp nhịp nhàng với xã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định cho bà con; gắn bó, điểm tựa vững chắc xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh hơn.
Là huyện thuần nông nên câu hỏi đặt ra là làm sao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong xây dựng NTM là trăn trở của lãnh đạo địa phương. Một trong những giải pháp quan trọng là liên kết hình thành các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản xuất bền vững. Đến nay, huyện biên giới Bù Đốp đã có 15 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tiêu biểu phải kể đến là HTX dê sạch Bù Đốp.
Được thành lập năm 2020 với 11 thành viên, HTX dê sạch Bù Đốp luôn duy trì khoảng 500 con, trung bình mỗi thành viên nuôi từ 40-50 con. Việc thành lập HTX với mục đích là liên kết sản xuất theo mô hình khép kín, từ con giống, thức ăn đến chế biến các sản phẩm dê để cung ứng cho thị trường. Đặc biệt, HTX cam kết thu mua dê của các thành viên với giá cao hơn thị trường 5 ngàn đồng/kg, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định của HTX đó là thức ăn hoàn toàn bằng rau, cỏ, lá ngoài tự nhiên.
Các thành viên HTX luôn kiên trì với thức ăn tự nhiên để tạo ra sản phẩm sạch đúng với tên gọi của HTX. Điều đặc biệt hơn, để tạo ra nét đặc trưng riêng, HTX đang hướng tới là trồng và cho ăn thêm các dược liệu như đinh lăng, lá mơ, đàn hương. Nếu ý tưởng này được thực hiện thành công sẽ cho sản phẩm dê chất lượng hơn nữa, xứng đáng là sản phẩm chủ lực của huyện nhà.
Nhà văn hóa ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp được xây dựng rộng rãi, khang trang tạo điều kiện cho nhân dân hội họp, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Một điểm nhấn nổi bật, tạo sức lan tỏa sâu rộng ở huyện biên giới Bù Đốp đó là phát triển các sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện có 9 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, gồm: Giò chả, bưởi da xanh, hạt tiêu rang muối, tinh bột nghệ, mật ong thiên nhiên, yến sào Đoàn Gia, điều rang muối, mít ruột đỏ và tiêu hữu cơ. Chương trình OCOP đã phát huy sức mạnh, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương và tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn. Hiện nay, Bù Đốp đang đẩy mạnh thực hiện chương trình này với mục tiêu là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nâng cao giá trị và có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Điểm sáng trong xây dựng trường chuẩn
Một điểm nhấn khác ở huyện Bù Đốp không thể bỏ qua là công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong NTM. Đến nay, địa bàn huyện có 12/22 trường công lập đạt chuẩn, chiếm 54%. Đây là điểm sáng toàn tỉnh về xây dựng trường chuẩn, chỉ đứng sau thành phố Đồng Xoài và thị xã Phước Long về tỷ lệ trường chuẩn.
Trường mẫu giáo Tân Tiến, huyện Bù Đốp được xây dựng đạt chuẩn quốc gia - thành quả từ vốn nông thôn mới
Mẫu giáo Tân Tiến, xã Tân Tiến là trường học được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 từ cuối năm học 2022-2023. Để đạt chuẩn, trường đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 12 phòng các loại, gồm phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ cùng khối phòng hành chính và các công trình phụ trợ; đồng thời mua sắm đầy đủ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Việc có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị không chỉ là điều kiện tốt để trường huy động 100% trẻ trên địa bàn ra lớp mà còn tạo thuận lợi để trẻ thỏa sức vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo.
“Tôi cũng như tập thể nhà trường rất vui và hạnh phúc khi được công tác ở ngôi trường khang trang, sạch đẹp như hiện nay. Khi trường được đầu tư xây dựng và công nhận đạt chuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh gửi gắm con em mình. Đặc biệt, 2023-2024 là năm học đầu tiên trường huy động tối đa trẻ ra lớp, trong đó có cả trẻ em dân tộc thiểu số với tổng 307 trẻ/10 nhóm, lớp, tăng 36 em so với năm học trước” - cô Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Tiến tự hào.
Nhà vệ sinh Trường tiểu học Thiện Hưng A, xã Thiện Hưng cũng được xây dựng sạch đẹp từ vốn nông thôn mới nâng cao
Theo cô Định, chủ đề năm học 2023-2024 là “xây dựng trường học hạnh phúc, an toàn, thân thiện”. Vì vậy, với việc cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng đồng bộ, trang thiết bị được mua sắm đầy đủ cùng đội ngũ ban giám hiệu tâm huyết, trách nhiệm sẽ là nguồn cảm hứng để giáo viên phát huy hết năng lực, sở trường trong nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đồng thời, đây là những điều kiện rất tốt để trường thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, khám phá cho trẻ với chuyên đề “lấy trẻ làm trung tâm, trẻ học bằng chơi, chơi mà học”. Đặc biệt, cho trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, vườn hoa, vườn rau của bé, vườn cổ tích, thư viện xanh. Từ đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và phát triển toàn diện hơn về trí tuệ lẫn thể chất.
13 căn nhà được Trung đoàn 717 xây dựng hỗ trợ nơi ở cho người lao động tại đội sản xuất 9
Cũng trên địa bàn xã Tân Tiến, Trường tiểu học Tân Tiến đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2022. Hiện trường có 21 phòng học lý thuyết đảm bảo cho gần 700 học sinh/21 lớp, học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, trường còn có đầy đủ phòng chức năng, bộ môn và công trình phụ trợ khác. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp Trần Đình Trọng phấn khởi: Đứng chân trên địa bàn rộng, với gần 40% học sinh dân tộc thiểu số theo học nên trước đây Trường tiểu học Tân Tiến có đến 4 điểm lẻ. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp tại điểm chính nên đã xóa 100% điểm lẻ. Khi học sinh tập trung về điểm chính không chỉ tạo điều kiện cho các em tham gia đầy đủ hoạt động, hưởng thụ môi trường giáo dục chất lượng tốt mà còn tạo thuận lợi cho nhà trường trong việc tập trung quản lý, dễ dàng bố trí chuyên môn và tạo điều kiện cho giáo viên tăng cường trao đổi, dự giờ, thăm lớp… để nâng cao chất lượng giáo dục.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp Trần Đình Trọng cho biết, dù địa phương vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ. Kết quả đó là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Huyện ủy, UBND huyện. Từ công tác chủ động tham mưu của ngành, Huyện ủy, UBND huyện tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học để phục vụ cho nhiều mục đích. Đó là công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, UBND huyện tập trung đầu tư cho ngành giáo dục từ nhiều nguồn lực với tổng kinh phí 156 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh 80 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 60 tỷ đồng và ngân sách Trung ương hơn 16 tỷ đồng.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Bù Đốp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu có 50% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025 nhưng đến nay huyện đã có 12/22 trường đạt chuẩn, chiếm 54%. Không dừng lại ở đó, UBND huyện Bù Đốp tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phấn đấu đến cuối năm 2025 công nhận thêm 5 trường, nâng tổng 16 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 72%.