Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới và việc thực hiện ở Bình Phước

Chủ nhật - 17/12/2023 00:55 749 0
Lý tưởng và mục tiêu nhân văn cao cả suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động. Trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu ở thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người đã sớm xác định phải phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới
Người không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của xây dựng nông thôn mới, mà còn vạch ra mục tiêu, nội dung, biện pháp xây dựng nông thôn. Những quan điểm đó vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay, góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Về mục tiêu xây dựng nông thôn mới: Trước hết, xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta “đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới chính là đổi mới xã hội nông thôn “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”(1) và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, cho nhân dân lao động có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Ngoài ra, xây dựng nông thôn mới sạch đẹp còn góp phần bảo vệ môi trường, làm giàu sinh thái, tái tạo và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên: “Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao, chẳng có hàng lối gì… Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ. Đồng bào muốn ăn ở tươm tất thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Tết trồng cây, làm cho việc trồng cây lan tỏa rộng khắp, coi đó là “một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục”, “một việc quan trọng chuẩn bị cho công việc xây dựng nông thôn mới nay mai”(3).

Nông thôn mới góp phần phát triển quan hệ cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nông thôn là nơi lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, văn hóa lễ hội đều gắn liền với nông nghiệp, đời sống nông thôn; bản sắc, giá trị văn hóa nông thôn là cốt lõi của văn hóa dân tộc. Nông thôn không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn là nơi lan tỏa, kết nối sự đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa lên tầm cao mới, là động lực của sự phát triển đất nước.

Về nội dung xây dựng nông thôn mới: Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, con người. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước mới ra đời, nhân dân Việt Nam từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ chế độ mới, bắt tay vào tiến hành cải tạo xã hội nông thôn với nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún và nghèo nàn. Một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này đối với Chính phủ mới là xây dựng đời sống mới, trong đó có nông thôn mới phát triển, sạch đẹp; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; gắn với bảo vệ môi trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân(4).

Thứ nhất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn là phát triển giao thông (làm đường), xây dựng nhà ở, phát triển thủy lợi với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm: “Đắp đường lớn là do Trung ương phụ trách, Bộ Giao thông chịu trách nhiệm. Nhưng địa phương có thể làm những đường nhỏ. Làng này qua làng khác, thì xã tự động làm. Nhiều xã đã làm tốt. Nên làm cho đồng bào thấy rõ lợi ích của việc làm thêm đường sá, tuyên truyền giải thích cho khéo, thì đồng bào tự làm và làm tốt”(5); “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng”(6); “Làm thủy lợi thì phải khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời. Làm thủy lợi cần phải kết hợp công trình lớn với công trình vừa và công trình nhỏ; cần phải kết hợp việc giữ nước với việc dẫn nước và việc tháo nước(7); “Làm đại thủy lợi thì nhà nước phải xuất tiền, nhân dân phải xuất sức. Trung thủy lợi thì nhà nước với nhân dân cùng làm. Tiểu thủy lợi thì do nhân dân làm”(8)

Thứ hai, xây dựng văn hóa mới, lối sống mới ở nông thôn, trong đó chú trọng xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa mới và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân. “Phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân”; “phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ””(9)… Trong làng là những gia đình văn hóa: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt việc xây dựng gia đình trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn, đặt nhiệm vụ xây dựng nông thôn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong gia đình, thực hiện đời sống mới về quan hệ thì trên thuận, dưới hòa, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, không thiên tư, thiên ái; từ ăn mặc, đến việc làm đều tiêu pha có kế hoạch, ngăn nắp; cưới hỏi giỗ tết nên đơn giản tiết kiệm; quan tâm tới con cái, đến việc tu dưỡng học hành, kỷ cương nền nếp; giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong xã hội nông thôn Việt Nam: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”(11); “Kinh nghiệm của Đảng ta trong quá trình cách mạng đã chỉ rõ là nơi nào, lúc nào cán bộ ta giải quyết tốt lợi ích thiết thân của nông dân, nắm vững nguyên tắc liên minh công nông, thì nơi đó, lúc đó cách mạng đều tiến mạnh”(12). Chất lượng cuộc sống của người nông dân cũng chính là mục tiêu của xây dựng nông thôn mới: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Muốn đạt mục đích đó thì nhất định phải củng cố và phát triển hợp tác xã cho thật tốt, phải nâng cao không ngừng thu nhập của xã viên”(13). Trong Di chúc, Người mong muốn: “Miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”(14).

Trong xây dựng nông thôn mới, mỗi nhân tố cá nhân con người, nhà, làng, nước có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu biết cách phát huy các nhân tố cùng vận động và phát triển theo chiều hướng tích cực thì kết quả rất tốt đẹp: “Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”(15).

Về biện pháp xây dựng nông thôn mới, muốn xây dựng thành công nông thôn mới, cần tuyên truyền, vận động, giải thích: “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích… Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi. Nói thì phải nói một cách giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó”(16).

Trong tổ chức thực hiện, cần tuân thủ nguyên tắc kế thừa những truyền thống tốt đẹp, chỉ loại bỏ những yếu tố không phù hợp, duy trì, bổ sung và phát triển những yếu tố tiến bộ: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp(17).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới là công việc của toàn dân nên thành viên ban vận động đến từ đại diện của các đảng phái, các đoàn thể, Người cử các vị trong Mặt trận Việt Minh tham gia vào Ban Trung ương vận động đời sống mới. Bên cạnh chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền ở nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến vai trò của các tổ chức chính trị của nông dân, như Nông hội (Hội Nông dân ngày nay), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ: “Nông hội có trách nhiệm chính đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất. Đoàn thanh niên có nhiệm vụ xung phong thúc đẩy phong trào. Phụ nữ cần phải phát huy lực lượng của mình để sản xuất nhiều, sản xuất tốt. Các ngành đều phải có kế hoạch phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”(20).

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nông thôn mới ở Bình Phước hiện nay

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, hệ thống chính trị các cấp của tỉnh Bình Phước đã quyết tâm vào cuộc cùng với sự đồng thuận, sáng tạo của người dân triển khai sâu rộng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và thu được nhiều kết quả quan trọng, qua đó đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn và có nhiều khởi sắc. Hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện, ngành nông nghiệp được cơ cấu lại đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân ở nông thôn.

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại hiệu quả cao, tỉnh Bình phước đã triển khai thực hiện phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu như: “Tuổi trẻ Bình Phước xây dựng nông thôn mới”, “Thắp sáng đường quê”, “Thắp sáng đường tuần tra biên giới” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Phước; “Tổ hợp tác phát triển kinh tế” của Hội Liên hiệp Thanh niên thị xã Bình Long; “Cựu chiến binh tự quản các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp” ở phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài; “Hợp tác xã trồng rau an toàn” của Khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài; Hợp tác xã Chăn nuôi dê Lộc Hiệp” của ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh; mô hình nuôi chim trĩ ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú…

Với việc tuyên truyền sâu rộng những điển hình tiên tiến, mô hình, sáng kiến không chỉ giúp nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức và cộng đồng về lợi ích thiết thực của phong trào thi đua xây dựng NTM, mà còn tạo động lực để người dân, cộng đồng tích cực, chủ động tham gia, làm cho các phong trào thi đua ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh.
 
 Chiều ngày 15/12/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Phước phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng năm 2023
 
 Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Bình Phước có 230.968/240.753 hộ gia đình văn hóa; 823/843 khu dân cư đạt chuẩn văn hóa. 73 công trình thủy lợi vừa và nhỏ được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, trong đó có 62 hồ chứa, 09 đập dâng, 01 trạm bơm và 01 hệ thống kênh sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn với năng lực thiết kế tưới cho 9.286 ha, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt với công suất 133.642m3/ngày, đêm. Hệ thống trường học các cấp ở nông thôn được xây dựng mới, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định với 175/388 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống văn hóa, thông tin truyền thông đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin của dân cư khu vực nông thôn, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước có 111/111 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) và hội trường; trong đó, 66/111 Trung tâm VHTT đạt chuẩn theo quy định. Các Trung tâm VHTT xã đạt chuẩn có diện tích sử dụng từ 300m2 trở lên, khu thể thao từ 1.500m2 trở lên. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, có dịch vụ viễn thông, internet đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cho tổ chức và cá nhân. 100% xã có đài truyền thanh và hệ thống loa phát thanh đến các ấp.

 Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp… Đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân đã xây dựng mới, sửa chữa hàng nghìn căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập nên đại bộ phận cư dân nông thôn có điều kiện để tự chỉnh trang nhà ở, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỉnh Bình Phước hiện nay chỉ còn 2.879 hộ nghèo, chiếm 1,03% tổng số hộ dân, trong đó có 1.696 hộ nghèo là dân tộc thiểu số. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm thêm 2.000 hộ nghèo, trong đó 50% là hộ dân tộc thiểu số. 

 Tính đến cuối năm 2022, Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bình Phước đã vận động được 82.585 triệu đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã xây dựng được 1.030 căn nhà tình nghĩa trị giá 82.400 triệu đồng, sửa chữa 56 căn nhà trị giá 2.100 triệu đồng; hỗ trợ, giúp đỡ sản xuất cho 552 người dân trị giá 1.216 triệu đồng, hỗ trợ 545 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá 353 triệu đồng và hỗ trợ khác trị giá 840 triệu đồng. Đồng thời, đã củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả 225 mô hình NTM trong toàn tỉnh, điển hình như mô hình điểm về “khu dân cư thực hiện hài hoà giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường”, mô hình “khu dân cư không có hộ nghèo”...

 Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước có 03/11 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đó là thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, thị xã Bình Long; 66/86 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 12/86 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 73/86 xã đạt 19 tiêu chí; 07 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 06 xã đạt từ 11 - 14 tiêu chí và toàn tỉnh không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Để tháo gỡ những khó khăn về kinh phí xây dựng NTM, Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa X đã thông qua Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định một số nội dung, mức hỗ trợ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước với trọng tâm: hỗ trợ hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở; hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, thôn; hỗ trợ chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng trọt; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn; hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của địa phương; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp.

----------------------------

(1), (9), (15), (16), (17), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 113, 119, 117, 125 - 126, 112 - 113, 126, 119
(2), (3), (10), (12), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 300, 536, 300, 416
(4) Trong bộn bề công việc khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh 44/SL ngày 4-3-1946 về “Đời sống mới” và phát động phong trào “Xây dựng Đời sống mới”. Ngày 3-4-1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương ra đời. Ngày 20-3-1947, Người cho xuất bản tác phẩm “Đời sống mới”, những tư tưởng trong tác phẩm là cơ sở lý luận quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay.
(5), (6), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 165, 446, 28
(7), (8), (13), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, 199, 198, 164, 221 - 222, 222. (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 56; (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 617; (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 214.

Tài liệu tham khảo:  Nguyễn Hồng Minh, TS Lê Thị Thu Hồng, Sở Du lịch Hà Nội - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tác giả: Duy Khiêm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1587-CV/BTGTU

Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024

lượt xem: 204 | lượt tải:56

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 314 | lượt tải:96

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 270 | lượt tải:71
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập231
  • Hôm nay53,543
  • Tổng lượt truy cập15,225,324
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây