Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước luôn ưu tiên hoàn thiện hệ thống đường giao thông, nhất là hệ thống giao thông nông thôn. Bằng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, hàng nghìn kilomet đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, góp phần thay đổi diện mạo các vùng quê.
Trong quá trình làm đường, nhiều cách làm sáng tạo được thực hiện đã tiết kiệm kinh phí thi công, giảm gánh nặng cho ngân sách và đóng góp của người dân địa phương. Theo đó, tỉnh Bình Phước đã có chủ trương tận dụng tối đa nguồn lực tại chỗ, cắt giảm các chi phí gián tiếp như thiết kế, giám sát, bảo hiểm… Mặt khác, tỉnh cũng chủ động phân bổ nguồn vật liệu làm đường nên không còn tình trạng đội giá, chênh lệch giá.
Ðể tạo bước đột phá, ngay từ năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã đề ra mục tiêu làm 1.000 km đường giao thông nông thôn. Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết mới về mức hỗ trợ và nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngân sách địa phương hỗ trợ 100% công trình giao thông đối với xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, các tổ, xóm có hơn 50% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để địa phương hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tỉnh cũng áp dụng cơ chế đặc thù là tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện hỗ trợ cát, đá, còn lại huy động nguồn lực trong dân để làm đường.
Với cách làm trên, những con đường đất đỏ từ những vùng ven đô thị đến các thôn, ấp vùng xa tồn tại nhiều năm qua ở Bình Phước đã được bê tông hóa. Đặc biệt, Bình Phước đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng 1.000km đường giao thông nông thôn và xóa 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo”. Hưởng ứng phong trào này, các địa phương đã thi đua thực hiện xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thi đua xây dựng đường giao thông nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh gắn với phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Tiếp đó, năm 2020, tỉnh ủy Bình Phước tiếp tục triển khai chương trình 1.000km đường bê tông xi măng nông thôn. Khi hoàn thành 1.000km đường nông thôn, Bình Phước cơ bản hoàn thành việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Từ đó, hạ tầng giao thông từ vùng xa đến thành thị được cứng hóa, hàng hóa lưu thông thuận lợi, kinh tế nông thôn phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao.
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Bình Phước
Theo Đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Phước, bê tông hóa đường giao thông nông thôn là chủ trương mới, chỉ tiêu phấn đấu mới nên trong quá trình thực hiện nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị; được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo các cấp, các ngành. Công tác triển khai thực hiện theo cơ chế đặc thù và phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân.
Đặc biệt, Bình Phước đã phát huy được sự chung sức, đồng lòng của người dân trong làm đường giao thông nông thôn. Điển hình là thôn Bình Giai - thôn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập. Đây là thôn với 87% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 66% số hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ sự phân tích, lý giải có lý, có tình của cấp ủy và chính quyền thôn, bà con hiểu làm đường giao thông nông thôn là làm lợi cho chính mình. Từ đó, bà con hưởng ứng rất nhiệt tình nên năm nào thôn cũng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra và vận động làm thêm vài trăm mét đường để bà con đi lại thuận tiện. Những năm qua đã có hàng chục hộ dân trong thôn sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn.
Lộc Tấn là xã biên giới của huyện Lộc Ninh, kết nối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư nên được chọn thực hiện mô hình huy động và phát huy sức mạnh của lực lượng vũ trang gồm: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Binh đoàn 16, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh Bình Phước chung sức xây dựng đường giao thông nông thôn.
Xây dựng đường nông thôn mới ở Lộc Tấn được triển khai bài bản, thành lập ban điều hành, ban giám sát cộng đồng. Mỗi đơn vị phụ trách phần việc cụ thể, như: Sở Giao thông vận tải tham mưu các đơn vị những vấn đề liên quan đến kỹ thuật thi công. Các đơn vị còn lại góp nhân sự, ngày công, lo hậu cần, thắp sáng các tuyến đường sau khi hoàn thành. Người dân nơi các tuyến đường xây dựng đã sắp xếp bố trí chỗ ở, phục vụ hậu cần.
Với phương án huy động tổng lực từ tài chính, vật lực, nhân lực... đã giúp chương trình xây dựng đường nông thôn ở Lộc Tấn đạt hiệu quả cao, nhất là tiến độ thực hiện, chất lượng công trình. Chưa có công trình làm đường giao thông nông thôn nào trên địa bàn tỉnh lại có sự giám sát trực tiếp quá trình thực hiện của đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc Sở Giao thông vận tải.
Nhờ bê tông hóa đường giao thông, bộ mặt nông thôn ở Bình Phước có nhiều khởi sắc. Nông sản hàng hóa được vận chuyển dễ dàng, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, thu mua của thương lái. Đời sống và thu nhập của người dân ngày một nâng cao.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cộng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đã tạo nên bức tranh giao thông nông thôn của tỉnh Bình Phước ngày càng tươi sáng. Phong trào xây dựng giao thông nông thôn ở Bình Phước thực sự đi vào tâm thức của mỗi người dân và tạo đà cho các thôn, xã bứt phá phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình xây dựng giao thông nông thôn, tỉnh Bình Phước xác định vai trò chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở trong việc tổ chức chỉ đạo điều hành hết sức quan trọng. Từ đó, đứng đầu phải phát huy trách nhiệm; phân công, phân cấp trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng thành viên ban chỉ đạo, từng cơ quan đơn vị, từng cán bộ, đảng viên không để tình trạng né tránh.
Đặc biệt, Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu được xây dựng giao thông nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng. Qua đó, thu hút sự tham gia của người dân, đẩy nhanh tiến độ quá trình xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp.