DÂN SỐ VÀ SỨC KHOẺ: Không để xảy ra “lỗ hổng” miễn dịch Covid-19

Thứ năm - 18/08/2022 09:49 517 0

DÂN SỐ VÀ SỨC KHOẺ: Không để xảy ra “lỗ hổng” miễn dịch Covid-19

 


BPO - Vi rút SARS-CoV-2 vẫn liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể, mức độ tăng nặng và tử vong. Do đó, vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin, triển khai tiêm chủng đối với số lượng vắc xin được phân bổ và bảo đảm sử dụng vắc xin hiệu quả đang được tỉnh tích cực triển khai thực hiện.

Tránh tâm lý chủ quan

Đang trong kỳ nghỉ hè nên phụ huynh ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập phải đưa con đến Trạm Y tế xã để tiêm vắc xin phòng Covid-19. Dù vậy, số lượng học sinh tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vẫn đạt yêu cầu đề ra với khoảng 100 liều tiêm/ngày.

Phụ huynh không ngần ngại đưa con đi tiêm và với chính bản thân họ, tiêm vắc xin cũng là điều cần thiết, dù là mũi nhắc lại hay mũi bổ sung. Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Bù Xia, xã Đắk Ơ chia sẻ: “Tôi từng mắc Covid-19 nhưng vẫn tiếp tục tiêm mũi 3. Khi nào trạm y tế thông báo tiêm mũi 4 thì tôi đi tiêm tiếp”. Lần này chị Hương đưa con đến trạm để tiêm vắc xin mũi 1, bởi đợt tiêm đầu tiên, con chị đang trong thời gian mắc Covid-19 không đủ điều kiện tiêm ngừa.

Tiêm vắc xin mũi nhắc lại là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa dịch Covid-19 quay trở lại

Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ như chị Hương. Khi tình hình dịch lắng xuống thì có một bộ phận người dân đã tiêm mũi 1, 2 và từng mắc Covid-19 không muốn tiêm thêm mũi vắc xin nào nữa. Họ cho rằng tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sẽ để lại nhiều tác dụng phụ không mong muốn, nhất là việc bị suy giảm trí nhớ sau tiêm. Hơn nữa, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát cũng khiến người dân chủ quan hơn. Còn nhiều người có suy nghĩ, tiêm 2 mũi vắc xin và 1 lần mắc Covid-19 là đã đủ để họ phòng, chống lại dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế “tấm khiên” nào cũng cần được gia cố trước sự tấn công, bào mòn của các yếu tố tác động. Và vắc xin phòng Covid-19 sẽ dần mất khả năng bảo vệ chỉ sau từ 4-6 tháng. Do vậy, việc tiêm nhắc lại các mũi vắc xin là biện pháp hiệu quả, cần thiết nhằm giúp cơ thể khôi phục lại và tăng khả năng bảo vệ trước vi rút gây bệnh. “Tiêm để phòng bệnh nên Nhà nước kêu tiêm thì mình cứ tiêm thôi. Có vắc xin thì mình tiêm để phòng bệnh trước đã” - chị Lê Thị Bảy, thôn Đắk U, xã Đắk Ơ chia sẻ.

Gia cố “tấm khiên” miễn dịch

Vi rút SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể cũng như mức độ tăng nặng và tử vong. Trong đó, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào nước ta có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác. Do đó, những người đã tiêm mũi 3 được 3 tháng trở lên, đặc biệt người thuộc diện nguy cơ cao cần tiếp tục tiêm mũi 4. Vắc xin tốt nhất là vắc xin được nhắc lại bổ sung kịp thời nhất.

Người dân nên đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn an toàn trong tiêm chủng

Với biến thể phụ BA.5 đã xâm nhập vào nước ta, số ca mắc mới Covid-19 đang giữ mốc hơn 1.000 ca/ngày. Cộng thêm hiệu lực của vắc xin suy yếu sau từ 4-6 tháng mà không được tiêm nhắc lại, tỷ lệ bao phủ thấp sẽ tạo ra những “lỗ hổng” trong phòng, chống dịch. So sánh giữa nhóm đối tượng tiêm 2 mũi và nhiễm bệnh, tỷ lệ được bảo vệ trước Covid-19 chỉ khoảng 30-40% với nhóm tiêm 3 mũi trở lên và nhiễm bệnh, cơ thể được bảo vệ lên tới 60-70%. Những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại cũng có nguy cơ mắc bệnh, khả năng tái nhiễm cao hơn và từ đây, dịch có thể dễ dàng bùng phát trở lại.

Bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bất kể loại vắc xin nào khi tiêm đều xảy ra tác dụng phụ, nhưng hầu hết nhẹ và rất hiếm khi trở nặng.

“Vẫn có một vài trường hợp biến cố nặng nhưng nhìn chung lợi ích cao hơn rủi ro rất nhiều. Việc có biến cố bất lợi của vắc xin không phải yếu tố để đánh giá và không sử dụng vắc xin. Người dân không nên tin theo lời truyền miệng không căn cứ để mất cơ hội được bảo vệ liên tục khi từ chối tiêm vắc xin mũi 3 và 4”.

Bác sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Theo chuyên gia y tế, các biến thể, biến thể phụ của SARS-CoV-2 vẫn rất đáng lo ngại. Chưa kể nguy cơ tăng gánh nặng kép cho hệ thống y tế vì xu hướng tăng các dịch bệnh vào mùa hè như sốt xuất huyết và tay - chân - miệng. Do đó, tiêm vắc xin vẫn là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch Covid-19 quay trở lại. Ngoài các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm mũi vắc xin bổ sung và nhắc lại, ngành y tế cũng tiếp tục chủ động, đảm bảo sinh phẩm, vật tư y tế và nguồn nhân lực để chuẩn bị cho các tình huống của dịch bệnh. Hiện Bình Phước đã công bố 122 điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cố định để người dân dễ dàng tiếp cận, sẵn sàng tiêm chủng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành công văn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành chỉ tiêu cam kết về tiêm chủng trên địa bàn.

 

Tác giả: BPO

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập231
  • Hôm nay39,165
  • Tổng lượt truy cập15,436,611
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây