Theo Quyết định số 1899/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, trong 5 năm tới, nền nông nghiệp Bình Phước phát triển với 3 nhiệm vụ trọng tâm: tạo vùng nguyên liệu; chế biến; hình thành liên kết chuỗi giá trị. 3 ngành trọng điểm: chăn nuôi; trồng trọt; lâm nghiệp. 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: chăn nuôi (heo, gà); hạt điều; sản phẩm từ gỗ. 3 giải pháp hỗ trợ khởi điểm: quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành hàng năm đạt 5-6%.
Trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ quy hoạch điều chỉnh lại vùng trồng cây chuyên canh, trong đó có cây tiêu để tăng giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh
Bám sát kế hoạch trên, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ quy hoạch điều chỉnh lại vùng trồng cây chuyên canh. Trong đó, trọng tâm là cây cao su, điều, cây ăn trái, cây lấy gỗ trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở chế biến để xác định quy mô cho từng loại cây trồng; chuyển một phần diện tích trồng cây cao su sang quy hoạch đất công nghiệp, đô thị, dân cư, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ người sản xuất trong vùng quy hoạch về vốn, kỹ thuật, tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả và làm cơ sở hình thành chuỗi liên kết. Quy hoạch vùng chăn nuôi hướng đến an toàn dịch bệnh, chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi sạch phải từng bước chi phối toàn ngành chăn nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi heo, gà để cung cấp nguồn giống, sản phẩm chất lượng cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giết mổ gia súc, gia cầm. Đảm bảo hoạt động giết mổ theo đúng quy trình, 100% thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường có kiểm soát thú y. Xây dựng thương hiệu 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu để tăng nhanh số lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Thanh Ngọc (BBP)