Từ khi chào đời, ngày 19/5/1890, cho đến khi rời nơi “chôn nhau cắt rốn”, cậu bé Nguyễn Sinh Cung có 5 năm đầu đời ăn Tết ở quê nhà - xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Cuối năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo mẹ vào Huế ở làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang và đón Xuân, ăn Tết năm 1896 tại đây. Đến năm 1901, đang chuẩn bị đón Xuân năm Tân Sửu thì mẹ qua đời. Những năm tiếp theo, Nguyễn Sinh Cung trở lại Nghệ An rồi lại về kinh đô Huế.
Mùa xuân năm 1911, sau một thời gian làm giáo viên dạy học ở Trường Dục Thanh, thị xã Phan Thiết (nay là tỉnh Bình Thuận), thầy giáo Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn tìm hiểu tình hình rồi quyết định rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911).
Mùa xuân năm 1912, anh thủy thủ Nguyễn Tất Thành đón Tết đầu tiên xa Tổ quốc tại nước Mỹ. Đến năm 1914, Nguyễn Tất Thành đến Luân Đôn, thủ đô nước Anh và đón giao thừa ở đó suốt 4 năm liền...
Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Từ mùa xuân năm 1918 - 1923, Nguyễn Tất Thành đón Tết tại Paris - Thủ đô hoa lệ của nước Pháp. Trong những năm ấy, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã cùng nhóm những người Việt Nam yêu nước gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versailles (6/1919). Mùa xuân năm 1921, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp ở thành Tours (12/1920) với tư cách là đại biểu Đông Dương; Người đã ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Chuẩn bị đón Xuân năm 1922, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Pháp tại Marseille; chuẩn bị cho việc xuất bản tờ báo Le Paria - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tous, Pháp, tháng 12-1920. Ảnh: Tư liệu |
Đầu Xuân năm 1923, trong khi viết truyền đơn, cổ động, vận động mọi người mua báo Le Paria,Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính”. Người kêu gọi “Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới” và kết thúc bằng khẩu hiệu “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại”(2) . Nguyễn Ái Quốc tổ chức Tết Nguyên đán Quý Hợi (năm 1923) tại trụ sở báo và ấn định mỗi người không quá 10 franc chi cho ăn Tết. Đây là mùa Xuân cuối cùng Người ở trên đất Pháp, mùa Xuân tạo tiền đề lớn cho những bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam.
Đến quê hương Cách mạng Tháng Mười, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, Nguyễn Ái Quốc chỉ ra xu thế tất yếu của dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên thế giới, đó là độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(3).
Ngày 21/1/1924, khi đang học tập tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moscow, được tin Lênin từ trần, Nguyễn Ái Quốc cùng một số học sinh Trường Đại học Phương Đông đã tham dự lễ tang Lênin do Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức. Điều mong ước lớn của Nguyễn Ái Quốc là gặp Lênin khi đến nước Nga đã không thực hiện được. Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản khai mạc ngày 17/6/1924 tại Nhà hát lớn ở Moscow không có sự tham dự của V.I.Lênin - lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới, người sáng lập Quốc tế Cộng sản, người cổ vũ tư tưởng nhân dân lao động khắp năm châu.
Những năm sau đó, Hồ Chí Minh thổ lộ rằng, thời gian ở nước Nga là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời Người. Mặc dù vậy, Người vẫn hiểu là nên trở về Tổ quốc để biến ước mơ về một đất nước Việt Nam độc lập, tự do thành hiện thực. Người nói: “Ngay từ nhỏ và cả khi trưởng thành, tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác được tự do, niềm vui vô bờ bến và niềm hạnh phúc như lúc ở Moscow. Và dù sao, tôi vẫn ngồi đếm từng ngày trước khi diễn ra Đại hội của Quốc tế Cộng sản, để ngay sau bế mạc là tôi có thể lập tức lên đường và bắt đầu sự nghiệp hoạt động cách mạng trên thực tế của mình”.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Từ 1925-1927, Người mở các lớp, khóa huấn luyện chính trị tại phố Văn Minh (Quảng Châu)... Với bút danh là Vương, Người đã viết một số tác phẩm cách mạng như: “Lênin và các dân tộc thuộc địa”, “Lênin và phương Đông”, “Nông dân Trung Quốc”, “Đường Kách mệnh”...
Mùa xuân năm 1928, Nguyễn Ái Quốc đến Berlin (Đức), từ đó viết thư gửi các đồng chí lãnh đạo Quốc tế nông dân ở Moscow. Năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đón Tết ở Udon Thani (Thái Lan). Đây là mùa xuân đầu tiên từ khi rời Tổ quốc, Người được ăn Tết trong tình cảm ấm cúng, tình nghĩa của đồng bào, bà con kiều bào ta ở Thái Lan.
Mùa xuân năm 1930, Nguyễn Ái Quốc trở lại Trung Quốc, với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc). Trong không khí của mùa xuân Canh Ngọ (1930), Người đã “đãi” một bữa cơm Tết Nguyên đán vừa tiết kiệm vừa linh đình để chúc mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là một trong những mùa Xuân hạnh phúc nhất của Bác, đi vào lịch sử của dân tộc. Đảng ta ra đời vào mùa Xuân để rồi 15 năm sau và mãi mãi với thời gian, Đảng đem lại những mùa Xuân tươi đẹp, hạnh phúc cho dân tộc.
Mùa xuân năm 1941, ngày 28/1/1941 (Mùng 2 Tết Tân Tỵ), đúng 30 năm kể từ khi rời Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc qua biên giới Việt - Trung, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Người về ở hang Pác Bó, trực tiếp cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam kháng chiến giải phóng dân tộc. Ở Pác Bó, Người được đồng bào các dân tộc che chở, đùm bọc, yêu thương. Sau 30 năm đằng đẵng bôn ba đất khách quê người, nay cả đất trời mùa xuân quê hương - Tổ quốc đón Người trở về. Đó là mùa Xuân vô cùng đặc biệt. Lịch sử gắn Hồ Chí Minh với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân để thực hiện sứ mệnh mà dân tộc đã giao phó. Phải chăng đó “định mệnh” mang tính thời đại. Đúng như một nhà thơ đã viết: Cuối trời Bác đi ngàn sóng tiễn/ Ngày về hoa nở thắm rừng biên/ Ba mươi năm thức tìm chân lý/ Lập nước Việt Nam sáng vạn niên.
Từ mùa Xuân Pác Bó năm ấy, Bác Hồ và Đảng ta đã mở Hội nghị Trung ương lần thứ 8, họp từ 15 đến 19/5/1941, quyết định đường lối cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chuyển hướng chiến lược, chuẩn bị lực lượng toàn dân đấu tranh, tiến tới cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945.
Khi đất nước giành được độc lập, trong Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã tuyên bố với toàn thế giới về quyền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và quyền dân tộc tự quyết của dân tộc Việt Nam. Trong đó, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ vừa là tiền đề, vừa là điều kiện tiên quyết để đem đến những mùa xuân cho nhân dân.
5 năm sau ngày Nguyễn Ái Quốc về nước, cả dân tộc Việt Nam được hưởng cái Tết độc lập đầu tiên - Tết Bính Tuất năm 1946. Trong bài thơ Mừng báo Quốc gia, Người viết:
“Tết này mới thật Tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón Xuân dân chủ,
Cả nước vui chung phúc cộng hòa.
Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc,
Những người chiến sĩ ở phương xa”.
Mùng Một Tết Bính Tuất (ngày 2/2/1946), báo Cứu quốc đăng Thư Chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc chóng thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi”.
Vậy là sau 23 năm rời nước Pháptừ mùa xuân Quý Hợi (1923), đến mùa xuân Tân Tỵ (1941), Bác Hồ và đồng bào ta mới có được một cái Tết thật của dân ta: Tết Tự do, Tết Dân chủ, Tết Cộng hòa. Dẫu đường còn dài và lắm chông gai, nhưng trong niềm tin của Người, mùa xuân mới với cây Dân chủ - Độc lập - Tự do chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái hạnh phúc.
Trải qua 9 mùa xuân trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã anh dũng chiến đấu đánh bại các chiến lược quân sự của kẻ thù, lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm đã mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Mùa xuân nối tiếp mùa xuân. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc ta do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo kéo dài hơn 20 năm, trải qua nhiều gian khổ, hy sinh, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa non sông ta thu về một mối. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào đúng mùa Xuân năm 1975 đã minh chứng cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam theo tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính xác.
Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn sinh động của sự nghiệp đổi mới là minh chứng hùng hồn cho chân lý: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (2-1969). |
Nhìn lại một cách xuyên suốt, từ khi Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp,chia tay Hội Liên hiệp thuộc địavà báo Người cùng khổ để đến Liên Xô (tháng 6/1923) đến Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, suốt 93 năm lãnh đạo, trải qua 93 mùa xuân và 13 kỳ đại hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội luôn được Đảng xác định là sợi chỉ đỏ dẫn dắt cách mạng Việt Nam. Đó là sự trung thành, vận dụng đúng đắn, sáng tại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên những vấn đề căn bản, có tầm chiến lược, trong đó, vấn đề hàng đầu là kiên định và nhận thức đúng đắn về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới của đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng, tròn 100 năm Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp để đến với quê hương Cách mạng Tháng Mười, đón Xuân mới Quý Mão 2023, chúng ta tự hào vì có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất; tự hào về một Đảng Cộng sản do Người sáng lập và rèn luyện, lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đồng thời,đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Năm mới Quý Mão 2023, năm bản lề đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và phấn đấu đến 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Muốn vậy toàn Đảng, toàn dân phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, giá trị văn hóa, tinh hoa thời đại để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, lập nên những kỳ tích mới. Phấn đấu vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng cường quốc năm châu trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, mang đến mùa xuân tốt đẹp cho nhân dân, cho dân tộc trong tiến trình lịch sử hướng đến mùa xuân của nhân loại như mong muốn của Hồ Chí Minh cách đây một thế kỷ./.
Nhìn lại một cách xuyên suốt, từ khi Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp,chia tay Hội Liên hiệp thuộc địavà báo Người cùng khổ để đến Liên Xô (tháng 6/1923) đến Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, suốt 93 năm lãnh đạo, trải qua 93 mùa xuân và 13 kỳ đại hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội luôn được Đảng xác định là sợi chỉ đỏ dẫn dắt cách mạng Việt Nam. Đó là sự trung thành, vận dụng đúng đắn, sáng tại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên những vấn đề căn bản, có tầm chiến lược, trong đó, vấn đề hàng đầu là kiên định và nhận thức đúng đắn về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới của đất nước. |
Tác giả: PGS. TS. BÙI ĐÌNH PHONG Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ThS. ĐẶNG CÔNG THÀNH Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 205 | lượt tải:56Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 314 | lượt tải:96Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 272 | lượt tải:71