Với những lợi thế về vị trí địa lý, đường giao thông, đất đai, nguồn nhân lực, sau 20 năm thành lập, thị xã Chơn Thành ngày nay vươn lên mạnh mẽ và thay đổi toàn diện, khẳng định vị thế là địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh Bình Phước cũng như vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Dấu ấn 20 năm
Ông Hà Huy Đạt, Chủ tịch UBND thị xã Chơn Thành cho biết, huyện Chơn Thành (nay là thị xã Chơn Thành) được thành lập trên cơ sở chia tách một phần phía Nam của huyện Bình Long cũ theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20-2-2003 của Chính phủ. Ngày 2-5-2003, lễ công bố Nghị định số 17 của Chính phủ được tổ chức, Chơn Thành chính thức ra mắt các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các địa phương theo cơ cấu đơn vị hành chính mới. Qua 20 năm, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Chơn Thành đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết, năng động, sáng tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Những dấu ấn quan trọng, đó là, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2003 chỉ đạt 305,5 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2023 ước đạt 35.926 tỷ đồng, tăng hơn 117 lần. Công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ phát triển mạnh mẽ, có 4 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 100%, 1 KCN đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng và mời gọi đầu tư; nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị được triển khai (KCN và dân cư Becamex Bình Phước).
Một góc đô thị Chơn Thành
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2003, ngành nông nghiệp chiếm 60%, công nghiệp xây dựng 31%, thương mại - dịch vụ 9%. Qua 20 năm, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến mạnh mẽ: Công nghiệp - xây dựng chiếm 55,3%, thương mại - dịch vụ 26%, nông nghiệp giảm xuống còn 18,7%. Mặt khác, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao (thu nhập bình quân đầu người năm 2003 chỉ đạt 5,5 triệu đồng, đến nay đã đạt gần 90 triệu đồng, tăng hơn 15 lần so với năm 2003). Năm 2003, tỷ lệ hộ nghèo là 7,1%, đến nay chỉ còn 0,07% (22 hộ nghèo). Thu ngân sách hàng năm tăng nhanh (đến cuối năm 2022 đạt 794,7 tỷ đồng, tăng 132 lần so với năm 2003). Ngoài ra, kết cấu hạ tầng được đầu tư, hoàn thiện, đồng bộ. Công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị được quan tâm, diện mạo nông thôn đã dần chuyển sang mô hình đô thị theo hướng khang trang, hiện đại.
Chế biến gà thịt xuất khẩu công nghệ cao theo dây chuyền khép kín tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (đến từ Thái Lan) thuộc Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, thị xã Chơn Thành
Với lợi thế là cửa ngõ của Bình Phước, Chơn Thành có hệ thống giao thông thuận lợi với 2 tuyến QL13, 14 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Theo hướng QL13 kết nối với Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, là trung tâm kinh tế năng động của khu vực và cả nước; theo QL14 kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và theo đường Hồ Chí Minh kết nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Vì vậy, từ Chơn Thành có thể đi lại, vận chuyển hàng hóa đến tất cả các vùng kinh tế trong cả nước, là điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã có 4 KCN đi vào hoạt động ổn định, tỷ lệ lấp đầy gần 100%, tạo công ăn, việc làm cho trên chục ngàn người lao động (KCN Chơn Thành I, KCN Chơn Thành II, KCN Minh Hưng III, KCN Minh Hưng – Hàn Quốc); ngoài ra KCN và dân cư Becamex Bình Phước đang được tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng, đến nay đã đạt tỷ lệ lấp đầy 11,7% diện tích. Tổng số doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các KCN trên địa bàn là 190 đơn vị, với hơn 3.210 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 1.681 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm cho hơn 40.000 lao động. Sự phát triển mạnh về công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng, đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị và kinh tế - xã hội; kết cấu hạ tầng xã hội ngày càng được hoàn thiện.
(từ phải sang): Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Chơn Thành Lê Hoàng Lâm tham quan, mua sắm nhân dịp tham dự và khánh thành Trung tâm thương mại Chơn Thành Plaza, thị xã Chơn Thành ngày 21-11-2023
Với những tiềm năng, lợi thế trên, Chơn Thành xác định thế mạnh là phát triển công nghiệp và dịch vụ, với 5 KCN, thu hút hàng chục ngàn lao động đến sinh sống, làm việc. Đây là tiền đề để phát triển các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và các loại hình dịch vụ phụ trợ phục vụ sản xuất công nghiệp. Chơn Thành cũng xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế là đẩy mạnh phát triển công nghiệp và các loại hình dịch vụ; nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại – dịch vụ trong cơ cấu kinh tế địa phương. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được Chơn Thành quan tâm đầu tư phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo. Đến cuối năm 2022, tất cả địa phương của Chơn Thành đã về đích nông thôn mới, trong đó 2 phường Minh Hưng và Thành Tâm đạt nông thôn mới nâng cao và thị xã Chơn Thành đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng đô thị “năng động, sinh thái, thông minh”
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Hà Huy Đạt cho biết, thị xã tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025. Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, từng bước đồng bộ, nhất là một số công trình trọng điểm theo Đề án phát triển đô thị Chơn Thành giai đoạn 2021-2025, địa hướng đến năm 2030. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý quy hoạch, xây dựng. Chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã Chơn Thành
Bằng các chương trình, chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai thực hiện, hàng trăm hộ nghèo của Chơn Thành đã thoát nghèo trong 20 năm qua và nhiều xã, phường hiện không còn hộ nghèo. Nếu như năm 2003, Chơn Thành có 759 hộ nghèo, chiếm 7,1%, thì đến cuối tháng 10-2023, tổng số hộ nghèo toàn thị xã chỉ còn 9 hộ (giảm 13 hộ so với cuối năm 2022), chiếm tỷ lệ 0,03%, số hộ cận nghèo là 96 hộ (giảm 12 hộ so với cuối năm 2022), chiếm tỷ lệ 0,32%. Triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Tiểu dự án 1 của dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ước đến cuối năm sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao. |
“Thị xã sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị “năng động, sinh thái, thông minh”. Mục tiêu mà Chơn Thành hướng tới đó là, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại III và đủ điều kiện nâng cấp lên đô thị loại III trong giai đoạn 2026-2030. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Chơn Thành tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến thu hút đầu tư. Chúng tôi tin rằng, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND thị xã, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Đảng bộ thị xã Chơn Thành sẽ lãnh đạo xây dựng Cơn Thành trở thành đô thị khang trang, giàu đẹp, xứng với vị thế đô thị của tỉnh Bình Phước cũng như vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ” – ông Hà Huy Đạt cho biết.