Được thành lập ngày 25-12-1945, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, sự nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân địa phương, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Phước đã cùng nhân dân cả nước đi hết chặng đường kháng chiến chống xâm lược, vinh dự và tự hào khi được góp phần xứng đáng vào bản hùng ca vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, trong đó LLVT tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng vào chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô.
Trang sử hào hùng chốt chặn Tàu Ô
Sau tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, phong trào cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn nhưng ta đã từng bước khắc phục, phát triển lại lực lượng. Tháng 5-1971, tỉnh Bình Long giải thể, còn lại 3 huyện Hớn Quản, Chơn Thành và Lộc Ninh thành lập Phân khu Bình Phước.
Tháng 8-1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở cuộc phản công chiến lược trên toàn miền Nam để đánh phá kế hoạch “bình định” của địch nhằm kịp thời nắm thời cơ, thực hiện phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tấn công mới trên toàn chiến trường miền Nam và cả Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ… giành thắng lợi quan trọng trong năm 1972, mở rộng vùng giải phóng, củng cố căn cứ kháng chiến.
Tháng 10-1971, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 11 đề ra chủ trương mở đợt tiến công chiến lược, quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ ở miền Đông Nam Bộ, hướng chủ yếu là Đường 13. Trong đó, khu vực quyết định là Lộc Ninh (đợt 1), Hớn Quản, Chơn Thành (đợt 2) và các hướng thứ yếu nghi binh, phối hợp thu hút cầm chân địch ở các chiến trường Tây Ninh, Long An, Biên Hòa, Long Khánh.
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khắc phục địa hình, đưa xe tăng tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ảnh tư liệu
Ngày 31-3-1972, ta tiến công cụm cứ điểm Sa Mát (đường 22 Tây Ninh) để nghi binh thu hút địch. Trong khi đó, tại Lộc Ninh, Hớn Quản, các đơn vị chủ lực của Miền, lực lượng vũ trang Phân khu Bình Phước, các đại đội của huyện Hớn Quản, gồm Đại đội bộ binh 70, Đại đội đặc công và 1 trung đội trinh sát huyện, đội biệt động và Đại đội bộ binh 31 huyện Lộc Ninh cùng du kích địa phương áp sát, hình thành thế bao vây quân địch. Các đội công tác cũng bố trí nhiều mũi thực hiện bước 2 phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược. Đúng 5 giờ 30 phút ngày 5-4-1972, Bộ chỉ huy chiến dịch phát lệnh nổ súng tiến công, lực lượng ta từ các mũi tiến công đều đồng loạt nổ súng. Và đúng 14 giờ ngày 7-4-1972, ta hoàn toàn giải phóng Lộc Ninh. Ngày 13-4-1972, lực lượng chủ lực bắt đầu nổ súng tấn công địch ở An Lộc, Hớn Quản.
Sư đoàn 5 tiến công Chi khu Lộc Ninh năm 1972. Ảnh tư liệu
Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Bộ chỉ huy Miền sử dụng 3 sư đoàn bộ binh: 5, 7, 9 và một số đơn vị trực thuộc, LLVT địa phương tham gia chiến dịch. Sư đoàn 7 được giao nhiệm vụ chốt chặn Tàu Ô (nay thuộc Thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), kết hợp đánh vận động, sau đó chuyển sang chiến đấu phòng ngự khu vực đã chia cắt địch trên Đường 13. Nhiệm vụ của sư đoàn là tiến công, ngăn chặn địch trên Đường 13, dài gần 20km, đoạn từ nam Bình Long đến bắc Chơn Thành, trọng điểm là khu vực Tàu Ô, tạo điều kiện cho Sư đoàn 5 tiến công giải phóng Lộc Ninh và Sư đoàn 9 giải phóng căn cứ An Lộc (Bình Long).
Thực hiện chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa dài ngày và không để địch cùng xe tăng, xe cơ giới vượt qua chốt chặn Tàu Ô, Sư đoàn 7 lập thế trận bao vây chia cắt, chặn bộ binh, cơ giới địch lên tăng viện và ngăn không cho địch tháo chạy về Sài Gòn.
Để khơi thông Đường 13 và đẩy lùi lực lượng Quân Giải phóng chốt chặn Tàu Ô, địch huy động toàn bộ lực lượng của các sư đoàn 18, 21, 25, lữ đoàn 15 tăng thiết giáp, 1 lữ đoàn lính dù và sử dụng hơn 35.000 quả đạn pháo 105mm, 155mm, đánh phá trận địa ta.
Trong 3 ngày đầu (từ 5-4 đến 8-4-1972), địch dùng hai phi đội máy bay chiến thuật với 120 lần chiếc đánh vào Tàu Ô; 80 lần chiếc yểm trợ cho bộ binh tấn công. Ngoài ra còn sử dụng máy bay chiến lược B52 rải bom vào khu vực với chiều sâu 800m.
Trước sự hủy diệt của lực lượng không quân, bộ binh và các hỏa lực pháo binh của địch, bộ đội ta vẫn bám trụ và kiên cường chống trả quyết liệt mỗi ngày. Trong suốt 150 ngày đêm chốt chặn Tàu Ô (từ ngày 5-4 đến 28-8-1972), Sư đoàn 7 đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức khác nhau như: Đánh phục kích, tập kích, vây ép… tiêu diệt 8.189 tên; bắt 211 tên địch; bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại; phá hủy 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, thu 390 súng các loại. Địch thiệt hại nặng buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa đường 13.
Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13 đã làm cho Mỹ - ngụy Sài Gòn thiệt hại nặng nề. Đây là chiến công oanh liệt của Sư đoàn 7 cùng với quân dân địa phương đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Đặc biệt, cùng với quả đấm của chủ lực, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước và quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và những mảng ấp chiến lược khác xung quanh thị xã Bình Long, thị trấn Chơn Thành, mở rộng vùng căn cứ thành hậu phương vững chắc của chiến trường B2, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13 đã làm cho Mỹ - ngụy Sài Gòn thiệt hại nặng nề. Trong ảnh: Xe bọc thép của địch bị phá hủy khi tiến công đánh phá chốt chặn Tàu Ô. Ảnh tư liệu
Vai trò của LLVT tỉnh trong chiến thắng Tàu Ô
Dưới sự lãnh đạo của Phân khu ủy, LLVT tỉnh đã nắm chắc và vận dụng sáng tạo phương châm đấu tranh hai chân, ba mũi giáp công - ba vùng chiến lược, xây dựng các đội mũi bám sát địa bàn, luồn sâu vào ấp chiến lược, phát động và tổ chức quần chúng hành động cách mạng, cấp tỉnh đã thành lập tiểu đoàn tập trung cơ động, huyện có đại đội, trung đội bộ đội địa phương, xã có du kích vũ trang, dân quân tự vệ. Cán bộ, chiến sĩ đã luôn được quan tâm giáo dục, động viên, chăm lo kịp thời, vượt qua mọi gian khổ, giữ vững tinh thần chiến đấu và niềm tin tất thắng để hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Chiến thắng phòng ngự Tàu Ô, xóm Ruộng, trong điều kiện quần chúng nhân dân bị kìm kẹp, khống chế, lực lượng cách mạng có nhiều tổn thất, nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ kiên trung đã anh dũng hy sinh, LLVT tỉnh đã cùng các lực lượng phát huy tinh thần chủ động, tích cực, can trường giành giật quyết liệt với địch, đánh tan nhiều lực lượng Mỹ - ngụy, góp phần bẻ gãy “xương sống” của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tạo điều kiện cùng quân dân cả nước tiếp tục chiến đấu đi đến thắng lợi cuối cùng.
Điểm nổi bật trong chiến dịch chính là sự phối hợp hết sức nhịp nhàng giữa các đơn vị của tỉnh như: Tiểu đoàn 368, các Đại đội 70, 75 và Đại đội Đặc công Bình Long và các đơn vị bộ đội chủ lực Miền, khiến địch thiệt hại nặng, buộc phải lui về An Lộc phòng thủ. Việc chọn hướng tiến công trên khu vực Đường 13, đúng vào nơi hiểm yếu của địch là một sự lựa chọn sáng suốt và chính xác; vừa gây bất ngờ cho địch, vừa đúng với ý định và mục đích của chiến dịch đó là đập tan âm mưu của địch trong việc “giành dân, giữ dân” nhằm tạo lợi thế về chính trị, quân sự trong diễn đàn Hội nghị 4 bên ở Paris về vấn đề Việt Nam.
Phát huy truyền thống anh hùng, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, ra sức xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện
Trong suốt quá trình lịch sử chiến đấu và trưởng thành, đặc biệt trong chiến thắng Tàu Ô, xóm Ruộng đã viết nên trang sử hào hùng của quân dân tỉnh nhà, LLVT tỉnh ngày nay đang từng bước trưởng thành mọi mặt.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh hôm nay xin được kính cẩn nghiêng mình trước những hy sinh, mất mát của của các anh hùng liệt sỹ, nguyện phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ đổi mới, ra sức xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng quê hương Bình Phước vững bước tiến lên, góp phần xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Tác giả: * Đại tá Phạm Như Quân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Phước
Ý kiến bạn đọc