Cùng tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền dự phiên họp
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành sẽ tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của tỉnh Bình Phước, của kinh tế khu vực phía Nam.
Toàn cảnh phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11.8
Tuy nhiên, một số vấn đề cũng cần phải lưu ý như định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch. Đặc biệt cần hoàn thiện bộ máy hành chính sau khi được thành lập.
Thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Chơn Thành. Cụ thể, sau khi thành lập, thị xã Chơn Thành và 05 phường thuộc thị xã Chơn Thành, không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc.
Thị xã Chơn Thành sau khi thành lập có 390,34 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 121.083 người; có 09 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 05 phường (Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành) và 04 xã (Minh Thắng, Nha Bích, Minh Lập, Quang Minh).
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường giải trình làm rõ thêm các nội dụng nêu ra tại phiên họp
Cho ý kiến về nội dung này, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Chơn Thành và 05 phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Việc thành lập phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp và cũng là động lực phát triển khu vực, kinh tế phía Nam.
Tuy nhiên một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần báo cáo về cách thức áp dụng pháp luật trong phân loại đô thị; cách tính tỷ lệ cử tri, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; diện tích một số phường khá lớn đòi hỏi phải chú ý trong quản lý đô thị về sau này; thực trạng xử lý nước thải tại các địa phương. Đặc biệt cần hoàn thiện bộ máy hành chính sau khi được thành lập.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý về bộ máy hành chính nhà nước sau khi thành lập thị xã Chơn Thành
Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính” rất quan tâm đến vấn đề tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức trong hệ hệ thống chính trị tại những địa bàn cần thành lập. Do vậy thì đề nghị các đồng chí bổ sung hiện trạng của hệ thống chính trị các ở Chơn Thành hiện nay và trên cơ sở hiện trạng thì chúng ta làm rõ việc tổ chức bộ máy, cơ chế rồi cơ cấu cán bộ, công chức của huyện để mà phục vụ cho cái việc chúng ta thành lập nên là thị xã, phường để đáp ứng được yêu cầu việc vận hành của bộ máy.
Bà NGUYỄN THỊ THANH
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ cũng yêu cầu cần báo cáo thêm về định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường gợi mở thêm một số nội dung về quy hoạch đô thị Chơn Thành trong thời gian tới.
Giải trình về nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết huyện Chơn Thành là một huyện trọng điểm, vùng động lực trọng điểm của tỉnh cả về đô thị hoá và công nghiệp của tỉnh. Chơn Thành có địa hình rất thuận lợi và là nơi giao điểm của rất nhiều tuyến giao thông quan trọng, trong đó, Quốc độ 13 nối Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đi về phía Campuchia, Quốc lộ 14 đi Tây Nguyên và sắp tới hai tuyến cao tốc lớn đang được dự kiến xây dựng cũng có điểm giao tại huyện Chơn Thành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Hiện nay, Chơn Thành đang tập trung phát triển mạnh về các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Do đó, việc thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã là có cơ sở thực tiễn và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời có ý nghĩa rất là quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bình Phước.
Đối với những vấn đề các thành viên UBTVQH nêu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho biết, tỉnh đang hoàn thiện, bổ sung với tiêu chí còn thiếu như xử lý nước thải sinh hoạt hiện huyện đang xây dựng thêm nhà máy thu gom nước thải sinh hoạt.
Biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự đồng tình với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập Thị xã Chơn Thành theo đề nghị của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đó đã đến thăm và làm việc tại Bình Phước, chứng kiến huyện Chơn Thành tốc độ công nghiệp hóa rất mạnh, tốc độ đô thị hóa cũng rất cao, hệ thống giao thông đang dần kết nối đồng bộ, thu ngân sách hàng năm đều ở mức cao. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, tương lai Chơn Thành sẽ là vùng động lực phát triển cho tỉnh Bình Phước cũng như của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau khi thảo luận 100% thành viên UBTVQH tán thành thông qua nghị quyết về việc thành lập thị xã Chơn Thành và 05 phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước./.