Ngành Tuyên giáo “đi trước, mở đường” trong phòng, chống dịch COVID-19

Thứ tư - 22/12/2021 21:50 483 0
(TG) - Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngành Tuyên giáo đã phát huy vai trò tiên phong “đi trước mở đường”, nhận định, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, kịp thời đề ra phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách, phù hợp với diễn biến dịch bệnh của từng giai đoạn và thực tiễn của đất nước. Từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của mọi người dân và toàn xã hội thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
 


ĐẢM BẢO MỤC TIÊU TRUYỀN THÔNG AN DÂN

Ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch COVID-19, công tác thông tin, tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nên đã được quan tâm, tập trung chỉ đạo, định hướng, triển khai bài bản, quyết liệt, huy động sức mạnh tổng thể của các lực lượng làm công tác này. Các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 đã được cung cấp kịp thời, minh bạch và sâu rộng tới tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội, tạo ra sự hưởng ứng mạnh mẽ, đồng thuận của toàn xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. 

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành nhiều công văn, kế hoạch, hướng dẫn  quán triệt sâu sắc và chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tới các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các cơ quan báo chí, ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể như “thực hiện mục tiêu kép”, “phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”, bảo đảm yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đối với từng vùng, từng địa bàn, đặc điểm dân cư. Ban cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, định hướng kịp thời, đồng bộ, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong thời gian qua.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương đã thành lập tổ công tác đặc biệt Trung ương do đồng chí do đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm tổ trưởng, hỗ trợ chỉ đạo, định hướng truyền thông đúng kịch bản đề ra; bổ sung, điều chỉnh kịch bản truyền thông phù hợp với thực tiễn.

Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy chủ động, tập trung triển khai xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo và hướng dẫn hệ thống tuyên giáo cơ sở tập trung tuyên truyền theo các nội dung đã đề ra. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, nhanh nhạy, linh hoạt đảm bảo mục tiêu truyền thông an dân, vì nhân dân để tạo ra sự bình ổn, đoàn kết thống nhất, cùng chung tay góp sức khắc phục khó khăn vượt qua đại dịch. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền trên báo chí, trên nền tảng số, internet, cổng/trang thông tin điện tử các ban, bộ, ngành, địa phương và mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…) bằng hình thức livestream, video, clip, banner ảnh, infographics, biểu ngữ cổ động, tin nhắn… Tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, đội truyền thông lưu động, loa tay, thông qua hội nghị, sinh hoạt chính trị - xã hội; chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở để tuyên truyền phòng, chống dịch sâu sát, cụ thể, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; nhắc nhở, vận động người dân vừa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, vừa tăng gia lao động, sản xuất, kinh doanh với tinh thần như thời chiến “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Tuyên truyền, thông tin, cổ động trên các phương tiện trực quan: băng - rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, phim, ảnh, triển lãm… trên các trục đường chính, chợ dân sinh, siêu thị, bệnh viện, tổ dân phố, khu chung cư, khu lao động, khu công nghiệp, chế xuất…; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, trên các ấn phẩm sách, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp… tạo được sự an tâm đến với đông đảo người dân với các quyết sách của chính quyền các cấp về phòng, chống dịch. Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp sản xuất loạt phóng sự VTV đặc biệt như “Ranh giới”, “Chuyện ở thành phố thức” tạo hiệu ứng rất tích cực với hàng triệu lượt chia sẻ. Đó cũng là những lời động viên, cảm ơn gửi đến các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ban tuyên giáo các cấp chủ động thành lập Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 để triển khai các hoạt động tuyên truyền, hàng tuần có báo cáo cấp ủy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và Ban tuyên giáo cấp trên về kết quả thực hiện của từng cơ quan, đơn vị. Cán bộ, đảng viên ngành Tuyên giáo giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, đảm bảo luôn thể hiện chuẩn mực, phù hợp, nhất là đối với các nội dung liên quan đến tình hình dịch bệnh.

Ngành Tuyên giáo đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành Y tế, kịp thời định hướng, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh. Điển hình là công tác phối hợp, phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, tổ kiểm soát ở thôn, bản, tổ dân phố trong tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống tuyên giáo cơ sở đã chủ động xây dựng các loại tài liệu, video clip, Inforgraphic...; tận dụng hệ thống loa phát thanh của các phường, xã, trường học để thực hiện công tác tuyên truyền. Lực lượng quân y, bộ đội tham gia các trạm Y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 ở phường, xã, thị trấn đã tích cực tham gia tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thực hiện tốt phương châm “5K + vaccine”, “5T”.

 Theo điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, 84% người được hỏi đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống dịch COVID-19.

Tuyệt đại đa số những người được hỏi (96%) tin tưởng rằng, với nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch hiện nay, Việt Nam sẽ kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19.

CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT, TỔNG HỢP, PHẢN ÁNH DƯ LUẬN XÃ HỘI VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Công tác nắm bắt dư luận xã hội về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn được các tỉnh ủy, thành ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với nhiều ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy thăm dò dư luận xã hội xoay quanh các nội dung về công tác phòng, chống dịch bằng hình thức trực tuyến thông qua điện thoại, Internet, tin nhắn, Email, Zalo, Google form…, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. So với điều tra bằng phiếu anket, điều tra qua internet đã khẳng định được nhiều ưu điểm nổi trội như: tiếp cận được số lượng mẫu lớn trong thời gian ngắn, không có phiếu lỗi hay trả lời sót câu hỏi, trong vài giờ có thể điều tra và có kết quả điều tra, rất phù hợp đối với các cuộc điều tra nhanh phục vụ công tác dự báo, chỉ đạo về một vấn đề cụ thể.

Nội dung lấy ý kiến xoay quanh tâm trạng của người dân trước diễn biến tình hình phòng, chống dịch COVID-19; những lo lắng, bức xúc của người dân liên quan đến diễn biến tình hình dịch bệnh, giải pháp công tác phòng, chống dịch; khảo sát những giải phát thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch được người dân tin tưởng, đồng thuận; sự tin tưởng về việc kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới. Đối tượng tham gia là các tầng lớp nhân dân gồm nông dân, công nhân, hưu trí, nhân viên văn phòng, người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Để việc khảo sát được tiến hành thuận lợi, đáp ứng yêu cầu, mục đích đề ra, ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thàn ủy đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị quan tâm phối hợp, cử cán bộ chia sẻ đường liên kết rộng rãi tại đơn vị và địa phương. Từ đó, hệ thống tuyên giáo các cấp chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các vấn đề dư luận bức xúc trong phòng, chống dịch COVID-19 đều được phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan qua các bản báo cáo dư luận xã hội thường kỳ và đột xuất. Qua đó, ban tuyên giáo các cấp kịp thời tham mưu cho cấp ủy chủ động xử lý, giải quyết các vụ việc nổi cộm và một số vấn đề nhạy cảm, bức xúc liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Kết quả báo cáo điều tra dư luận cũng là những tham mưu, gợi ý về các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình thực tiễn ở các địa phương. Đó là, làm tốt hơn công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác đối với dịch bệnh; thực hiện nghiêm phương châm “5K + vaccine", “5T”; tuyên truyền rộng rãi bằng loa đài, băng rôn, phát thanh lưu động tới những người vùng sâu, vùng xa, không dùng mạng xã hội để giúp họ nắm bắt và hiểu rõ tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bùng phát, kể cả khi đã có vaccine phòng ngừa; phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm công tác phòng chống dịch để nêu gương cho nhân dân; kiểm soát chặt chẽ những người đi từ nơi khác đến và đang thực hiện cách ly y tế tại nhà; thực hiện truy vết thần tốc đảm bảo không bỏ lọt đối tượng nếu có phát sinh ca mắc COVID-19 mới nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng; có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những người không chấp hành quy định phòngchống dịch; quan tâm hơn đến các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân trong dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ.

Từ những thông tin của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội của thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng xây dựng và ban hành 51 báo cáo dư luận xã hội về tình hình dịch COVID-19; tổ chức 5 cuộc giao ban cộng tác viên dư luận xã hội thành phố chuyên đề, lồng ghép với công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai vừa tiến hành cuộc điều tra dư luận xã hội về công tác phòng-chống dịch COVID-19 và ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống người dân trong tỉnh. Kết quả điều tra cho thấy, người dân đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp thể hiện qua các chủ trương, quyết sách, biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua. Đối với việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 ở địa phương, đa số các ý kiến được hỏi (82,28%) đánh giá đạt yêu cầu, nhanh, kịp thời, phù hợp với nguồn vaccine được phân bổ. Tính công khai, minh bạch trong kế hoạch tiêm vaccine được đánh giá rất tích cực.

ĐẤU TRANH PHẢN BÁC THÔNG TIN XẤU, ĐỘC

Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động gia tăng chống phá hướng vào các chính sách phòng, chống dịch bệnh, chính sách an sinh xã hội, chính sách vaccine phòng dịch bệnh… Tin giả có xu hướng ngày càng bùng phát với nhiều tác hại xã hội. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương, những luận điệu cố tình xuyên tạc hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên tuyến đầu chống dịch; sử dụng video, clip bị cắt xén, lồng ghép những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về dịch bệnh gây hoang mang dư luận… Đằng sau sự xuyên tạc này là những mưu đồ chính trị, “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc, cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng, đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19, Ban Tuyên giáo các cấp đã phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao liên quan đến công tác phòng, chống, dịch bệnh thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương. Chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng tổ công tác đặc biệt của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với các tỉnh, thành phố phía Nam về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng tổ công tác đặc biệt của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với các tỉnh, thành phố phía Nam về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thống nhất nhận thức, củng cố sự đồng thuận xã hội trong bối cảnh hiện nay, Ban chỉ đạo 35 các cấp đã chủ động, thường xuyên nắm chắc tình hình tình, kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp tuyên truyền thông tin tích cực, đấu tranh phản bác, ngăn chặn, xử lý các thông tin xuyên tạc, bịa đặt chống phá công tác phòng, chống dịch. Một trong những biện pháp đem lại hiệu quả cao là tăng cường tuyên truyền các thông tin tích cực, lấn át thông tin tiêu cực, tạo niềm tin của nhân dân đối với các chính sách phòng, chống dịch của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp. Các cơ quan truyền thông, báo chí từ Trung ương, các bộ, ngành, các địa phương đã xây dựng, đăng tải tin, bài, phóng sự tuyên truyền về kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, về các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân trước, trong, sau khi kiểm soát dịch bệnh, về các chính sách tái khởi động các hoạt động sản xuất, kinh doanh… Phát huy tốt các chuyên mục, chương trình, chuyên đề, phóng sự, tin, bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh trực diện, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Các cơ quan báo chí tiếp tục có nhiều bài viết, chương trình lên án, phản bác những thông tin giả, bịa đặt, xấu độc, xuyên tạc trên Internet và mạng xã hội, lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước thăm chốt kiểm soát phòng chống dịch tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Đồng chí Hà Anh Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước thăm chốt kiểm soát phòng chống dịch tại thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

NẮM CHẮC TÌNH HÌNH, KỊP THỜI THAM MƯU GIẢI PHÁP XỬ LÝ

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt các ổ dịch trong cộng đồng và tiến hành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp tục, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại các đô thị lớn, khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao, những nơi tập trung đông người… Hiện nay, mục tiêu công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, “đi trước mở đường” tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch; đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Ngành Tuyên giáo cần phải chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền; chủ động, tích cực, linh hoạt, kiên quyết, hiệu quả, sự việc xảy ra tại đâu thì xử lý triệt để tại đó, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu giải pháp xử lý.

Trước mắt, cần chủ động thông tin, tuyên truyền trong trạng thái bình thường mới vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và ở tại tất cả các cơ quan, đơn vị tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng; coi việc đảm bảo an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là những nơi thường xuyên tập trung đông người, xử lý nghiêm các vi phạm.

Hệ thống tuyên giáo các cấp chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyên truyền, giáo dục phòng, chống dịch COVID-19, tập trung tuyên truyền về thực hiện yêu cầu “5K + vaccine”, “5T”; xử lý nghiêm việc đưa tin sai lệch về dịch bệnh gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng; triển khai tốt ứng dụng khai báo y tế, thực hiện truy vết các trường hợp nghi ngờ và xây dựng bản đồ an toàn dịch bệnh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với dịch bệnh và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo thành dòng thông tin chủ lưu về những diễn biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước và từng tỉnh, thành phố; các chính sách, giải pháp mới nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, sớm phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19; tạo sự yên tâm, tin tưởng nhưng không chủ quan, lơ là của người dân trong và ngoài nước, người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài và bạn bè quốc tế. Đồng thời, cân nhắc, thận trọng khi thông tin về những sơ suất, sai sót cá biệt, không để truyền thông nước ngoài, mạng xã hội lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá. Tuyên truyền các vấn đề trong phòng, chống dịch gắn với phục hồi kinh tế - xã hội theo nhiều góc nhìn tích cực, truyền cảm hứng cho xã hội; tuyên truyền về chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là nỗ lực triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công tác tuyên truyền khẳng định việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ em được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, trên cơ sở khoa học với loại vaccine được nhiều quốc gia trên thế giới phê chuẩn và đưa vào chương trình tiêm chủng; tránh các thông tin thiếu căn cứ, chưa được kiểm chứng gây phân tâm trong dư luận, ảnh hưởng đến chiến lược tiêm chủng.

Tác giả: Tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

112-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904-01/5/2024)

lượt xem: 79 | lượt tải:78

111-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

lượt xem: 281 | lượt tải:124

109-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975-23/3/2024)

lượt xem: 170 | lượt tải:103
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay10,679
  • Tổng lượt truy cập8,580,381
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây