Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ cộng, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Nằm trong tình hình chung của thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung, trên địa bàn tỉnh riêng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giá yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng, thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có xu hướng bị thu hẹp, hàng hóa tồn đọng kéo dài cần tập trung giải quyết…làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trên địa bàn tỉnh nói chung và ảnh hưởng đến việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội nói riêng. Bên cạnh đó, số người nhận chế độ BHXH một lần trong năm 2023 tăng nhiều so với các năm, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững và tạo áp lực cho Ngành trong công tác phát triển số người tham gia BHXH theo chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra.
Trong bối cảnh đó, nhằm từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo BHXH Việt Nam, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành có liên quan, của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương; trong năm qua, BHXH tỉnh Bình Phước đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch, phương án, kịch bản điều hành cụ thể phù hợp với tình hình và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Người tham gia BHYT đi KCB tại Bệnh viện đa khoa tỉnh
Những nỗ lực của Ngành được thể hiện rõ nét qua việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về công tác thu; phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; giải quyết tốt các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người tham gia; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý cũng như các hoạt động nghiệp vụ; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời.
MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐƯỢC RÚT RA NHƯ SAU
Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam, của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đối với công tác BHXH, BHYT; chủ động, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Hai là, phát huy truyền thông đoàn kết, kỷ cương của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH tỉnh; lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu; phát huy vai trò trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện.
Ba là, nắm chắc, bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, thống nhất, xuyên suốt từ BHXH tỉnh đến BHXH các huyện, thị xã. Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và hiệu quả.
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phân công công việc cần phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Năm là, khi phối hợp với các cấp, các ngành phải giải quyết cho được và hài hòa 02 vấn đề quan trọng, đó là: (i) lấy việc giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia thụ hưởng là ưu tiên hàng đầu; (ii) lấy công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ là trọng tâm.
Năm 2024 để hoàn thành tốt những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao; toàn ngành BHXH tỉnh tập trung thực hiện tốt các NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP trọng tâm sau:
1. Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước; Chương trình hành động của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT. Phấn đấu đến hết năm 2024 có 94% dân số tham gia BHYT, có 42% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
2. Tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng Internet, mạng xã hội; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT. Công tác truyền thông phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ động, kịp thời, đi trước một bước, nhằm tạo sự đồng thuận, nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
3. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT cho người tham gia. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
4. Tổ chức các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn để nắm bắt tình hình sử dụng lao động, phổ biến những chính sách mới và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Qua các Hội nghị này, cung cấp thông tin từ dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp về những lao động đã làm việc, hưởng lương và thu nhập đã kê khai tỉnh, nộp thuế thu nhập cá nhân hàng tháng nhưng chưa đóng BHXH, BHTN, BHYT. Yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định, trường hợp các đơn vị sử dụng lao động cố tình không thực hiện thì tiến hành thanh tra đóng BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định pháp luật.
5. Đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT cho người tham gia. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
6. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tăng cường chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT; phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng trục lợi quỹ.
7. Tiếp tục rà soát, đề nghị BHXH Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp và người dân; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công toàn trình của ngành; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính; đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh.
8. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHTN, BHYT theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh; nâng cao năng lực quản lý và chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Quản lý và vận hành an toàn hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành đảm bảo thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an toàn thông tin, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
9. Chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng…
10. Tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm; rõ kết quả.