Đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội được xử lý như sau:
Theo quy định tại điểm a, d khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: Đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch COVID-19, gây hoang mang trong Nhân dân thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo điểm 1.4 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.
L. Hùng (TH)
Ý kiến bạn đọc