Điểu Long, nay 52 tuổi, ngụ thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, được biết đến như một tay phá rừng khét tiếng trước đây. Điểu Long sinh ra trong một gia đình nghèo, nghèo về vật chất và thiếu thốn về tình cảm, nên mới học hết lớp 2 trường làng, Điểu Long đã phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Vì cuộc sống gia đình nghèo khó nên mới lên 15, Điểu Long đã gia nhập “đội quân” phá rừng, theo chân các anh, các chú đi kiếm ăn từ rừng. Diện tích phá từ vài ba sào đến 1 mẫu, cứ đất bạc màu, cỏ tranh mọc nhiều sau mấy mùa trồng tỉa, Điểu Long lại cùng anh em đi phá chỗ khác. Sau những năm tháng phá nên đường đi nước bước khu rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập Điểu Long thuộc nằm lòng.
Phá rừng khét tiếng
Anh Điểu Long
“Hồi đó tôi đi phá rừng chỉ để trồng lúa, mì, bắp… lo cái ăn trước mắt cho gia đình, sau mới tính đến chuyện lấy gỗ làm nhà. Rồi khi tôi thấy nhiều người đi phá rừng lấy gỗ mang đi bán kiếm tiền, tôi cũng tìm những cánh rừng có nhiều gỗ quý phá mang bán. Có khu cần tiền, tôi đi phá rừng thuê, ai thuê đâu phá đó, thuê gì phá nấy – anh Điểu Long nói - Hồi đó nhiều khi trúng mánh được những cây gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ là tiền nhiều lắm. Tiền nhiều mang về lo cho nhà thì ít còn nhậu thì nhiều.
“Dụng cụ phá hồi đó chỉ bằng cửa tay, rựa, ngày đó làm gì có cưa máy. Cưa tay thì mệt lắm nhưng được cái không ai biết vì không phát ra tiếng nổ. Anh em kiểm lâm, bộ đội mà nghe có tiếng nổ là chết với họ. Họ mang súng đi bắt liền. Có những cây gỗ lớn phải cưa ngày cưa đêm, mất mấy ngày mới xong. Đổ xuống rồi thì lại cửa thành từng khúc rồi rình khi không có kiểm lâm, bộ đội là đi bộ gùi trong rừng ra ngoài hay là thả xuống sông bỏ lên bè chèo đi đến một bãi nào đó, rồi lấy xe trâu, xe máy mang đi bán” – anh Điểu Long nhớ lại.
Biết phá rừng là vi phạm pháp luật nhưng khi nhắc đến, Điểu Long luôn say sưa kể về quá khứ như một chiến tích, có vẻ đầy “tự hào” của mình. Điều mà Điểu Long thấy “tự hào” nhất đó là chưa bao giờ bị bắt. Trong suốt hàng chục năm phá rừng, vận chuyển gỗ lậu, săn bắt thú rừng, Điểu Long đã nhiều lần bị lực lượng thuộc các cơ quan chức năng vây bắt. Tuy nhiên, với khả năng thuộc nằm lòng những cánh rừng cộng với biệt tài của mình, Điểu Long luôn chiến thắng lực lượng chức năng bảo vệ rừng. Nhiều phen Điểu Long chỉ còn cách lực lượng tuần tra rừng vài ba chục mét nhưng vẫn trốn thoát một cách ngoạn mục.
Anh Điểu Long kể về hành trình từ phá rừng khét tiếng đến ngày “gác kiếm”
“Có lần khi phá xong 4, 5 cây giáng hương to cổ thụ để lại khoảng trống lớn trong rừng nên các cán bộ kiểm lâm đi tuần phát hiện. Thấy họ, anh em chia ra các ngã chạy thục mạng lao xuống núp bụi bờ sông, chờ đến khi trời sập tối kiểm lâm rút đi anh em mới dám quay lại. Nhưng hôm sau họ lại quay lại bãi gỗ để canh bắt anh em chúng tôi. Thấy họ, tôi và anh em lại trốn. Canh chừng cán bộ cả tuần lễ chúng tôi mới lấy đi trong đêm được vài khúc gỗ bán chia nhau tiền, gỗ còn lại họ mang hết về đồn, anh em tiếc lắm.
Mấy người đi phá rừng cùng tôi bị bắt đầy, nhưng thường được ông chủ (các đầu nậu phá rừng) chuộc ra sau mấy ngày bị bắt. Rừng thì rậm rạp, sông suối, núi non hiểm trở nên phải biết, phải thuộc, khi có kiểm lâm là chạy trốn liền. Mà chạy rồi thì phải kiếm một nơi nào đó thấy an toàn là “nằm im thở khẽ”, chờ khi nào kiểm lâm bỏ đi thì mới ra được. Trong rừng mùa mưa thì vắt, ve nhiều vô kể nên có khi sợ bị bắt phải trốn trong rừng cả đêm, đói rét gần chết, ve vắt muỗi bọ cắn sưng cả người. Không chỉ tự trốn, tôi còn mách nước cho anh em trốn nữa, thường cũng thoát hết” – Điểu Long kể.
Ngoài đi phá rừng, Điểu Long còn có tiếng về vận chuyển gỗ lậu từ rừng ra ngoài. “Hồi đó tôi cũng hay được một số người thuê đi gùi gỗ từ trong rừng sâu ra. Công việc rất mệt nhưng vì phải nuôi nhiều cái miệng nên cũng phải lao vào làm”. Tôi sinh ra giữa rừng già nên tôi nhớ hồi đó rừng nhiều lắm, thú thì muôn loài nhưng phá mãi giờ rừng hết cũng nhiều rồi, tôi cũng tận mắt thấy nhiều con thú quý hiếm bị các thợ săn bắn hạ, bị bẫy rồi mang bán cho quán nhậu” – anh Điểu Long nói.
“Gác kiếm”
Anh Điểu Long (thứ hai từ trái sang) cùng các lực lượng nhận khoán, bảo về rừng bàn phương án tuần tra, kiểm soát rừng
Sau nhiều lần chứng kiến đồng bọn bị bắt giam, bị tù tội và sau quãng thời gian khoảng 20 năm phá rừng, bẫy thú, năm 2006, Điểu Long đã quyết định “gác kiếm”. “Xưa kia người đồng bào chúng tôi sống dựa vào rừng nhưng sau khi rừng bị tàn phá nhiều nên cuộc sống cũng gặp khó khăn. Tôi thấy phá rừng là có tội với thiên nhiên” – anh Điểu Long phân trần. Theo anh Điểu Long, trước đây đồng bào sống gần rừng nên lúc nào cũng nhăm nhe phá rừng, săn bắt thú. “Mỗi người nói cần một cây rừng. Tôi nói một người một cây, 1.000 người 1.000 cây thì rừng còn đâu ra nữa” – anh Điểu Long tâm sự.
Sau hơn nửa năm “nghỉ ngơi”, ở nhà rảnh rỗi rồi sa đà vào nhậu nhẹt, anh Điểu Long cảm thấy nhớ rừng, nên cuối năm 2006, anh quyết định xin đi bảo vệ rừng với suy nghĩ để “trả tội với thiên nhiên”. Qua sự giới thiệu của anh Điểu Hân – Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bù Gia Mập – người mà anh Điểu Long từng chạm mặt khi hai người thuộc 2 chiến tuyến (người phá rừng và người bảo vệ rừng), anh Điều Long được nhận vào làm việc tại cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Với sở trường và kinh nghiệm đi rừng nhiều năm được ví von “địa danh nào vắng bóng chân anh”, anh Điểu Long đã góp phần hữu ích cùng cộng đồng giảm hẳn tình trạng phá rừng, săn bắt thú.
Anh Điểu Long phát quang đường ranh bảo vệ phòng chống cháy rừng
Theo anh Điểu Long, bình quân mỗi người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập bình quân 2-2,5 triệu đồng/người/tháng (trung bình 1 tháng mỗi người đi tuần tra bảo vệ rừng 10 ngày), chưa kể tiền hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giam gia bảo vệ rừng từ Chính phủ. Mỗi quý được nhận lương một lần, trung bình từ 8-10 triệu đồng/người/quý. Đây được xem như nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể cho các cộng đồng nhận khoán tham giam bảo vệ rừng. Cũng theo anh Điểu Long, tham gia cộng đồng, người dân còn được hưởng nhiều lợi lộc từ rừng. Để cải thiện bữa ăn hằng ngày, anh em được lấy những loại rau do Ban quản lý Vườn cho phép như: lá nhíp, đọt mây, măng, nấm; đủ loại trái cây như: xoài, vải, chôm chôm, trường, sấu, chuối, dâu…
Từ một hộ khó khăn nhưng sau 18 năm tham gia bảo vệ rừng, hiện anh Điểu Long có cuộc sống khá ổn định. Anh có 6 người con và 10 đứa cháu. Hầu hết các con anh hiện đã trưởng thành và ra riêng sinh sống ổn định. Ngoài thu nhập từ đi tuần tra bảo vệ rừng, lúc rỗi rãi, anh Điểu Long còn đi làm thuê như nhặt điều, hái cà phê, tiêu, phát cỏ… để kiếm thêm thu nhập và cũng dành thời gian vui đùa với con cháu. Ngoài ra, cơ ngơi của anh gồm một căn nhà kiên cố trên diện tích hàng trăm mét vuông, 1ha điều hơn 12 năm tuổi.
Nhận xét về anh Điểu Long, ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết, không chỉ trực tiếp tham gia, anh Điểu Long còn vận động bà con đồng bào trong vùng từ bỏ phá rừng, săn bắt thú. Có tiếng nói của anh nên đến nay, hầu hết diện tích hơn 25.600ha rừng của Vườn đã được giao cho các cộng đồng thôn bản trên địa bàn nhận khoán bảo vệ và được bảo vệ khá nghiêm ngặt.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích 25.601,18 ha. Vườn hiện có nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao và nhiều giống cây dược liệu quý hiếm. Vườn cũng là nơi trú ngụ của các loài động vật hoang dã quý hiếm như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, gà tiền mặt đỏ, voi...; khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ, voọc ngũ sắc, vượn đen má vàng...; các loài chim như hồng hoàng, gà lôi hồng tía, dù dì phương đông, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, gà so cổ hung, chim yến hồng xám... |
Theo ghi nhận, trước năm 2006, mỗi năm xảy ra hàng chục vụ khai thác lâm sản trái phép, hằng trăm vụ săn bắt thú rừng nhưng hàng chục năm trở lại đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, cháy rừng, săn bắt thú… ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã giảm hẳn. Năm 2023, chỉ xảy ra vài vụ xâm nhập rừng tuy nhiên tính chất, quy mô nhỏ, không đáng kể. Tương tự, tình trạng săn bắt thú cũng chỉ xảy ra lẻ tẻ vài vụ, gây thiệt hại không đáng kể.