Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị, dự hội nghị còn có các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các ban, sở, ban ngành của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị
Hội nghị đã đánh giá toàn diện về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với việc thực hiện những Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực văn hóa, con người Việt Nam. Đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, thiết thực để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời kỳ mới.
Đồng chí Nguyễn Khắc Vĩnh - Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Hội nghị có 08 tham luận tập trung vào trọng tạo của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới; thực trạng và giải pháp giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; kết quả nổi bật trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc tại địa phương trong thời gian qua; nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục kiến thức, kỹ năng cho học sinh trong các trường học; thực trạng và giải pháp xây dựng văn hóa công sở; vấn đề thông tin, truyền thông về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW; xây dựng và phát triển văn hóa, con người việt nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội về xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị phải xác định xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời kỳ mới là mục tiêu, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững. Văn hóa, con người Bình Phước là nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư để phát triển nhanh và bền vững.
Cần rà soát, đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 14-NQ/TU vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị; chỉ đạo xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể và các giải pháp huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện thắng lợi. Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các mô hình văn hóa; qua đó nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hiệu quả.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người; thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương Bình Phước. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và các hoạt động văn hóa; ưu tiên thực hiện số hóa hệ thống di sản văn hóa, khu du lịch, bảo tàng, cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin, truyền thông, cơ sở dữ liệu thư viện của tỉnh... Khuyến khích phát triển sâu rộng các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng; nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác văn học - nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa, con người; đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và nhu cầu thực tế của tỉnh và các địa phương. Ưu tiên đầu tư, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước hình thành và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gắn với phát triển du lịch và dịch vụ văn hóa; tạo dựng thương hiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Bình Phước
Tập trung xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, dòng họ, địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp; văn hóa trong chính trị và kinh tế, văn hóa nơi công cộng. Tổ chức các hoạt động văn hoá, giáo dục, khoa học theo hướng xây dựng con người có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp. Tạo môi trường lành mạnh để giáo dục, rèn luyện con người Bình Phước phát triển toàn diện về các mặt “Đức - Trí - Thể - Mĩ”, dựa trên cốt lõi của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa tiến bộ và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của gia đình, dòng họ, địa phương.
Tiếp tục chủ động, tích cực, đa dạng hóa các hình thức tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa với các tỉnh, thành bạn, các bộ, ngành Trung ương có liên quan để bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch của tỉnh thông qua các diễn đàn, sự kiện, hội chợ khu vực, trong nước và nước ngoài.
Tăng cường xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hoá từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa” theo tiêu chí các chuẩn mực để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng. Thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.