Sau ngày giải phóng (02/4/1975), Chơn Thành bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hàng ngàn hec ta ruộng đất bị hoang hóa, không thể canh tác, làng mạc, nhà cửa, hệ thống giao thông, trường học, cơ sở y tế… bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Chơn Thành lúc bấy giờ là tập trung nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định trật tự xã hội, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân.
Trong giai đoạn đổi mới đất nước, đặc biệt là sau ngày thành lập huyện (ngày 20/3/2003), Chơn Thành vẫn là huyện nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm 54,77%), công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chiếm 23,63%), thương nghiệp, dịch vụ (chiếm 21,60%). Nông nghiệp vẫn là ngành có mức đóng góp ngân sách nhiều nhất với giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 271.731 triệu đồng; giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ đạt 139,5 tỷ đồng.
Qua 22 năm thành lập huyện Chơn Thành (nay là thị xã Chơn Thành), tình hình kinh tế - xã hội thị xã Chơn Thành có bước phát triển vượt bậc. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã đạt 33.480 tỷ đồng, tăng gấp 239 lần so với năm 2003 (139,5 tỷ đồng), doanh thu ngành dịch vụ đạt 3.023 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.080 tỷ đồng tăng gấp 15 lần so với năm 2003. Cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thuế thu nhập cá nhân. Năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn thị xã đạt gần 492 tỷ đồng, tăng gấp 27 lần so với năm 2004 (18 tỷ đồng).
Các khu công nghiệp tiếp tục thu hút các dự án trong và ngoài nước, tỷ lệ lấp đầy 04 khu công nghiệp gần 100%. Tổng số doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn là 255 dự án, với 5.181 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 1.932,2 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm cho hơn 40.000 lao động. Riêng Khu công nghiệp và Dân cư Becamex - Bình Phước và Cụm công nghiệp Nha Bích được chủ đầu tư tập trung thực hiện, sẵn sàng thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.
Tính đến tháng 11/2024, số doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn thị xã là 1.042 doanh nghiệp, tăng gấp hơn 43 lần so với năm 2003 (24 doanh nghiệp), trong đó số doanh nghiệp thành lập mới là 180 doanh nghiệp. Số hộ kinh doanh là 9.772 hộ, tăng gấp 5,3 lần số với năm 2003 (1.836 hộ).
Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển đột phá đáp ứng ngày càng tốt hơn việc lưu thông hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Đến nay, hệ thống giao thông huyết mạch (Quốc lộ 13, 14) và các tuyến đường liên huyện, liên xã đã được nhựa hóa 100%. Hạ tầng giao thông hiện đại đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư, tạo liên kết giữa các vùng miền, thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội của Chơn Thành phát triển.

Lễ động thổ dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư xây dựng với hệ thống 03 chợ truyền thống và nhiều cửa hàng Bách hóa xanh, cửa hàng tiện lợi phân bố rộng khắp; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế cung cấp những dịch vụ chất lượng cao và hiện đại trên nhiều lĩnh vực. Năm 2023, Trung tâm thương mại Chơn Thành đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai sâu rộng. Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng được tăng cường thực hiện.
Kinh tế hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác trên địa bàn thị xã Chơn Thành có bước phát triển mạnh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng xanh - sạch, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong chăm sóc, phát triển liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP và sản phẩm OCOP 3 sao đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Toàn thị xã có 15 hợp tác xã, 17 tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, 80 trang trại. Có 100% số xã đạt tiêu chí về tổ chức phát triển sản xuất và kinh tế nông thôn theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới...
Có thể thấy răng, với ý chí và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, trải qua 50 giải phóng và sau 22 năm thành lập huyện Chơn Thành (nay là thị xã Chơn Thành), dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Chơn Thành đã nỗ lực phấn đấu, tạo dựng nên nhiều thành quả trên các lĩnh vực, ngày càng khẳng định là một trong những trung tâm tăng trưởng, động lực kinh tế của tỉnh Bình Phước.