Các lĩnh vực văn hóa, xã hội của Bình Phước có nhiều tiến bộ sau 50 năm ngày giải phóng (23/3/1975 - 23/3/2025)
LH
2025-03-31T19:20:03-04:00
2025-03-31T19:20:03-04:00
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/dinh-huong-tuyen-truyen/cac-linh-vuc-van-hoa-xa-hoi-cua-binh-phuoc-co-nhieu-tien-bo-sau-50-nam-ngay-giai-phong-23-3-1975-23-3-2025-3435.html
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/news/2025_03/888888888888.jpg
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/logo-btg.png
Sau 50 năm ngày giải phóng (23/3/1975 - 23/3/2025), các lĩnh vực văn hóa - xã hội Bình Phước có nhiều tiến bộ, đặc biệt là công tác giáo dục, xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho các đối tượng người có công...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ
Từ chỗ là “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất trường học chủ yếu làm tạm bằng tranh, tre, nứa, lá; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vừa thiếu vừa yếu, đời sống của giáo viên khó khăn, học sinh phải học 3 ca. Đến nay, mạng lưới trường, lớp được quy hoạch và phát triển tập trung, kể cả các điểm lẻ, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục; có 235/390 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 60,25%.
Năm 1998, tỉnh được công nhận xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2009 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh năm 2024 đạt 99,21%, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành; có 02 trường trung học phổ thông chuyên luôn nằm trong nhóm các trường của cả nước có tỷ lệ học sinh đậu đại học cao. Bình Phước hiện có 02 trường cao đẳng, và đang phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh thành lập phân hiệu tại tỉnh, hứa hẹn sẽ là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho tỉnh thời gian tới.

Trao quà cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số
Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở dạy nghề đảm bảo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%. Năm 2024, đã đào tạo nghề cho 12.000 lao động; giải quyết việc làm cho 48.530 lao động; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 42%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tiếp tục được duy trì dưới 3%; thu hút lao động ngoại tỉnh đạt 10.000 người.
Lĩnh vực Y tế có nhiều tiến bộ, từng bước hướng đến mục tiêu vì Nhân dân phục vụ. Nếu như sau giải phóng, hệ thống cơ sở vật chất ngành y tế hết sức khó khăn, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ thiếu trầm trọng, thì hiện nay đã được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đảm bảo đầy đủ thuốc và vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh. Số giường bệnh/vạn dân đạt 28,6 giường; số bác sỹ/vạn dân 9,7 bác sỹ. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 10% (năm 1997 là 47%). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%.
Các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, nhất là các nội dung tỉnh có thế mạnh. Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt tỷ lệ 41% tổng dân số. Câu lạc bộ bóng đá Trường Tươi Bình Phước được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, đạt được thứ hạng cao tại giải hạng nhất Quốc gia, thu hút đông đảo người hâm mộ ủng hộ các trận đấu. Tỉnh cũng đã đủ tiềm lực để đăng cai những giải lớn, tầm cỡ Quốc gia, như giải việt dã leo núi "Chinh phục đỉnh cao Bà Rá", giải bóng chuyền trẻ Cúp câu lạc bộ quốc gia, giải chạy marathon, giải vô địch bơi, vovinam, taekwondo các lứa tuổi. Thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả nổi bật, chỉ tính riêng năm 2024, các vận động viên của tỉnh tham dự 63 giải thể thao cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế, đoạt được 232 huy chương các loại.
Chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả; đời sống Nhân dân được cải thiện và nâng cao
Thời kỳ sau giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh khó khăn nên nguồn lực đầu tư cho các trường hợp người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo chưa nhiều. Những năm trở lại đây, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều khởi sắc nên cấp ủy, chính quyền các cấp đã dành nguồn lực chăm lo cho các trường hợp này. Đặc biệt, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt được kết quả tích cực, từ tỉnh có hơn 17,82% hộ đói nghèo năm 1997, đến nay đã giảm xuống còn dưới 0,2% (hiện toàn tỉnh còn 583 hộ nghèo, trong đó có 315 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số), phấn đấu trong năm 2025 tỉnh không còn hộ nghèo.
Toàn tỉnh hiện đang quản lý hơn 25.000 hồ sơ người có công, trong đó có gần 4.700 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong nước và tại vương quốc Campuchia được đẩy mạnh, qua 23 giai đoạn đã quy tập được 3.196 mộ liệt sĩ, trong đó có 251 hài cốt liệt sĩ xác định được thông tin.
Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, nếu như năm 1997 chỉ đạt 2,2 triệu đồng thì đến năm 2024 đạt 108,4 triệu đồng, tăng hơn 49 lần. Các nhu cầu hưởng thụ vật chất, văn hóa của người dân cơ bản được đáp ứng, kể cả khu vực nông thôn. Thực hiện phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới, sau gần 15 năm xây dựng, đến nay toàn tỉnh có 79/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6/19 tiêu chí nông thôn mới, góp phần giảm khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.
Xác định được hệ giá trị văn hóa và con người Bình Phước để tập trung xây dựng và phát triển
Trong suốt chặng đường phát triển, từ trong gian khó sau giải phóng đến nay, những nét đẹp văn hóa truyền thống từ cộng đồng 41 dân tộc trong cả nước đến Bình Phước sinh sống được phục dựng, bảo tồn, phát triển. Tỉnh hiện có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 07 di sản văn hóa phi vật thể thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 25 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; 47 di tích được xếp hạng (05 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc qua và 30 di tích cấp tỉnh). Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Bình Phước được phục dựng, bảo tồn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” gắn với các phong trào thi đua yêu nước (phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo; mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số; đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện; “nghĩa tình đồng đội”…) mang lại hiệu quả thiết thực.
Từ quá trình tổng kết thực tiễn, phát huy trí tuệ của cả hệ thống chính trị trong tỉnh và tiếp thu, hoàn chỉnh ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về văn hóa tại Hội nghị Văn hóa tỉnh. Ngày 20/11/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây cũng là lần đầu tiên, tỉnh có nghị quyết chuyên đề riêng về văn hóa, là 01 trong 03 tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Nghị quyết số 14-NQ/TU đặt ra mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sẽ xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước vừa đậm đà giá trị văn hóa dân tộc, vừa giàu có bản sắc địa phương, chú trọng tới các đặc tính “đa dạng, bản sắc và hội nhập”. Chăm lo xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, chú trọng tới các đặc tính “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”. Trong đó, Hòa hợp là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp lại thành một khối thống nhất và sự hài hòa trong quan hệ xã hội. Nghĩa tình là thể hiện tinh thần nhân ái, thành thật, yêu thương, chia sẻ và sống tốt với nhau. Tự cường là thể hiện ý chí vươn lên, có khát vọng và niềm tin để phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, gia đình và bản thân. Kỷ cương là thể hiện nhận thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, chấp hành tốt các quy định của Đảng và của tổ chức; sống trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực và không tiếp tay, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực. Sáng tạo là thể hiện tư duy, phong cách và năng lực làm việc hướng tới tạo ra những giá trị mới về chất, tạo động lực cho sự phát triển hiệu quả của địa phương, đơn vị và cá nhân trên các lĩnh vực.