Lực lượng quản lý, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ là một lực lượng thuộc biên chế Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tại Công an tỉnh Bình Phước, lớp cán bộ đầu tiên được cử đi đào tạo năm 2008, gồm 3 đồng chí. Đến nay qua 6 đợt cử tuyển đi học với tổng số 16 cán bộ được đào tạo về công tác nuôi dưỡng, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Ngày 30/8/2024, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước quyết định thành lập Đội quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát cơ động trên cơ sở Tổ quản lý, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ trực thuộc Đại đội Cảnh sát cơ động trước đây.
Cảnh khuyển, những chiến sỹ đặc biệt tham gia tuần tra cùng lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Bình Phước
Đội quản lý, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ quản lý, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ hay (còn gọi Cảnh khuyển) là một loại công cụ hỗ trợ đặc biệt của lực lượng Công an nói chung và Cảnh sát cơ động nói riêng. Với tính chất đặc thù, trong những năm qua Phòng Cảnh sát cơ động luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ về lòng say mê, yêu nghề, gắn bó tận tâm với công việc. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ phải luôn kiên trì, bền bỉ, rèn luyện cho chó nghiệp vụ có tính kỷ luật cao, tuân thủ cán bộ huấn luyện, vận dụng sáng tạo, linh hoạt khoa học phù hợp vào điều kiện thực tế của địa phương. Trong thời gian qua, chó nghiệp vụ đã tích cực tham gia tuần tra, kiểm soát, hỗ trợ Công an các đơn vị, địa phương trong giải quyết các chuyên án, vụ án, vụ việc phức tạp, tham gia tập luyện, diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh.
Thượng tá Nguyễn Phước Chí, Trưởng Phòng Cảnh sát cơ động tặng hoa chúc mừng các đồng chí Đội quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thượng tá Nguyễn Phước Chí, Trưởng Phòng Cảnh sát cơ động nhấn mạnh: Cảnh sát cơ động là 01 trong 06 lực lượng tiến thẳng lên “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, yêu cầu đặt ra là phải tự nâng cao trình độ, nghiệp vụ, năng lực công tác và khả năng vận hành, thao tác thuần thục các phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ được trang bị. Để đáp ứng yêu cầu đó đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ phải không ngừng đổi mới, nâng cao công tác tổ chức huấn luyện, diễn tập từ phương án đơn lẻ đến phương án hiệp đồng tác chiến, để làm tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ ANTT khi có tình huống xảy ra trên địa bàn.