Thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phổ biến, quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về PCCC. Trong những năm qua, trên địa bàn không để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 38-KH/TU ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 344/KH-UBND ngày 11/11/2021 về triển khai thực hiện Kết luận số 02 của Ban Bí thư. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu, quần chúng Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực PCCC. Đưa việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn PCCC là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động.
Lực lượng PCCC Công an tỉnh sử dụng xe chuyên dụng diễn tập chữa cháy từ trên cao (Ảnh tư liệu)
Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc PCCC, do đó Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh thực hiện và thường xuyên nghiên cứu nhằm đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Với phương châm “huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC”, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành, các cơ quan phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC kết hợp với phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ’’, thông qua công tác vận động đã phát huy sức mạnh, vai trò của cả hệ thống chính trị cùng với việc sử dụng nhiều loại hình, biện pháp phù hợp với thực tế sinh hoạt và làm việc của Nhân dân.
Hiện nay trên toàn tỉnh đã lập được 191 Tổ liên gia, 36 điểm chữa cháy công cộng; 14/14 đội PCCC chuyên ngành với 365 thành viên; 2.273/2.273 đội PCCC cơ sở với 18.713 thành viên; 843/843 đội dân phòng với 5.655 thành viên. Tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả 05 mô hình về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã xây dựng: Mô hình “Đảm bảo công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy tại Chợ Lộc Ninh và khu dân cư lân cận” tại huyện Lộc Ninh; Mô hình “Đảm bảo công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy tại chợ Bù Đăng”, tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng; Mô hình “Đảm bảo an toàn PCCC Trung tâm thương mại Phước Bình,” tại phường Phước Bình, thị xã Phước Long; Mô hình “Công tác phối hợp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH khu vực siêu thị Coop Mart Đồng Xoài và các khu vực lân cận” tại phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài; Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC và CNCH tại KCN Becamex, thị xã Chơn Thành.
Thực hiện công tác này, lực lượng Công an đã chủ động nghiên cứu, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: đăng tin, bài trên các trang mạng xã hội, tổ chức các cuộc thi, buổi trải nghiệm... Chỉ tính riêng năm 2024, lực lượng Công an tỉnh đã xây dựng đăng tải 45 tin, bài, 11 phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương; tổ chức 204 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kiến thức về PCCC, CNCH với 8.997 người tham gia; tổ chức trải nghiệm thực hành về PCCC được 03 đợt với hơn 3.500 lượt người tham gia; tổ chức kiểm tra về PCCC được 1.416 lượt cơ sở, qua kiểm tra công tác PCCC đã kịp thời phát hiện, hướng dẫn các cơ sở khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH, đồng thời, đã tiến hành lập 102 biên bản vi phạm các quy định về an toàn PCCC, xử phạt với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ thực hiện kiểm tra định kỳ để đánh giá tình trạng và sự sẵn sàng của hệ thống PCCC tại nhà máy (Ảnh: Báo Bình Phước online)
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính; duy trì tiếp nhận, giải quyết thủ tục hồ sơ về lĩnh vực PCCC tại bộ phận một cửa của Công an tỉnh, đồng thời tuyên truyền, vận động, khuyến khích doanh nghiệp, Nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an để giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC; lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp PCCC và CNCH, hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra, tỉnh Bình Phước đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát về công tác PCCC và CNCH ở địa phương, đơn vị mình. Đưa việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động. Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để bảo đảm cho công tác PCCC và CNCH.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH, giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chấp hành các quy định về phòng, chống cháy, nổ; ý thức được hậu quả nghiêm trọng của cháy, nổ, từ đó tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định về PCCC và CNCH.
Ba là, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC và CNCH. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; công tác thẩm duyệt thiết kế; công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC, nhất là việc tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức; khắc phục dứt điểm các vi phạm, thiếu sót đối với công trình chưa bảo đảm an toàn PCCC; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn PCCC.
Bốn là, lãnh đạo triển khai quy hoạch hạ tầng PCCC giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh đồng bộ với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Tập trung khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, bất cập về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Năm là, tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Kiện toàn, củng cố mô hình lực lượng bán chuyên trách, tự nguyện về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, đồng thời có cơ chế phù hợp để phát huy vai trò của lực lượng này trong PCCC tại chỗ.
Sáu là, nghiên cứu triển khai ứng dụng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo trực tuyến sự cố phục vụ công tác quản lý, thông tin, chỉ huy, điều hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.