Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Lộc Ninh đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng, giúp nhiều hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương...
Để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay vốn NHCSXH, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện luôn bám sát nội dung ủy thác, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, các văn bản chỉ đạo của NHCSXH và Hội cấp trên; chỉ đạo cơ sở Hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trực thuộc Hội quản lý thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác, đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Hội cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như lồng ghép với các hội nghị và các buổi sinh hoạt của các Chi hội ở cơ sở. Đến nay, có 16/16 cơ sở Hội đã thực hiện nhận uỷ thác với NHCSXH huyện; Hội Nông dân quản lý 92 tổ TK&VV, thực hiện uỷ thác cho vay với tổng dư nợ là 197 tỷ đồng, cho 4.222 hộ vay.
Hội nông dân tỉnh, huyện thăm các hộ vay vốn từ NHCSXH huyện
Hằng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng vốn của Hội cơ sở, Tổ TK&VV và đối chiếu hộ vay theo quy định. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát, phân công cán bộ Hội trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV, đôn đốc các hộ vay trả nợ và trả lãi theo định kỳ. Đồng thời, chỉ đạo các Tổ TK&VV bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng, hướng dẫn hội viên vay lập hồ sơ, tiến hành phê duyệt, giải ngân kịp thời.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn không ít khó khăn, tình hình thiên tai, dịch bệnh, hoạt động tín dụng đen, an ninh trật tự ở địa phương còn diễn biến phức tạp, ngoài ra một số trường hợp hộ vay bán nhà bỏ đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ rất khó khăn trong việc thu hồi nợ. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ổn định, công tác thu hồi nợ vay khó khăn, lãi tồn tăng…
Nhằm góp phần nâng cao đời sống hội viên, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, trong thời gian tới Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp tốt với NHCSXH huyện; chỉ đạo Hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến hội viên, nông dân; nắm chắc tình hình hoạt động của Tổ TK&VV, củng cố kịp thời Tổ trưởng hoạt động kém hiệu quả; thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; nhắc nhở các tổ thực hiện tốt qui chế hoạt động, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã, thị trấn hàng tháng. Thực hiện kiểm tra theo chuyên đề hoặc kiểm tra lồng ghép đảm bảo tỷ lệ theo kế hoạch đề ra, tham gia chứng kiến các phiên giao dịch và giao ban với NHCSXH đầy đủ theo quy định. Tham gia bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên mở các lớp nghề, lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cho hội viên nông dân, các thành viên vay vốn để ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.