Nghĩa tình hai bên biên giới

Thứ sáu - 07/07/2023 22:52 1.544 0
Nằm ở “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới”, Bình Phước có đường biên cương hơn 258km giáp 3 tỉnh Kratie, Mondulkiri và Tabong Khmum (Vương quốc Campuchia) nên người dân hai bên biên giới thường qua lại, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống để có một vùng biên giới đang đổi thay từng ngày. Đặc biệt, Bình Phước và các tỉnh bạn đã cùng nhau tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia.
Picture1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Lễ Kỷ niệm 45 năm con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot
 
Sống chan hoà với bà con Campuchia

Huyện Lộc Ninh có 116.744 nhân khẩu, trong đó hơn 20% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu người S’tiêng và Khmer với đường biên giới dài 110km, tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Bà con hai bên biên giới có quan hệ họ hàng, thân tộc lâu đời, thường qua lại thăm hỏi lẫn nhau bằng đường mòn, lối mở. Hiện tuyến Quốc lộ 13 thảm nhựa láng bóng, phẳng phiu chạy dài đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thông qua nước bạn cũng giúp cho giao thương qua lại của người dân hai bên biên giới thuận tiện.

Được sự giới thiệu của các anh đồn biên phòng Lộc Thiện, chúng tôi vào thăm ấp Vườn Bưởi (xã Lộc Thiện) có hơn 30 hộ dân, chủ yếu là đồng bào DTTS người Stiêng, Khmer. Ngày trước, cuộc sống bà con nghèo đói, nhờ ăn “lộc rừng” thay cơm, giờ nhiều hộ gia đình khấm khá hơn nhờ trồng điều, cao su, hồ tiêu. Đường vào ấp được bê tông hoá, trồng thêm nhiều loại cây trái rợp bóng mát, bên trong những ngôi nhà cấp 4 có nhiều vật dụng đắt tiền.

Thấy chúng tôi cầm theo máy hình, ông Điểu Ngon (55 tuổi) liền nói: “Không được chụp đâu, nếu không có người của xã, người của đồn biên phòng đi cùng là thì tôi thu máy đó”, mới biết tinh thần cảnh giác của bà con rất cao. Khi được anh bộ đội biên phòng giải thích, ông Điểu Ngon mới đồng ý chia sẻ: “Trước đây mình khổ lắm, phải trồng lúa và bắt heo rừng làm thịt để ăn. Hiện mình biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở mang diện tích trồng điều, cao su lên gần 10ha. Nông sản làm ra bán cho người dân trong vùng vừa bán cho bà con bên Campuchia, cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm”.

Già làng Điểu Nắng (89 tuổi, ấp Vườn Bưởi) ở đây trước ngày giải phóng 1975, cũng là nhân chứng sống cho những thăng trầm trên dải đất biên cương nên người dân trong vùng gọi ấp Vườn Bưởi là sóc ông Nắng. Vị già làng nhớ về những ngày tháng “đói cơm lạt muối: “Ngày xưa khổ, đói ăn, thiếu mặc. Già ở gần đơn vị bộ đội, được bộ đội cho gạo ăn, cho thuốc men mỗi khi ốm đau và cùng bộ đội giữ phum, sóc. Xưa không có đường bê tông, điện, giờ đủ cả, thấy con cháu làm ăn được, già cũng mừng. Già thường dặn tụi nó sống chan hoà với bà con bên Campuchia”. Gia đình già Điểu Nắng có quan hệ là ruột thịt, thân tộc với 4 gia đình bên Campuchia, mỗi lần lễ, tết thường mua mì tôm, gạo làm quà sang thăm bà con bên biên giới Campuchia. Người thân có anh Điểu Riên, Điểu Buồn, Điểu Trinh…sống ở huyện Mô Mốt (tỉnh Tbong Khmum, Vương quốc Campuchia) buôn bán đọt mây, trồng điều, cao su có thu nhập ổn định, thường qua thăm gia đình già Điểu Nắng, trao đổi công việc mua bán nông sản, nhân tiện thăm khám bệnh, mua thuốc men phòng những khi “trái gió trở trời”.

Không chỉ cuộc sống của anh Điểu Ngon, già làng Điểu Nắng, Điểu Riên, Điểu Buồn, Điểu Trinh mà còn cuộc sống của hàng ngàn hộ đồng bào DTTS hai bên biên giới đã đổi thay rất nhiều, không còn cảnh ăn bữa nay lo bữa mai. Họ yên tâm bám bản, bám làng, hỗ trợ sản xuất, mua bán qua lại cùng nhau xây dựng vùng biên cương ổn định, ngày càng tươi đẹp.

Kết nghĩa cụm dân cư vùng biên

Ông Điểu Bóp (55 tuổi, ấp Vườn Bưởi) cho biết, trước đây chưa có lối mở nên ông thường sang thăm 2 người con ở Thủ đô Phnômpênh (Vương quốc Campuchia) bằng đường mòn biên giới. Mỗi lần sang thăm, ông thấy vui vì các con đã lập gia đình, có thu nhập ổn định từ nương rẫy, mua được đất làm nhà kiên cố và có điều kiện đi tham quan, vãn chùa bên xứ chùa tháp. Ông cũng mừng vì nhiều ấp dân cư biên giới của tỉnh Bình Phước kết nghĩa với các phum của Vương quốc Campuchia.
Trò chuyện với Trung tá Trịnh Văn Vũ, Chính trị viên đồn biên phòng Lộc Thiện được biết, năm 2014, lối mở Tuần Lung - Lộc Tấn hình thành và đến năm 2018, đồn biên phòng Lộc Thiện tham mưu UBND xã Lộc Thiện cho ấp Vườn Bưởi kết nghĩa với phum Cooc Tho Mo (xã Tuần Lung, huyện Mô Mốt, tỉnh Tbong Khmum). Chính quyền hai địa phương cũng thường phối hợp tuyên truyền về phân giới cắm mốc, các văn bản pháp luật, hiệp định, nghị định chung giữa hai nước Việt Nam- Campuchia.Hôm sơ kết 5 năm kết nghĩa giữa 2 ấp, phum cách đây không lâu, ông Văn Von, Trưởng phum Cooc Thomo chia sẻ, vào các dịp lễ Đôn Ta, Ok Om Bok, Tết Chool Chanam Thamây, bộ đội biên phòng thường sang tặng quà, giao lưu văn nghệ - thể thao và giúp bà con trong phum qua khám chữa bệnh, thăm hỏi người thân nên tình nghĩa của người dân khu vực biên giới ngày thêm bền chặt.

Tỉnh Bình Phước và 2 tỉnh giáp biên của Vương quốc Campuchia là Kratie và Mondulkiri cũng ký kết biên bản ghi nhớ kết nghĩa cụm dân cư biên giới là cụm dân cư ấp 8b (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh) kết nghĩa với Phum Ta Peng Sre (xã Pi Tha Nu, huyện Snuol, tỉnh Karatie), cụm dân cư ấp Thạnh Tây (xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) với Phum Miên Chay (xã Sole Cha, huyện Sanal, tỉnh Karatie) và cụm dân cư ấp Bù Tam (xã Hưng Phước huyện Bù Đốp) với Phum Ô Am (xã Srây KhTum, huyện Keosima, tỉnh Mondulkiri). Việc kết nghĩa cụm dân cư nhằm vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyềnthống giữa hai nước để người dân hai bên biên giới chung tay bảo vệ cột mốc biên giới, hỗ trợ nhau làm ăn để cuộc sống của bà con khu vực biên giới ngày càng khởi sắc.
Cán bộ Đồn biên phòng Lộc Thiện thăm hỏi gia đình già làng Điểu Nắng ở ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, Bình Phước
 
 Ngăn chặn các thế lực thù địch

Trong chuyến công tác đến Bình Phước vào tháng 11- 2022, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam Men Sam An đã thăm quan Cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ Tướng Campuchia Hun Sen (huyện Lộc Ninh), gặp gỡ Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khi đó, dự hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình Ươm mầm hữu nghị giai đoạn 2012-2022 trong tổ chức chương trình gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam- Campuchia lần thứ V diễn ra tại khu vực biên giới tỉnh Bình Phước.

Phó Thủ tướng Men Sam An không khỏi xúc động khi tỉnh Bình Phước đầu tư hơn 298,5 tỷ đồng làm các công trình ghi dấu ấn hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cách đây 45 năm, là di tích điểm cất giấu vũ khí, điểm gặp dân quân và nhân dân Việt Nam, điểm làm việc xã đội Lộc Tấn nay là nhà văn hóa xã Lộc Thạnh (huyện Lộc Ninh). Phó Thủ tướng Men Sam An cho hay, quan hệ ngoại giao Việt Nam- Campuchia với bề dày 55 năm đang phát triển vượt bậc nên hai bên cần tích cực hơn trong thực hiện Biên bản ghi nhớ giai đoạn 2022-2027, các tỉnh biên giới duy trì tình hữu nghị giữa hai dân tộc, ngăn chặn các thế lực thù địch tuyên truyền kích động hòng phá vỡ tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Phó Thủ tướng Men Sam An cảm ơn Hội hữu nghị Việt Nam- Campuchia ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Campuchia thông qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo và hỗ trợ học sinh Campuchia đang học tập tại Việt Nam.
 

Tác giả: Ngọc Huấn, Phú Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập179
  • Hôm nay35,311
  • Tổng lượt truy cập15,329,440
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây