Ngày 27/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1943/UBND-KT tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tổ chức tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa phương đang có dịch bệnh phát sinh. Tiếp tục phối hợp Sở Nội vụ, UBND cấp huyện khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030”; kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Các địa phương, đơn vị cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật
(hình minh họa)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND cấp huyện tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, hướng dẫn rà soát, thống kê đàn vật nuôi. Xây dựng dự toán kinh phí mua vắc xin, vật tư tiêm phòng bệnh lở mồm long móng (đợt 2 năm 2022) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định và triển khai tổ chức tiêm phòng ngay khi có vắc xin. Phối hợp UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan tổ chức giám sát, đánh giá sau tiêm phòng đối với một số bệnh như: Cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng; giám sát lưu hành các loại mầm bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi, dại...) để có cơ sở cảnh báo, khuyến cáo sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh theo đúng quy định. Tăng cường hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào trên địa bàn tỉnh qua các chốt. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép. Tiếp tục tổng hợp, báo cáo tình hình dịch bệnh ở động vật trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến VAHIS./.
Tác giả: HN
Ý kiến bạn đọc