Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW tại huyện Bù Đăng (ảnh BPO)
Với quyết tâm phục vụ cao nhất cho tiền tuyến, Tỉnh ủy vừa lãnh đạo phong trào địa phương vừa tập trung lãnh đạo quân - dân đảm bảo hậu cần cho chiến dịch. Để giúp bộ đội có thêm lương thực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc đã tích cực đóng góp sức người, sức của về lương thực, thực phẩm. Chỉ trong thời gian ngắn, đồng bào các dân tộc huy động sức người, sức của, thu mua, đóng góp hàng trăm tấn gạo phục vụ Chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long. Phong trào giã gạo tiếp tế cho bộ đội được phát động trong các vùng căn cứ, ấp, sóc… Già trẻ, gái trai ngày đêm tích cực, hăng say giã gạo nuôi quân phục vụ Chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long. Càng cảm phục hơn khi chúng ta biết rằng, trong những tháng ngày gian lao này, người dân Bom Bo không hề giữ lại hạt gạo cho riêng mình, họ chỉ ăn củ mì, củ nần, củ chụp, lá bép... để có lương thực phục vụ bộ đội, chiến dịch. Chính những hình ảnh đồng bào dân tộc S’tiêng ngày đêm giã gạo, với tiếng chày khuya bên ánh lửa lồ ô bập bùng những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước; sự sáng tạo, tình cảm của đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với Đảng, với cách mạng, khí thế hừng hực cách mạng của đồng bào sóc Bom Bo đã trở thành nguồn cảm hứng cho cố nhạc sĩ Xuân Hồng trong thời gian tham gia chiến dịch sáng tác bài hát “Tiếng chày trên sóc bom Bo” nổi tiếng, đi vào lịch sử dân tộc.
Từ cảm nhận bài hát nghĩ về văn học, nghệ thuật Bình Phước
Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Phước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Các ngành chức năng đã phát huy vai trò, trách nhiệm tham mưu cấp ủy, chính quyền trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã phát động, tham gia nhiều cuộc thi, sáng tác với các chủ đề như “Đại thắng mùa xuân 1975”, “Quê hương con người Bình Phước”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Biển đảo quê hương”, “viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng)… Thông qua các cuộc thi, hội thi đã có nhiều tác phẩm tiêu biểu được đánh giá cao. Cuộc thi sáng tác thơ, tranh nghệ thuật, tranh cổ động tuyên truyền, tân nhạc, ảnh nghệ thuật với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chú trọng triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”... Phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh; tổ chức xét tặng Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ I, giai đoạn 2016-2020.
Tiết mục biểu diễn tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW tại huyện Bù Đăng (ảnh BPO)
Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc thiểu số, tỉnh rất chú trọng chỉ đạo giữ gìn văn hóa cồng chiêng, các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển hội viên được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, chính quyền địa phương quan tâm. Hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện nghiêm túc. Công tác xây dựng và sử dụng các thiết chế văn hóa khá đồng bộ. Các hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân với việc xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật. Qua đó góp phần phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Thị Lanh trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích nổi bật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (ảnh BPO)
Bù Đăng là điểm sáng của tỉnh về lĩnh vực văn học nghệ thuật, là địa phương duy nhất trong tỉnh đã thành lập được Hội Văn học nghệ thuật cấp huyện với 90 hội viên, chiếm 1/3 số hội viên của tỉnh, hoạt động đi vào nền nếp, hiệu quả. Bù Đăng được Tỉnh ủy chọn là điểm nhấn phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh. Do đó phải quảng bá, lan tỏa hình ảnh, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để nâng tầm giá trị lịch sử, văn hóa di tích sóc Bom Bo, cồng chiêng, đàn đá, trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng…
Trải qua rất nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, song âm hưởng hào hùng của núi rừng Bom Bo, của “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vẫn còn in đậm trong tâm trí của đồng bào, trở thành niềm tự hào, sức sống mãnh liệt của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước. Đồng bào Bom Bo vẫn kiên trung, son sắt, chung thủy một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ. Bom Bo đang từng ngày chuyển mình, phát triển. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đang tập trung xây dựng Bom Bo thành một điểm nhấn về du lịch văn hóa, lịch sử, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Một góc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (ảnh BPO)
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật của tỉnh nói riêng còn những hạn chế. Đó là chưa định hình rõ tiềm năng cụ thể trong lĩnh vực văn hóa để có chiến lược truyền thông bài bản, lâu dài. Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, Bình Phước vẫn là “vùng trũng” trong khu vực, chưa xuất hiện hiện tượng văn học tạo dấu ấn mạnh mẽ, việc thụ hưởng giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân cũng chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng của phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm thỏa đáng cho lĩnh vực văn học nghệ thuật. 10/11 huyện, thị xã, thành phố chưa thành lập được hội văn học nghệ thuật. Số lượng hội viên Hội Văn học nghệ thuật ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Việc khai thác, quảng bá, lan tỏa các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, hình ảnh tỉnh Bình Phước qua các tác phẩm văn học còn khiêm tốn…
Từ thực trạng nêu trên, để văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước đạt kết quả cao, khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, đơn vị, địa phương cần thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới; tuyên truyền kết quả Hội nghị Văn hóa toàn quốc và bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị cho đội ngũ văn nghệ sĩ.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội. Quảng bá, lan tỏa hình ảnh giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Tập trung đầu tư, xã hội hóa nguồn lực xây dựng, tôn tạo Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng trở thành điểm nhấn, nét riêng, nguồn cảm hứng sáng tác của đội ngũ văn, nghệ sĩ.
Các cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo việc đưa nhiệm vụ phát triển văn học nghệ thuật vào chương trình, kế hoạch hành động, chỉ tiêu nghị quyết của địa phương, đơn vị mình.
Tổ chức các hoạt động khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ bám sát mảng đề tài về vùng đất, con người Bình Phước, khai thác các thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gương người tốt việc tốt, điển hình tiêu biểu về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật. Tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tăng cường chỉ đạo định hướng sáng tác trên nền tảng mỹ học Mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phản bác, phê phán những sáng tác lệch lạc, cản trở sự phát triển của văn học nghệ thuật chân chính; định kỳ tổ chức gặp gỡ, trao đổi với lực lượng văn nghệ sĩ; tạo điều kiện thuận lợi phát triển phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng ở địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sáng tác, biểu diễn, thông tin, bình luận của đội ngũ văn nghệ sĩ trên các trang mạng xã hội để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các biểu hiện lệch lạc.
Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ một cách toàn diện cả về chất lượng và số lượng; hướng dẫn, khuyến khích, vận động quần chúng tham gia sáng tác, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật truyền thống ở địa phương. Nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tiếp tục vận động thành lập hội văn học nghệ thuật ở địa phương khi đủ điều kiện.
Vai trò là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ luôn được coi trọng và trong giai đoạn hiện nay, vai trò này càng cấp bách trước mắt có giá trị chiến lược lâu dài. Do đó, cần có cơ chế, chính sách để phát triển hội viên tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, tạo nhiều sân chơi để khơi dậy tính tích cực, sáng tạo, nguồn cảm ứng của đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng, mang hồn cốt riêng của Bình Phước. Khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia sáng tác vì nghệ thuật, đam mê, vì quê hương đất nước, sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc và vì sứ mệnh bảo vệ trên lĩnh vực văn hóa, dân tộc, mà trước hết chuẩn bị tốt các nội dung để trao đổi, thảo luận tìm ra các giải pháp, hiến kế cho tỉnh góp phần đưa văn học nghệ thuật Bình Phước lên một tầm cao mới tại hội nghị văn hóa của tỉnh.