Việc nghiên cứu biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng của Quân và dân tỉnh Bình Phước trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ hết sức cần thiết, để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ, tri ân sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, tự hào về truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh và để hệ thống, đánh giá, khái quát lại lịch sử hình thành, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn phục vụ giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Toàn cảnh hội thảo đề tài lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh
Hàng năm Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều xác định công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, tổng kết chiến tranh là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Để các công trình lịch sử, tổng kết chiến tranh phát huy tác dụng giáo dục các tầng lớp nhân dân và cán bộ chiến sĩ trong tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 tiến hành biên soạn một số công trình có giá trị khoa học, thực tiễn cao phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập như: Lịch sử Công tác Đảng, Công tác chính trị trong lực lượng vũ trang tỉnh, giai đoạn 1945-2005; Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Bình Phước giai đoạn 1945-2010; Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Bình Phước 1945-2010 và lịch sử Trung đoàn 736 tỉnh Bình Phước, đồng thời chỉ đạo Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố tiến hành nghiên cứu, biên soạn lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay đã có 11/11 huyện, thị xã, thành phố tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân giai đoạn 1945-2015. Nhìn chung, các công trình lịch sử được biên soạn, xuất bản đảm bảo tính đảng, tính khoa học, nội dung đảm bảo tính thống nhất, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử lực lượng vũ trang Bình Phước. Nhiều công trình chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm của ngành, do vậy góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự trong sự nghiệp đổi mới.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử trong lực lượng vũ trang tỉnh được triển khai thực hiện và đạt chất lượng khá tốt, là nguồn tư liệu quan trọng góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động như tọa đàm, hội thi tìm hiểu pháp luật gắn với tìm hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử Quân đội, lịch sử địa phương nhân các ngày lễ, kỷ niệm trong năm, giúp cán bộ chiến sĩ, các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức, lòng tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và truyền thống hào hùng của địa phương và từng đơn vị.
Nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử lực lượng vũ trang đã triển khai, quán triệt, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử lực lượng vũ trang thẩm định bản thảo các công trình trước khi xuất bản, phát hành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử lực lượng vũ trang cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời cung cấp tài liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của ngành cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.
Trong những năm qua công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Quân sự, tổng kết chiến tranh của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo hướng dẫn về nghiệp vụ các ngành chức năng; nhận thức sâu sắc về mục đích, yêu cầu, vị trí, ý nghĩa của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử và tổng kết chiến tranh.