Từ khi thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, nhận thức của các cấp, các ngành về công tác đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn huyện Đồng Phú được nâng lên và đạt được những kết quả tích cực.
Ngay sau khi Chỉ thị ban hành, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ; nâng cao năng lực và trình độ nhận biết, tẩy chay sản phẩm văn hóa độc hại với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp từng đối tượng. Công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện thông qua hội nghị, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, hội thi, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện và cơ sở, tuyên truyền trực quan... Kết quả từ năm 2010 đến nay, các cơ quan tuyên truyền của huyện đã treo 9.430m băng rôn, 7.000m2 pa-nô, 1.956 giờ tuyên truyền bằng xe lưu động, 261 chương trình văn nghệ, 112 buổi chiếu phim lưu động… với nội dung tuyên truyền về thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tuyên truyền đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên internet, phòng chống các sản phẩm văn hóa độc hại...
Học sinh Đồng Phú tham gia Ngày hội đọc sách, tuyên truyền pháp luật
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” đã đi vào chiều sâu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân; nâng cao ý thức tự quản, tự giác trong phát huy các giá trị văn hóa.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát được đẩy mạnh, từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp, tiến hành 50 đợt thanh tra, kiểm tra, tịch thu 5.000 đĩa không tem nhãn. Lực lượng Công an huyện, xã đã phối hợp với các đội liên ngành thanh tra, kiểm tra hành chính hàng trăm đợt. Qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lưu hành, phát tán những ấn phẩm văn hóa độc hại. Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với cơ sở kinh doanh internet, dịch vụ photocopy, karaoke, cửa hàng bán sách, phát hành xuất bản phẩm... Từ đó, góp phần giữ gìn trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, tạo môi trường văn hóa ngày càng phong phú, lành mạnh.
Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tạo môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh trong nhân dân được huyện quan tâm. Đến nay, Đồng Phú có sân vận động và khán đài; nhà thi đấu đa năng với diện tích 600m2, sức chứa 700 chỗ ngồi; Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện được phê duyệt đầu tư với tổng kinh phí 25 tỷ đồng, quy mô 1 trệt, 2 lầu, sức chứa 592 chỗ ngồi; có 11/11 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã, thị trấn; 100% ấp, khu phố có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng.
Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện có 98% hộ đạt “Gia đình văn hóa”; 73/73 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, Số hộ và khu dân cư đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. 100% ấp, khu phố xây dựng hương ước, quy ước khu dân cư được UBND huyện phê duyệt. Nhờ làm tốt tuyên truyền, phổ biến nên trong thời gian qua hương ước, quy ước đều được nhân dân đồng tình thực hiện; việc giữ gìn, phát huy thuần phong, mỹ tục, xây dựng nếp sống văn hóa được thực hiện tốt. Đây là nền tảng chống lại sự xâm nhập của văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.