VQG Bù Gia Mập (Bình Phước) sắp thành “Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Thứ năm - 23/11/2023 22:52 1.311 0
Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mậphiện đã được công nhận là khu du lịch sinh thái quốc gia, đạt tiêu chí đề cử di sản thiên nhiên cấp quốc gia và khu Vườn di sản ASEAN (AHP). Hiện tỉnh Bình Phước và Ủy ban nhà nước đang khảo sát lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Vườn là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” tỉnh Bình Phước với vùng lõi là toàn bộ VQG hiện hữu, vùng đệm bao gồm huyện Bù Đốp, Lộc Ninh và 1 phần huyện Tuy Đức của Đắk Nông.
Tuyệt tác thiên nhiên ban tặng
 
Sinh cảnh nửa rừng lá thấp ở VQG Bù Gia Mập
 
Một ngày đầu đông trong tiết trời se lạnh, chúng tôi đến VQG Bù Gia Mập để khám phá, chiêm ngưỡng “tuyệt tác thiên nhiên ban tặng” còn lại của tỉnh Bình Phước. Chúng tôi được anh Đinh Duy Thắng, cán bộ Phòng Kỹ thuật của Vườn dẫn đường. Sau khi nghe chúng tôi nói mục đích chuyến đi, anh Thắng tư vấn: “Trước mắt mình đi theo 2 tuyến đường chính của Vườn, đó là đường Quốc lộ 14C xuyên rừng và đường tuần tra nội bộ chạy dọc sông Đắk Huýt, trên đường đi có rất nhiều cảnh đẹp, cây, suối, thác. Cả 2 tuyến đường này hình vòng cung và điểm giao nhau là ranh giới giữa Bình Phước, Đắk Nông và nước bạn Campuchia. Tụi em ví gọi vui nơi đây là “ngã 3 biên giới”. Ngay khi thống nhất lộ trình, chúng tôi lên 2 chiếc xe gắn máy cà tàng thẳng tiến vào rừng.
 
Du khách tham quan, khám phá VQG Bù Gia Mập
 
VQG Bù Gia Mập nằm ở điểm cuối dãy Trường Sơn Nam, trên địa phận hành chính huyện Bù Gia Mập, đây là cánh rừng nguyên sinh liền khoảnh lớn nhất của tỉnh Bình Phước với diện tích gần26.000ha, độ che phủ trên 90%, phần lớn là rừng tự nhiên với hai kiểu rừng chính: rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới và rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới. Hai kiểu rừng này tạo nên tính đa dạng của các loài thực vật, từ đó tạo sinh cảnh thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển.
 
Du khách tham quan, khám phá VQG Bù Gia Mập
 
Mặc dù địa giới liền kề Đắk Nông, 1 tỉnh Tây Nguyên, nhưng VQG Bù Gia Mập không thuộc Tây Nguyên. “Địa giới VQG Bù Gia Mập nếu thuộc khu vực Tây Nguyên có vẻ hợp lý hơn nhỉ?”, tôi thắc mắc. Anh Thắng nói: “Đúng là nó “liền thổ” với Đắk Nông, nhưng không thuộc dãy Trường Sơn, đỉnh núi cao nhất nằm sát Đắk Nông chỉ 738m so với mực nước biển. Tức không thuộc địa hình Tây Nguyên là độ cao từ 1.000m trở lên. Nếu anh để ý sẽ thấy sự khác biệt rất rõ ràng về thời tiết, khí hậu. Sự khác nhau về thổ nhưỡng, thời tiết cũng tạo ra một khu rừng có hệ sinh thái mang những đặc trưng riêng của khu vực Đông Nam bộ, đặc tính sinh học khác hẳn với rừng khu vực Tây Nguyên”.
 
Sau cỡ 10 phút di chuyển bằng xe gắn máy từ trụ sở Vườn, chúng tôi bắt đầu tiến vào rừng trên tuyến Quốc lộ 14C. Ngay đầu đường chuẩn bị vào rừng, có một chốt kiểm lâm với barie, khách đi vào con đường này phải dừng xe trình báo mục đích về chuyến đi. Do được cán bộ Vườn dẫn đường nên vừa nhìn thấy chúng tôi, chiếc barie đã được nâng lên. Khi xe vừa qua chốt gác tiến vào con đường 2 bên là những vạt lồ ô che gần kín ánh nắng mặt trời, chúng tôi chợt cảm thấy dễ chịu bởi làn không khí se lạnh bởi tán cây rừng tỏa ra.
Du khách tham quan, khám phá VQG Bù Gia Mập
 
Sau khoảng 2 giờ vừa rong ruổi bằng xe máy, vừa đi bộ, chúng tôi ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra một khung cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn. Đó là một thác nước, có chiều rộng ước chừng 20m, cao cỡ 15m. Do phần bờ đá tầng suối trên khá bằng nên làn nước đổ xuống hồ phía dưới cũng đều, nhìn như dải lụa trắng tinh khôi, hoặc cũng có thể giống đám mây trắng trên trời. Nước đổ xuống dưới, tạo ra một làn hơi nước bốc lên, rồi lan toả vào không trung, khiến vạt rừng nguyên sinh quanh thác cũng chìm trong làn khói sương mờ ảo. “Đây là Thác Đắk Bô. Thác có 3 tầng, mỗi tầng có 1 bãi tắm rộng, đủ cho cả trăm người tắm. Do chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng nên địa hình của VQG Bù Gia Mập bị chia cắt mạnh, tạo ra những đồi núi, thung lũng, đan xen với khoảng 20 con suối lớn nhỏ và những thác nước rất đẹp như: Đắk Mai, Đắk Bô, Đắk Ca, Đắk Rốt, Lưu Ly, Đắk Sam... Cảnh quan của Vườn rất đa dạng và hấp dẫn, ai mà đã đạp chân một lần thì rất khó quên”, Thắng giải thích.
 
Đề nghị UNESCO công nhận “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”
 
Gia đình voọc ngũ sắc ở VQG Bù Gia Mập
 
Kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học gần nhất tại VQG Bù Gia Mập cho thấy, đây là nơi có hệ sinh thái đặc hữu với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Về hệ thực vật, VQG có 1.114 loài thuộc 480 chi và 126 họ, với nhiều cây thuộc họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao. Trong đó có 88 loài nguy cấp quý hiếm, 11 loài nằm trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 14 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007), 76 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, có 5 loài được ghi trong Công ước Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES)… cùng với 278 giống cây dùng làm thuốc. Về hệ động vật, có 835 loài, gồm 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng và 49 loài cá. Có 106 loài nguy cấp quý hiếm, 9 loài trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 15 loài trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, 84 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và 40 loài được ghi trong danh lục của CITES năm 2019.
 
Gia đình chà vá chân đen đi kiếm ăn trong VQG Bù Gia Mập
 
Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng, VQG Bù Gia Mập còn là nơi bảo tồn chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật đặc hữu phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái, không chỉ trong nước mà mang tầm quốc tế. Đề cập đến việc VQG Bù Gia Mập có “đẹp hơn” những khu rừng “hàng xóm” như Đồng Nai hay Đắk Nông không?, ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý VQG Bù Gia Mập tươi cười rồi nói: “Không nên so sánh thế. Giờ tôi bảo rừng ở đây đẹp nhất, mấy ông chủ rừng khác cũng bảo rừng chỗ họ đẹp hơn thì sao. Tôi nghĩ, tất cả những khu rừng nguyên sinh đều đẹp, mỗi nơi có cái nét đẹp riêng của nó”.
 
Tại VQG Bù Gia Mập, có 2 cộng đồng dân cư bản địa sống lâu đời và đóng góp cho Vườn một nét văn hoá bản địa đặc trưng, đó là cộng đồng người S’tiêng và M’Nông. “Hiện loại hình du lịch sinh thái đang dần khởi sắc, ngoài việc có hệ sinh thái đặc trưng với cảnh quan đẹp, di tích lịch sử, thì cộng đồng cư dân bản địa góp 1 phần không nhỏ. Họ có những “đặc sản” ẩm thực truyền thống như rượu cần, canh thụt, canh bồi, cơm lam. Bên cạnh đó là nét văn hóa bản địa đặc trưng như lễ hội cồng chiêng, các lễ cúng như cúng thần rừng, cơm mới… Nếu có sự đầu tư bài bản, thì tôi nghĩ đông đảo khách du lịch khắp nơi sẽ tìm đến Vườn. Ngoài giúp Vườn tăng thu nhập, còn có tính tuyên truyền, giáo dục cao”, ông Hoà cho biết.
 
Chim Hồng Hoàng ở VQG Bù Gia Mập
 
“Với những gì đang có và được bảo vệ nghiêm ngặt, VQG Bù Gia Mập hiện đã được công nhận là Khu du lịch sinh thái Quốc gia, đạt tiêu chí đề cử di sản thiên nhiên cấp quốc gia và khu Vườn di sản ASEAN (AHP). Đặc biệt, hiện tỉnh Bình Phước và Ủy ban nhà nước đang khảo sát lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận VQG Bù Gia Mập là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” tỉnh Bình Phước với vùng lõi là toàn bộ VQG hiện hữu, vùng đệm bao gồm huyện Bù Đốp, Lộc Ninh và 1 phần huyện Tuy Đức của Đắk Nông.
 
Kết quả khảo sát ban đầu rất khả thi, trong số 7 tiêu chí xét đề nghị, hầu hết đạt kết quả tốt như vấn đề đa dạng sinh học vùng lõi, văn hoá bản địa, diện tích, bộ máy vận hành… riêng tiêu chí về thổ nhưỡng, địa chất thì hiện đang được triển khai. Trong một tương lai không xa, VQG Bù Gia Mập sẽ là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 12 của Việt Nam và thứ 3 ở khu vực Đông Nam bộ”, ông Vương Đức Hoà cho biết.
 
Bảo vệ nghiêm ngặt “lá phổi xanh”
 
Đề cập đến công tác bảo vệ rừng ở VQG Bù Gia Mập, ông Vương Đức Hòa cho biết, VQG Bù Gia Mập được ví như “lá phổi xanh” của tỉnh Bình Phước nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung nên công tác quản lý, bảo vệ khu rừng được xem là tối quan trọng, được bảo vệ nghiêm ngặt. Toàn bộ các tuyến đường ra vào rừng, đã được “phong toả” nghiêm ngặt bởi các chốt, trạm bảo vệ của cộng đồng dân nhận khoán phối hợp với kiểm lâm Vườn.
Các lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng VQG Bù Gia Mập
 
“Lịch trực luôn 24/24, bất kể lúc nào, người “không phận sự” bén mảng vào rừng, sẽ bị phát hiện ngay và nếu sai sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Hòa nói và cho hay từ năm 2003 đến nay, Vườn đã thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng và các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn, các đồn biên phòng, diện tích năm sau tăng hơn năm trước. Nếu như năm 2003 diện tích giao khoán chỉ mới 2.600ha với 2 đơn vị tham gia, thì đến nay hơn 90% diện tích rừng đã được giao cho 15 đơn vịnhận khoán với hơn 500 hộ dân tham gia. Theo ông Hòa, mỗi hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng nhận được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể nhằm tăng thu nhập cho các hộ đồng bào tham gia nhận khoán, đồng thời giảm áp lực vào rừng, nâng cao ý thức của các cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
 
Anh Điểu Thiên, 37 tuổi, Tổ trưởng cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập cho biết, tổ của anh có 30 hộ, nhận khoán gần 1.800ha. Anh vào cộng đồng đã được 10 năm. Mỗi tháng anh làm từ 10-15 ngày, bình quân mỗi tháng được 3 triệu đồng. Theo anh Thiên nguồn thu nhập thêm được xem là rất quan trọng với gia đình anh và anh mong muốn sẽ tiếp tục được gắn bó lâu dài với công việc giữ rừng. “Vừa có tiền vừa được đi rừng thích lắm, chứ nếu không tham gia nhận khoán thì sao vào rừng được. Nhờ được giữ rừng mà kinh tế gia đình tôi nay ổn địnhrồi, không còn cực khổ như ngày xưa nữa. Đi giữ rừng anh em còn được hưởng “lộc rừng” như măng, nấm, trái cây, rau rừng, lá rừng, nhiều thứ ăn được lắm, tốt cho sức khỏe lắm, bữa ăn cũng được tốt hơn”, anh Điểu Thiên nói.

Tác giả: Thanh Trúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 153 | lượt tải:67

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 113 | lượt tải:45

118-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 528 | lượt tải:257
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay47,363
  • Tổng lượt truy cập13,161,944
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây