Bản lĩnh, tài trí của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số

Thứ bảy - 02/10/2021 22:20 1.164 0

Đêm 10-4-1962, thuyền Bạc Liêu nhổ neo rời bến Nhật Lệ (Quảng Bình) thẳng tiến vào Nam. Sau 8 ngày đêm vượt biển, thuyền cập bến Vàm Lũng, kết thúc chuyến trinh sát mở đường thành công tốt đẹp.

 

Làm việc với Khu ủy Khu 9 và khảo sát tình hình các bến bãi, ngày 26-7, thuyền Bạc Liêu quay đầu trở lại miền Bắc. Sau chuyến trinh sát thành công này, Quân ủy Trung ương đã thông qua Nghị quyết mở tuyến vận tải chiến lược trên biển-Đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ đây, những con tàu không số của Đoàn 759-Đoàn 125 bắt đầu nối tiếp nhau vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, mỗi con tàu, mỗi chuyến đi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, cả khi lập công cũng như khi bị tổn thất đều gắn với những ký ức không thể nào quên về bản lĩnh, tài trí và sự linh hoạt, quyết đoán của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số trước những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù.

Sau nửa năm kể từ chuyến trinh sát của thuyền Bạc Liêu, đêm 11-10-1962, thuyền gỗ mang tên Phương Đông 1, do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, chở 30 tấn vũ khí, rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) lên đường đi Cà Mau và đến ngày 19-10 đã cập bến Vàm Lũng an toàn. Đây là động lực hối thúc cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 chạy đua với thời gian trong huấn luyện chuyên môn, rèn luyện kỹ năng đi biển cũng như chuẩn bị tàu thuyền để tăng số chuyến hàng vào chiến trường. Kết quả, năm 1962 (chủ yếu là những tháng cuối năm), Đoàn 759 tiến hành 28 chuyến vận chuyển an toàn, chuyên chở 1.318 tấn vũ khí vào chiến trường Nam Bộ. Đây là một kỳ tích lịch sử, bởi đến lúc này, chưa từng có một khối lượng vũ khí lớn như vậy được đưa vào tận Nam Bộ trong một khoảng thời gian rất ngắn, trong điều kiện khó khăn, gian khổ của sóng gió, bão táp đại dương và sự rình rập, săn đuổi gắt gao của kẻ thù...
 

88888

Một dấu ấn sâu đậm được khắc ghi vào lịch sử truyền thống của Đoàn 759 là sự kiện thuyền gỗ mang số hiệu 41, chở 18 tấn vũ khí, xuất phát tại cảng Bính Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng) vào đêm 26-9-1963. Khi vào đến vùng biển phía nam vĩ tuyến 17, thuyền bị tàu địch truy đuổi gắt gao, rồi mắc cạn. Trước tình thế vô cùng nguy cấp nhưng cán bộ, thủy thủ đã bình tĩnh, linh hoạt xử lý các tình huống, từng bước đưa thuyền dần thoát khỏi vòng cương tỏa của địch, đưa hàng đến địa điểm tiếp nhận an toàn.

Đầu năm 1964, Đoàn 759 đổi thành Đoàn 125 và được tiếp nhận 5 tàu sắt, trọng tải 50 tấn đóng ở nước ngoài và tiếp tục đặt thêm 15 chiếc trọng tải 100 tấn. Đây là số phương tiện quan trọng để cán bộ, chiến sĩ đơn vị tìm tòi, sáng tạo ra những phương thức vận chuyển phù hợp, hiệu quả, như: Có những con tàu “đột xuất” chở khối lượng lớn hàng đi ra ngoài khơi xa, thậm chí đi ra hải phận quốc tế rồi ban đêm tìm cơ hội thuận lợi, bất ngờ đột nhập vào bến bãi đã hẹn trước để “đổ” hàng.

Lại có những thuyền được ngụy trang như thuyền đánh cá, thiết kế hai đáy để giấu vũ khí, sử dụng cho những tuyến ngắn, đi gấp trong đêm đưa hàng vào miền Trung, xuất phát từ những bến phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời (Quảng Bình). Có nhiều chuyến ban ngày trà trộn cùng thuyền đánh cá lênh đênh ngoài khơi xa, đêm đến vào đổ hàng tại những cơ sở đã được chuẩn bị trướcRồi những chuyến được thực hiện khi Tết đến xuân về, thậm chí được triển khai cả khi có dông bão bởi khi ấy tàu tuần tiễu và máy bay trinh sát của địch hạn chế hoạt động...

Những giải pháp trên đều nhằm mục đích tạo bất ngờ để vượt qua sự kiểm soát truy đuổi của địch. Nhưng để làm được điều đó đòi hỏi các chiến sĩ Đoàn tàu không số không chỉ có dũng cảm mà phải có đủ tài trí, sự linh hoạt, quyết đoán trong từng tình huống cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian giữa hai sự kiện: Thuyền Phương Đông 1 cập bến Vàm Lũng an toàn (19-10-1962) đến Tàu 143 vào bến Vũng Rô gặp nạn (15-2-1965), Đoàn 759-Đoàn 125 đã thực hiện 85/87 chuyến thành công. Với số vũ khí được chuyên chở vào những địa bàn hiểm yếu mà các phương tiện vận tải khác chưa hoặc ít vào được, Đoàn vận tải quân sự đã góp phần quan trọng để quân dân miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Sau sự kiện Vũng Rô, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định tạm ngừng vận chuyến vũ khí bằng đường biển vào chiến trường; đồng thời chỉ thị cho Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và Đảng ủy Đoàn 125 khẩn trương rút kinh nghiệm về “sự cố xương máu” này. Để khởi động lại hoạt động, Đoàn 125 đề xuất với trên và được chấp thuận hoán cải 4 tàu vận tải Quảng Châu thành tàu đánh cá (mang các số hiệu 42, 68, 69, 100), lắp thêm radar và thùng dầu phụ bảo đảm đi đường dài; đồng thời đặt thêm 12 tàu cao tốc có trọng tải 15-20 tấn, 5 tàu có trọng tải 50 tấn theo dạng tàu đánh cá và tàu buôn. Đặc biệt, thủy thủ các tàu khi thực hiện nhiệm vụ được mang mặc, sử dụng đồ dùng cá nhân như thủy thủ tàu nước ngoài.

Được Bộ Quốc phòng chấp thuận, đêm 15-10-1965, Tàu 42 chở 60 tấn vũ khí được lệnh xuất bến bằng hành trình xa bờ, hướng vào miền Nam. Tuy gặp tàu khu trục Mỹ khiêu khích, nhưng cán bộ, chiến sĩ Tàu 42 đã dự kiến tình huống và cách xử trí nên đã qua được mắt địch. Theo kế hoạch, đêm 20-10-1965, tàu vào cửa Bồ Đề (Cà Mau), nhưng biết có tàu địch neo đậu nên Tàu 42 chuyển hướng ra khơi, đến đêm 24 cập bến Rạch Kiến an toàn. Phát huy chiến công của Tàu 42, các Tàu 68, 69 được lệnh xuất bến. Tổng cộng năm 1965, cả 3 chuyến tàu đã vận chuyển được 187 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ (riêng Tàu 100 phải quay lại vì máy bay và tàu chiến địch theo bám).

Từ năm 1966, Mỹ ồ ạt đổ quân và cung cấp vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam đồng thời tăng cường phong tỏa vùng biển nên hoạt động vận chuyển của Đoàn 125 vô cùng khó khăn. Đã có nhiều chuyến tàu không đi được phải quay về. Những trận giao chiến ác liệt với địch đã xảy ra. Các tình huống tàu ta phải luồn lách, đánh trả quyết liệt với tàu địch rồi bị hỏng hóc phải nằm lại vĩnh viễn trong rừng đước, hoặc buộc phải phá hủy tàu đã xảy ra. Không chùn bước, năm 1967, Đoàn 125 tổ chức 5 tàu chở hàng vào Khu 5. Do địch chặn đánh ác liệt, 3 tàu phải quay về, chỉ có Tàu 43 và 198 vào được bến, nhưng bị tổn thất khá lớn. Để tạo ra bất ngờ, chỉ huy Đoàn 125 lệnh cho các Tàu 165, 235, 43, 56 xuất phát ở các bến khác nhau, hướng hành trình cũng như dự kiến vào các bến khác nhau, song cũng chỉ có Tàu 235 thành công bằng cách thả hàng xuống nước tại bến Ninh Phước.

Chủ động khắc phục khó khăn, cuối năm 1968, Đoàn 125 chuyển sang thực hiện Kế hoạch VT5-công khai vận chuyển hàng từ cảng Hải Phòng đưa vào cửa sông Gianh, lên bến Xuân Sơn giao cho Đoàn 559 chuyển theo đường bộ vào chiến trường. Từ tháng 3-1968 đến tháng 6-1969, Đoàn 125 đưa gần 33.000 tấn hàng vào miền Nam. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từ ngày 14 đến 29-4-1975, Đoàn 125 đã thần tốc đưa bộ đội Đặc công Quân khu 5 ra giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo khác thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là một hướng tiến công quan trọng mà Đoàn tàu không số đóng vai trò quyết định làm nên chiến thắng, góp phần xứng đáng vào Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tác giả: TB (TH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

112-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904-01/5/2024)

lượt xem: 81 | lượt tải:78

111-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

lượt xem: 287 | lượt tải:128

109-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975-23/3/2024)

lượt xem: 173 | lượt tải:103
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay23,001
  • Tổng lượt truy cập8,614,010
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây