Cách đây 92 năm, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập tại đồn điền cao su Phú Riềng (28/10/1929 - 28/10/2021).
Vào ngày 28/10/1929, tại khu rừng sau lưng Làng 3, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng được thành lập có 6 đảng viên, gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, Phan Thu Hồng, Tạ, Hòa và Doanh do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư Chi bộ - đây là Chi bộ đầu tiên của Ngành cao su Việt Nam và của tỉnh Bình Phước. Kể từ khi có Đảng lãnh đạo, các phong trào đấu tranh của công nhân cao su ngày càng phát triển mạnh mẽ, từ đấu tranh tự phát chuyển sang đấu tranh tự giác.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, các đảng viên trong Chi bộ Phú Riềng đỏ đã bước vào cuộc chiến đấu mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân, đối phó với những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù. Các đảng viên được học tập về chủ trương của Đảng, trong đó có các vấn đề: đem lại ruộng đất cho dân cày, công nhân phải tiến lên giành nhà máy, đồn điền và giải phóng dân tộc; được đọc báo “Thanh niên giải phóng” của Đông Dương Cộng sản Đảng, báo “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp.
Cuộc biểu tình ngồi của công nhân cao su đồn điền Phú Riềng (Ảnh tư liệu)
Chi bộ chủ trương tổ chức đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thực như tăng lương, cải thiện chỗ ăn ở, điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần, đấu tranh đòi không cúp phạt, đánh đập… Chi bộ xây dựng nghiệp đoàn công nhân bí mật và một đội thanh niên xích vệ rất mạnh, đặc biệt quan tâm phát triển đảng viên mới.
Tháng 11/1929, nghiệp đoàn công nhân dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đã tổ chức thành công cuộc đấu tranh đưa yêu sách cho bọn cai quản xưởng cơ khí đòi tăng lương, chống đánh đập, đòi trợ cấp cho phụ nữ hậu sản… Mọi chủ trương của Chi bộ thông qua nghiệp đoàn vận động đều được công nhân ủng hộ. Nghiệp đoàn biên soạn tờ “Giải thoát” (là tờ báo đầu tiên của công nhân ngành cao su), nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức cách mạng, hướng dẫn công nhân đấu tranh theo đường lối của Đảng, in bí mật phân phát cho công nhân truyền tay nhau xem. Dịp tết Nguyên Đán Canh Ngọ năm 1930, dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của đồng chí Trần Tử Bình - lúc này làm Bí thư Chi bộ Phú Riềng Đỏ đã lãnh đạo công nhân tổ chức cuộc đấu tranh lịch sử và giành thắng lợi to lớn.
Mở đầu là cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền Cao su Phú Riềng, diễn ra trong 8 ngày, từ ngày 30/01/1930 đến ngày 06/02/1930. Theo sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng và sự hướng dẫn của Nghiệp đoàn, cuộc đấu tranh đã được chuẩn bị chu đáo từ trước cả về vật chất lẫn tinh thần, như dự trữ lương thực đề phòng cuộc đấu tranh kéo dài, chuẩn bị vũ khí như búa, dao… để nếu cần thì đối phó với địch. Đây là cuộc bãi công lớn nhất trong số các cuộc đấu tranh của công nhân, làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao su Đông Dương, làm chấn động dư luận báo chí trong nước và quốc tế, với những tin bài bình luận sắc bén có lợi cho cách mạng của ta.
Bài học quý báu nhất của cuộc đấu tranh là nổ ra đúng lúc, giành thắng lợi và bảo toàn lực lượng cách mạng, làm thất bại mưu đồ thảm sát của bọn thực dân Pháp. Đây được xem là một bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của công nhân ngành cao su. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và dẫn dắt của tổ chức nghiệp đoàn cách mạng, phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc. Điều này cho thấy ánh sáng soi đường của Đảng đã lan tỏa đến tất cả các đồn điền cao su. Để từ đó giai cấp công nhân cao su một lòng theo Đảng, theo cách mạng.
Tác giả: M.An
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 57 | lượt tải:33Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 38 | lượt tải:27Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 391 | lượt tải:196