Thực hiện nhiệm vụ trên giao, đối với vùng tiếp giáp với địch các đội công tác, các đoàn cán bộ tiền phương được giao trọng trách ngày đêm bám địa bàn, đẩy mạnh hoạt động 3 mũi giáp công để kèm chân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại chỗ, tạo thế cho quần chúng trong vùng bị kềm sẵn sàng nổi dậy phá ấp chiến lược với tinh thần ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã. Đối với vùng căn cứ, Phước Long có nhiệm vụ vừa chuẩn bị lương thực, hậu cần tại chỗ, vừa chuẩn bị địa bàn đứng chân cho các đơn vị chủ lực lớn mở đợt tiến công tiêu diệt địch.
Truy kích địch trong thị xã Phước Long ngày 5-1-1975. Ảnh tư liệu
Thực hiện nhiệm vụ trên giao, quân và dân Phước Long khẩn trương nhanh chóng chuẩn bị kế hoạch tác chiến. Ở vùng yếu, các đội công tác và các đoàn cán bộ ngày đêm bám địa bàn, củng cố lực lượng, tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng, vận động đưa dân ra vùng giải phóng. Ở trong căn cứ, Tỉnh ủy chỉ đạo cho dân khẩn trương thu hoạch vụ mùa, xây dựng hầm chống bom pháo, xây dựng hệ thống làng xã chiến đấu chuẩn bị vùng an toàn ở hướng tây nam Phước Bình, hướng dọc sông Đồng Nai, phía Bù Đăng để đón dân vùng tạm chiếm bung ra; củng cố các đội du kích ở các xã, ấp, thôn, sóc, buôn, làng...Đặc biệt, Tỉnh ủy huy động hàng ngàn dân công kể cả voi để thồ tải lương thực, vũ khí đạn dược, thuốc men về dự trữ cất dấu phục vụ cho chiến dịch. Ngoài ra Đảng bộ còn lãnh đạo các địa phương phối hợp với hậu cần Miền chuẩn bị các trạm xá để cứu chữa thương binh và nhân dân bị thương, chuẩn bị các trại giam để giam giữ và phân loại tù binh, hàng binh.
Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho tỉnh tiến công diệt gọn chi khu quân sự “Bù Đốp lưu vong” để mở màn chiến dịch, sau đó phối hợp với quân chủ lực tiến công giải phóng Phước Long. Nhận nhiệm vụ trên giao, Tỉnh ủy gấp rút lập Ban chỉ huy tiền phương do đồng chí Đỗ Văn Nuống (Tư Nguyện) Bí thư tỉnh ủy làm Chính ủy, đồng chí Lê Hùng - Tỉnh đội trưởng làm chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo mũi tiến công này.
Nhận định tình hình cuộc chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, quân địch còn đông nhưng bị căng kéo, kìm giữ khắp nơi, cho phép ta có thể đẩy mạnh hơn nữa quy mô và cường độ tiến công địch. Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định sử dụng Quân đoàn 4 mở chiến dịch đường 14 - Phước Long, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng đầu cầu tuyến hành lang chiến lược, tạo điều kiện đưa lực lượng xuống vùng trung tuyến.
Đầu tháng 12/1974, sau hơn hai tháng chuẩn bị, Quân đoàn 4 lên đường đi chiến dịch. Các Trung đoàn 271, 165, 201 hành quân chiếm lĩnh trận địa trong lúc trời mưa to. Có đơn vị hành quân từ xa hơn 100 km phải cắt rừng đi đêm. Ngày 14/12/1974, bộ đội ta tiến công chi khu Quân sự Bù Đăng. Sau 5 ngày chiến đấu liên tục và ác liệt, ta diệt chi khu Bù Đăng, yếu khu Bù Na và hơn 60 đồn bốt địch, diệt và bắt 2.000 tên, thu 900 khẩu súng các loại, giải phóng một khu vực dài hơn 100 km dọc đường 14 với trên 14 ngàn dân. Phát huy thắng lợi, ngày 26/12/1974, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) tiêu diệt chi khu Bù Đốp và một số đồn bốt địch trên đường số 311. Trung đoàn 141 và Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) tiến công chi khu Đồng Xoài và bắt toàn bộ quân địch, trong đó có tên chi khu trưởng và tên tiểu đoàn trưởng bảo an.
Mất Đồng Xoài, thị xã Phước Long bị cô lập. Phát huy khí thế tiến công, ngày 31/12/1974, Quân đoàn 4 dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Hoàng Cầm - Tư lệnh Quân đoàn và Đại tá Bùi Cát Vũ - Phó tư lệnh cùng với lực lượng Bộ tư lệnh Miền tăng cường gồm Trung đoàn 16 bộ binh và 2 tiểu đoàn pháo cao xạ phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tiến đánh thị xã Phước Long. Trung đoàn 165 được tăng cường 4 xe tăng, Trung đoàn 141 và tiểu đoàn 70 đặc công hiệp đồng chặt chẽ, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, diệt chi khu Phước Bình, chiếm núi Bà Rá. Quân địch trong tiểu khu tập trung phần lớn lực lượng (2 tiểu đoàn) chặn con đường độc đạo giành cho phương tiện cơ giới vào thị xã. Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy huy động tới 80 lần chiếc máy bay hoạt động trong 1 ngày, ném bom các vị trí ngoại vi thị xã nhằm ngăn chặn sự tiến công của bộ đội ta. Trạm quan sát pháo binh của ta đặt trên đỉnh núi Bà Rá đã hiệu chỉnh cho pháo 130 bắn chính xác, kiềm chế pháo binh địch. Tám tiểu đoàn pháo cao xạ hoàn toàn khống chế bầu trời thị xã. Ngày 6/1/1975, bộ đội ta mở trận công kích cuối cùng. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” được chiến sỹ Nguyễn Văn Hoan (Trung đoàn 141) cùng đồng đội cắm trên nóc dinh tỉnh trưởng Phước Long lúc 10 giờ 30 phút. Hơn 2.000 tên địch trong thị xã bị tiêu diệt và bị bắt. Bộ đội ta thu hơn 1 vạn viên đạn pháo.
Trong chiến dịch đường 14 - Phước Long, quân và dân tỉnh Bình Phước vừa chuẩn bị chiến trường, vừa phối hợp với bộ đội chủ lực đánh dứt điểm những mục tiêu then chốt của chiến dịch. Các đơn vị bộ đội tập trung của tỉnh như Tiểu đoàn 168, 368, 568 phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công các mục tiêu chính. Bộ đội các huyện và du kích các xã đánh bọn bảo an, dân vệ ở các đồn bốt lẻ. Hàng ngàn dân công, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số được huy động đã dùng hàng chục con voi vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ chiến dịch. Hàng ngàn tấn súng đạn và gạo được chuyển về các kho hậu cần cất giấu trong rừng Phước Long để phục vụ chiến đấu.
Với chiến thắng Phước Long, lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở gần Sài Gòn. Chiến thắng Phước Long đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của lực lượng vũ trang cách mạng; chứng tỏ sự trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng cả về chính trị, tư tưởng, ý chí tiến công, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Qua diễn biến của chiến dịch đường 14 - Phước Long cho thấy lực lượng vũ trang cách mạng, bao gồm cả quân khu chủ lực và bộ đội địa phương đã thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các mục tiêu chiến lược gắn với nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật; giữa lực lượng, thế trận và thời cơ; giữa hiệp đồng binh chủng với phát huy lực lượng tại chỗ… tạo nên sức mạnh tổng hợp giành chiến thắng.
Quang cảnh hội thảo khoa học “Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 - Phước Long”
Nhằm chào mừng kỷ niệm “50 năm Ngày giải phóng Phước Long (06/01/1975 - 06/01/2025)”, ngày 5-1-2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước phối hợp với Thị ủy Phước Long tổ chức Hội thảo khoa học “Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 - Phước Long”.
Hội thảo với 33 tham luận của Trung ương ương, Quân khu, Quân đoàn 4, Cựu chiến binh, nhà khoa học; các sở, ngành, địa phương, nhân chứng lịch sử... đề cập đến nhiều chủ đề, nội dung, khía cạnh khác nhau. Trong đó, nhiều bài viết có hàm lượng thông tin, luận cứ khoa học được gửi đến hội thảo, cùng nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, của các tướng lĩnh, chỉ huy, các nhà khoa học… Đặc biệt, các tham luận, ý kiến các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Phước Long.
Chiến thắng của chiến dịch Đường 14 - Phước Long làm sáng tỏ giá trị lịch sử và hiện thực của đòn trinh sát chiến lược; góp phần cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn quan trọng nhằm khẳng định ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 - Phước Long; sự lãnh đạo tài tình của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 và Đảng bộ tỉnh Bình Phước; tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên cường, bất khuất của bộ đội chủ lực, quân và dân các dân tộc sẽ mãi là bản anh hùng ca bất diệt, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30-4-1975./.