Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Bù Đăng (14/12/1974 -14/12/2024)

Thứ hai - 14/10/2024 22:44 1.055 0
Ngày 14/12/1974, Bù Đăng được giải phóng. Đến ngày 08/01/1975, chính quyền cách mạng chính thức ra mắt Nhân dân, lấy tên là Uỷ ban Nhân dân cách mạng huyện Bù Đăng, gồm 8 xã: Đăng Trung, Đăng Nghĩa, Đăng Minh, Đăng Quang, Đăng Hòa, Đăng Hưng, Đăng Sơn, Đăng Thọ. Lúc này dân số Bù Đăng có 11.838 người (đồng bào dân tộc thiểu số 8.694 người).
Tháng 11 năm 1976 huyện Bù Đăng được sáp nhập vào huyện Phước Long, nhưng do địa bàn rộng, dân cư ngày càng đông, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nên ngày 04/7/1988 theo quyết định 112/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Bù Đăng thuộc tỉnh Sông Bé được tái lập gồm 7 đơn vị hành chính cấp xã: Thọ Sơn, Đoàn Kết, Minh Hưng, Nghĩa Trung, Đồng Nai, Thống Nhất và Đak Nhau với dân số toàn huyện 29.431 người.
Phần thứ nhất
BÙ ĐĂNG TRONG KHÁNG CHIẾN

CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC
 
  1. Bù Đăng trong kháng chiến cống thực dân Pháp
Nhằm thực hiện âm mưu đặt ách thống trị lâu dài lên vùng đất phía bắc tỉnh Biên Hoà (thuộc địa phận tỉnh Bình Phước ngày nay), những năm 30 của thế kỷ XX, Thực dân Pháp đã tiến hành mở đường 14 nối từ Đồng Xoài, Bù Đăng hướng lên Buôn Ma Thuộc. Chúng xây dựng bộ máy cai trị với chế độ phu phen, thuế má hà khắc, khiến đồng bào các dân tộc nơi đây khổ sở, cực nhọc để làm đường 14, đồng thời chúng lập ra các tổng núp dưới chiêu bài “đất Thượng của người Thượng” hòng chia rẽ Kinh – Thượng, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số làm tay sai cho chúng.
Với bản chất phóng khoáng, thích sống tự do, coi trọng chữ tín, căm ghét kẻ thù xâm phạm đến núi rừng thiêng liêng và cuộc sống của mình, nên ngỳ từ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị lên vùng đất này đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của tù trưởng, chủ sóc các dân tộc nơi đây. Sự áp bức, nô dịch nặng nề của chính quyền thực dân là nguyên nhân dẫn đến các phong trào khởi nghĩa võ trang của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên, đặc biệt là phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơn (1912-1935) đã gây tiếng vang từ nam Tây Nguyên đến Thủ Dầu Một, Biên Hoà. Đồng bào các dân tộc ở Bù Đăng đã đóng góp đáng kể sức người, sức của cho phong trào khởi nghĩa. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của hai ông: Điểu Mốt và Điểu Môn ở sóc Bù Tum (nay thuộc xã Minh Hưng).
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng lãnh đạo chủ trương mở rộng căn cứ, xây dựng phong trào kháng chiến, cuối năm 1947 Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Biên Hoà cử đội võ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau một năm xây dựng, phong trào cách mạng lan đến tổng Bù Na, Bù Đăng và một số tổng khác trong vùng. Từ năm 1949 đến 1953, khu 7 lập ra “Phòng quốc dân thiểu số”, để thực hiện chính sách dân tộc của Mặt trận Việt minhtháng 10 -1953 bộ đội chủ lực Miền Đông đánh bót Bù Na và phong toả đoàn xe vận chuyển tiếp viện quân trang quân dụng của quân đội Pháp trên đường 14, gây nhiều thiệt hại cho địch. Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử vào ngày 7-5-1954 đã kết thúc ách thống trị của thực dân Pháp trên cả nước, trong đó có Bù Đăng.   
  1. Bù Đăng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược
Hiệp định Giơ – ne – vơ ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ lật lọng nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, thực hiện âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương. Đầu năm 1958, thực hiện chính sách di dân để “khai phá miền sơn cước”, chính quyền Diệm đã đưa hàng ngàn cư dân ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Bù Đăng để thực hiện mưu đồ tách dân ra khỏi Đảng. Từ đó, các Dinh điền Vĩnh Thiện (Đoàn Kết), Bù Na (Nghĩa Trung), Đức Bổn (Đức Liễu), Vi Thiện (Thọ Sơn) ra đời nhằm phát hiện, bao vây và ngăn chặng sự xâm nhập của lực lượng cách mạng. Nhằm kìm kẹp, xiết chặt Nhân dân hơn nữa, chúng lập ra “Ngũ gia liên bảo”, củng cố một đại đội bảo an cơ động với đầy đủ vũ khí, mỗi xã có một trung đội dân vệ được trang bị súng trường, tiểu liên có đủ sức mạnh để đàn áp Nhân dân.
Về phía ta, sau hiệp định Giơ – ne – vơ, nhiệm vụ cấp bách lúc này là củng cố lực lượng, cử cán bộ móc nốilại các cơ sở cách mạng của ta trong kháng chiến chống Pháp và thành lập chi bộ Đảng. Được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thủ Biên, đoàn công tác gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Phú (Ba Phú), Lộc, Tuyên, Hải….(đồng chí Nguyễn Văn Phú chỉ huy) hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 xã: Bù Cháp, Bù Rưng, Lý Lịch. Từ đây, các cơ sở cách mạng ở Bu Tek, Bù Na và dọc sông Đồng Nai từng bước được củng cố. Đến năm 1959, trong vùng đồng bào dân tộc, vùng người kinh sinh sống, ta đã xây dựng được 3 chi bộ đảng hoạt động ở địa bàn vùng cao su và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ngoài địa phận Bù Đăng), đây là sự nẩy mầm của những “hạt giống đỏ” trên vùng đất mới, đập tan ý đồ tách dân ra khỏi Đảng của Mỹ - Diệm, đồng thời báo hiệu thời kỳ bão tố cách mạng của dân Bù Đăng quật ngã kẻ thù.
Từ khi can thiêp vào chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ thực hiện nhiều hình thái chiến tranh thâm độc (Chiến tranh đơn phương 1954-1960; chiến tranh đặc biệt 1961-1965; chiến tranh cục bộ 1965-1968 và Việt Nam hóa chiến tranh 1969-1973) hòng tiêu diệt bằng được lực lượng cách mạng.
Trên địa bàn Bù Đăng, địch ráo riết tăng cường thực hiện chiến tranh tâm lý với nhiều mưu đồ gây chia rẽ giữa cách mạng với dân, giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số. Tăng cường gom dân vào “Ấp chiến lược”, thực hiện chiến thuật “tát nước bắt cá” để cắt đứt mối liên hệ giữa cách mạng với quần chúng; với chiến thuật thuật “quét và giữ”, chúng dùng vũ khí hiện đại để đánh phá, rải chất độc hóa học xuống vùng căn cứ của ta. Với tinh thần bất khuất, quân dân Bù Đăng dưới sự lãnh đạo của K ủy, bất chấp khó khăn, hy sinh, kiên cường chiến đấu bảo vệ căn cứ, phát triển lực lượng, kết hợp 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh- địch vận), 3 thứ quân (bộ đội chủ lực; bộ đội địa phương và dân quân du kích) lần lược đánh bại mọi âm mưu chiến tranh thâm độc của Mỹ - Ngụy giành nhiều chiến công.
Tháng 12/1964, giải phóng hoàn toàn xã Tân Thuận với hơn 2000 dân, làm tan rã 2 trung đội dân vệ, thu 100 súng các loại. Tính đến đầu năm 1965, hệ thống ấp chiến lược của địch ở Bù Đăng bị phá tan, các Dinh điền Bù Na, Vĩnh Thiện, Vi Thiện được hoàn toàn giải phóng, góp phần đắc lực cho chiến thắng Phước Long – Đồng Xoài. Mùa khô 1966 ta tổ chức đánh chặn khi địch hành quân càn quét vào vùng Đak Nhau, diệt được 30 tên, bắn rơi 3 máy bay, bắn cháy 1 xe tăng. Sau tổng tiến công nổi dậy, để đánh địch xua quân tái chiếm các vùng đã mất, từ ngày 31/1/1968 đến ngày 31/8/1968 quân và dân Bù Đăng đã tổ chức đánh 46 trận lớn nhỏ, làm thương vong 157 tên, bắt 11 tên, phá tan 5 ấp chiến lược, đánh sập 5 lô cốt. Từ năm 1969 đến 1972, quân và dân Bù Đăng chiến đấu trên 200 trận, diệt và làm bị thương 1.468 tên (trong đó có 220 tên Mỹ), tiêu diệt 1 đại đội và 2 trung đội bảo an, 2 trung đội biệt kích, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Từ những chiến thắng trên đã góp phần bảo vệ vững chắc căn cứ, chủ động giành chính quyền làm chủ ở từng bon, sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch giải phóng Bù Đăng đi đến thắng lợi.
*Chiến dịch giải phóng Bù Đăng mùa khô năm 1974
Trước tình hình thuận lợi của cách mạng miền Nam trong giai đoạn 1974-1975, Bộ Chính trị cho phép mở chiến dịch Đường14- Phước Long nhằm thăm dò khả năng chiến đấu của quân Nguỵ và phàn ứng của Mỹ, động thời tiêu diệt một phần sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng.
          Thực hiện chỉ thị trên: “Thời cơ đã đến, chuẩn bị cho kế hoạch mùa khô, trong 2 năm 1974-1975 để giành thắng lợi to lớn góp phần giải phóng miền Nam”, đồng chí Võ Đình Tuyến (Bí thư K ủy 29) đã triệu tập cuộc họp Thường vụ K ủy bất thường, đề ra các kế hoạch, giải pháp cụ thể, làm tốt công tác chuẩn bị cho trước, trong và sau giải phóng, đồng thời tiếp tục tuyên truyền Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, giữ vững khí thế cách mạng, kiên trì quyết tâm chống kẻ thù. Đặc biệt là vấn đề phòng gian, bảo mật phải xem là yếu tố hàng đầu để giành thắng lợi trong trận thử lửa đầu tiên.
          Theo kế hoạch, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện có nhiệm vụ: Tham gia chiến đấu, nắm tình hình địch trên địa bàn, đặc biệt là ở chi khu Quân sự Đức Phong và căn cứ quân sự Vĩnh Thiện; chuẩn bị địa điểm trú quân và ém quân; làm cầu đường đưa quân và hỏa lực tiếp cận trận địa; làm trại giam dã chiến để giữ tù binh; đưa quân ra khỏi nơi có chiến sự; làm tốt công tác binh – địch vận; tiếp quản và thành lập chính quyền cách mạng sau giải phóng; truy quét tàn quân, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội và đời sống cho Nhân dân. Với chiến thuật “ vây lấn, tấn phá, triệt diệt” và sự mưu trí dũng cảm, sau hơn 2 ngày đêm kể 5 giờ 30 phút, ngày 11/12/1974 đến 7 giờ 50 phút ngày 13/12/1974 với 4 đợt tấn công quyết liệt, cùng với sự kết hợp của lực lượng vũ trang và các loại hỏa lực, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Vĩnh Thiện, đây là chiến thắng mở màn trong chiến dịch Đường 14 – Phước Long. Đêm 13/12, công tác chuẩn bị tiến công của chúng ta đã hoàn tất, với quyết tâm giành thắng lợi nên trên mũ và báng súng của tất cả các chiến sĩ ta đều có khẩu hiệu “quyết tâm chiến đấu”.
          Đúng 5 giờ 30 phút ngày 14/12, ta đồng loạt nổ súng tấn công trên tất cả các hướng của chiến dịch. Ở chi khu Quân sự Đức Phong, sau 2 giờ chiến đấu ta đã bắn trúng 2 lô cốt, mở được 2 lớp hàng rào của đồi Chi khu. Tuy nhiên, địch dựa vào lợi thế trên cao, địa hình dốc, hệ thống công sự hầm ngầm phòng thủ kiên cố vững chắc ở lưng đồi nên sử dụng đại liên phản công quyết liệt. Trước tình hình đó, ta tăng cường 1 trung đội hỏa lực tập trung bắn áp chế vào các hầm hào phòng ngự của địch, hỗ trợ cho lực lượng ta mở cửa, lần lượt phá banh 7 hàng rào. Chỉ còn phá được hàng rào thứ 8 – hàng rào cuối cùng để quân ta tiến lên, khi đó 2 đội viên được phân công đặt bộc phá để phá hàng rào thứ 8 nhưng do độ dốc của đồi Chi khu quá cao nên khi đặt xong bộc phá đều bị tuột khỏi hàng rào. Không chần chừ, chiến sĩ – đội trưởng phụ trách bộc phá Đoàn Đức Thái tự mình ôm ống bộc phá xông lên đặt vào chân hàng rào, dùng thân mình đè lên ống bộc phá rồi nhanh tay giật nụ xòe điểm hỏa. Một chớp lửa chói lòa và tiếng nổ vang trời, chiến sĩ Đoàn Đức thái đã anh dũng hy sinh, đó cũng là lúc hàng rào thứ 8 được mở toan, quân ta nhanh chóng xông thẳng vào đồn giặc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ địch trong Chi khu. Đúng 8 giờ 45 phút, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của ta đã phất phới trên chi khu Quân sự Đức Phong.
          Sau khi làm chủ chi khu Quân sự Đức Phong, ta tiếp tục chuyển lực lượng đánh chiếm trung tâm hành chính quận Đức Phong, sau 2 giờ chiến đấu, đến 10 giờ 30 phút ngày 14/12/1974 ta đã làm chủ hoàn toàn khu trung tâm hành chính quận lỵ Đức Phong, giải phóng hoàn toàn Bù Đăng.
          Chiến dịch giải phóng Bù Đăng mùa khô 1974 có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Đây là quận đầu tiên được giải phóng trong chiến dịch Đường 14 – Phước Long, góp phần mở thông hành lang chiến lược Đường 14, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng tỉnh Phước Long đầu năm 1975. Từ chiến thắng này, đánh dấu một bước suy sụp mới của quân ngụy và can thiệp Mỹ, củng cố thêm quyết tâm chiến lược đã xác định trong Hội nghị Bộ Chính trị, làm cơ sở cho phương án giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
          Bù Đăng được giải phóng, Nhân dân vui mừng khôn xiết vì bao nhiêu năm đấu tranh, hy sinh, gian khổn, chờ đợi nay mới có ngày đoàn tụ. Và cũng từ đây, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong Huyện lấy ngày 14/12, ngày cắm cờ trên Dinh lũy cuối cùng của quận lỵ Đức Phong để kỷ niệm này quê hương Bù Đăng được hoàn toàn giải phóng.
Phần thứ hai
NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT
SAU 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HUYỆN BÙ ĐĂNG

 
Ngày 14/12/1974, Bù Đăng được giải phóng. Đến ngày 08/01/1975, chính quyền cách mạng chính thức ra mắt Nhân dân, lấy tên là Uỷ ban Nhân dân cách mạng huyện Bù Đăng, gồm 8 xã: Đăng Trung, Đăng Nghĩa, Đăng Minh, Đăng Quang, Đăng Hòa, Đăng Hưng, Đăng Sơn, Đăng Thọ. Lúc này dân số Bù Đăng có 11.838 người (đồng bào dân tộc thiểu số 8.694 người).
Tháng 11 năm 1976 huyện Bù Đăng được sáp nhập vào huyện Phước Long, nhưng do địa bàn rộng, dân cư ngày càng đông, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nên ngày 04/7/1988 theo quyết định 112/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Bù Đăng thuộc tỉnh Sông Bé được tái lập gồm 7 đơn vị hành chính cấp xã: Thọ Sơn, Đoàn Kết, Minh Hưng, Nghĩa Trung, Đồng Nai, Thống Nhất và Đak Nhau với dân số toàn huyện 29.431 người.
Ngày 05/12/1991 xã Nghĩa Trung được tách ra làm 2 xã: Nghĩa Trung và Đức Liễu theo quyết định 628/TCCP của Ban Tổ chức Chính phủ. Đến ngày 01/8/1994 theo Nghị định 77/CP của chính phủ xã Đoàn Kết được tách thành 2 đơn vị hành chính gồm thị trấn Đức Phong và xã Đoàn Kết; xã Thống Nhất tách ra 2 xã: Thống Nhất, Đăng Hà. Như vậy, tính đến ngày 01/8/1994 huyện Bù Đăng có 09 xã và 01 thị trấn.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ngày 06/11/1996 đã ban hành Nghị Quyết chia tách tỉnh Sông Bé, để tái lập tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Theo đó, từ 01/01/1997 huyện Bù Đăng trực thuộc tỉnh Bình Phước.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn, từ năm 1997 đến năm 2009, huyện Bù Đăng tăng thêm 6 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Bom Bo, Phước Sơn, Phú Sơn, Nghĩa Bình, Bình Minh và Đường 10[1]. Tính đến năm 2023, huyện Bù Đăng có 16 đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm 15 xã và 01 thị trấn) với dân số khoảng 146.000 người.
Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển và khát vọng vươn lên, Bù Đăng hôm nay đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới. Diện mạo của của Bù Đăng có sự chuyển biến đáng kể, từng bước góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
  1. Về Kinh tế
1. Sản xuất nông nghiệp: Từ một huyện thuần nông, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chiếm ưu thế trong nền kinh tế, diện tích và sản lượng còn thấp. Sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp, cùng với sự chung tay góp sức của Nhân dân huyện nhà, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có bước phát triển khá rõ nét. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2020 tỷ trọng ngành Nông - Lâm -Thuỷ sản chiếm 44% cơ cấu nền kinh tế[2], thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/người/năm (tăng 13,5 lần so với năm 2005). Diện tích, sản lượng, năng suất cây trồng hàng năm tăng mạnh, đặc biệt là các loại cây chủ lực của ngành nông nghiệp như điều, cao su, cà phê.. ,)[3]. Toàn huyện đã có 24 tổ hợp tác, 20 hợp tác xã, 104 trang trại có quy mô lớn với diện tích 1.400ha, đây cũng là khu vực chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.
2. Tài chính - tín dụng:Những năm đầu sau khi tái lập tỉnh, huyện Bù Đăng gặp rất nhiều khó khăn, bình quân mỗi năm thu ngân sách chỉ đạt trên 1 tỉ đồng. Từ 2000-2005, tuy có sự tăng trưởng hàng năm về thu ngân sách, nhưng nhu cầu chi ngân sách cấp huyện vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách tỉnh.Giai đoạn 2005-2010, thu ngân sách bình quân hàng nămđạt khoảng 80 tỉ đồng/ 01 năm. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện được thành lập, cùng với việc mở rộng 2 chi nhánh ngân hàng Bom Bo và Đức Liễu đã từng bước đáp ứng nhu cầu gửi tiết kiệm cũng như vay vốn để phát triển kinh tế của Nhân dân. Giai đoạn 2010-2015, thu ngân sách bình quân tăng khoảng 3,5% mỗi năm, đạt khoảng 140 tỷ/năm. Giai đoạn 2015-2020, tổng thu ngân sách hàng năm đều tăng cao, bình quân tăng hơn 17%/ năm, riêng năm 2020 ngân sách huyện thu đạt hơn 250 tỷ đồng, Từ năm 2021 đến 2024, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân đạt 18,85%, tổng chi ngân sách tăng 17%, chủ yếu ưu tiên chi đầu tư phát triển trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, Bù Đăng vẫn là huyện chưa chủ động được nguồn ngân sách mà vẫn phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, nhất là các lĩnh vực: đầu tư công xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục và an sinh xã hội.
3.Công nghiệp - xây dựng: Hơn 10 năm kể từ sau khi tái lập tỉnh Bình Phước, ngành công nghiệp - xây dựng huyện nhà vẫn chưa phát triển, sản phẩm của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là hạt điều, sản xuất đũa tre, hàng mộc gia dụng và khai thác đá xây dựng. Đến nay, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã có bước khởi sắc đáng kể. Các cụm công nghiệp được quy hoạch[4] và từng bước được đầu tư xây dựng. Thị trấn Đức Phong đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đô thị loại V.Ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển mạnh, từ chỗ chế biến hạt điều bằng thủ công nhỏ lẻ, đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều có quy mô lớn, máy móc hiện đại, thu hút và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, sản phẩm chất lượng cao, thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn vươn ra một số nước trong khu vực và trên thế giới; Công nghiệp chế biến mủ cao su, cà phê... cũng phát triển quy mô lớn, máy móc hiện đại hơn.
Cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, trường học và các cơ sở y tế được quan tâm đầu tư cùng với sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, sự đồng thuận của Nhân dân theo chương trình Nông thôn mới.Các tuyến đường liên xã được nhựa hoá 100%, hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xóm. được thâm nhập nhựa, bê tông hoá, cứng hoá. Cùng với sự đầu tư nâng cấp các tuyến đường như: Quốc lộ 14, Quốc lộ 20C Sao Bọng - Đăng Hà và các tuyến đường ĐT trên địa bàn, làm cho hệ thống giao thông của huyện thay da đổi thịt, góp phần đáng kể vào phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá thuận tiện hơn rất nhiều so với trước. Điện không chỉ thắp sáng 99,8% hộ gia đình mà còn thắp sáng đường quê và phục vụ sản xuất. Toàn huyện đã có 65 trường từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông kiên cố, đảm bảo cho học sinh học 2 buổi mỗi ngày. Cơ sở hạ tầng y tế cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, bệnh viện mới khang trang, sạch, đẹp đảm bảo phục vụ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, các trạm y tế tuyến xã được đầu tư xây dựng theo quy mô và tiêu chuẩn quy định, không còn tình trạng xuống cấp chật hẹp như trước.
Huyện Bù Đăng đã tổ chức phát động Phong trào thi đua đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 - 14/12/2024).
  1. Phát triển Văn hoá - xã hội
    1. Lĩnh vực Giáo dục-Đào tạo: Từ chỗ chỉ có 10 ngôi trường của những năm đầu tái lập huyện, với sức ép dân số cơ học tăng nhanh làm cho số lượng học sinh ngày một đông hơn trên địa bàn. Tình trạng học ca ba, học tạm, học mượn thường xuyên diễn ra, đến nay toàn huyện có 65 trường học[5]. Quy mô trường lớp khang trang sạch đẹp, cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, với 32 trường đạt chuẩn quốc gia, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng lên, trên 90% đạt giáo viên chuẩn theo quy định.
    2. Chăm sóc sức khoẻ Nhân dân: Cùng với công tác giáo dục - đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng được Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm và coi trọng, nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được từng bước đầu tư từ tuyến huyện đến tuyến cơ sở. Đến năm 2020, đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên ngành y tế toàn huyện có 295 người, trong đó có 82 bác sỹ; 100% trạm Y tế có bác sỹ và nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh cho Nhân dân ngày càng được nâng cao chất lượng.
    3. Lĩnh vực văn hoá và thông tin: Chú trọng phát huy, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội[6] nhằm bảo tồn truyền thống văn hoá của của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao[7] lần lượt ra đời, góp phần vừa bảo tồn văn hoá truyền thống, vừa nâng cao đời sống tinh thần trong Nhân dân. Cơ sở hạ tầng văn hoá được quan tâm đầu tư xây dựng từ huyện đến cơ sở[8] đảm bảo phục vụ đời sống tinh thần, từng bước nâng cao chất lượng sống của Nhân dân trong huyện.
    4. Công tác xóa đói giảm nghèo:Đảng bộ huyện đã có nhiều Nghị quyết chỉ đạo thực hiện công tác xoá đói, giảm nghèo ở từng giai đoạn khác nhau trên địa bàn. Với phương châm “không để ai ở lại phía sau” và phương pháp “cho cần câu chứ không cho con cá”, hàng loạt các chương trình, hoạt động như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, thực hiện dự án an sinh xã hội, vốn vay ưu đãi... và các phong trào hành động cách mạng ở địa phương như: giúp nhau làm kinh tế, trao tặng sinh kế, tặng nhà tình thương, tình nghĩa…Cả hệ thống chính trị cùng tích cực vào cuộc từng bước xoá hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu trên địa bàn. Nhờ đó, đến cuối năm 2023 trên địa bàn huyện còn 254 hộ nghèo, chiếm 0,67% dân số (trong đó 165 hộ đồng bào dân tộc nghèo, chiếm 64,9% hộ nghèo toàn huyện.
  2. Quốc phòng - An ninh
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng lực lượng vũ trang hiệu quả, chất lượng, chú trọng kết hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh Nhân dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, tổ chức các phương án phòng thủ vững chắc, triển khai diễn tập phòng thủ, chú trọng công tác tuyển quân, huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân tự vệ, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị đủ nguồn dự bị động viên.
  1. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, Đảng bộ huyện còn tập trung xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo định hướng công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền trên các lĩnh vực, chú trọng sử dụng hiệu quả mạng internet, các trang, nhóm mạng xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền, nhằm vừa kịp thời, vừa phù hợp với xu thế mới đồng thời vừa góp phần lấn át, phản bác thông tin xấu độc, lan tỏa mạnh mẽ những thông tin chính thống đến với người dân một cách nhanh chóng. Tập trung nắm bắt tình hình đời sống và tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tình hình dân tộc, hoạt động của các tôn giáo; chỉ đạo công tác dân vận ở các cấp chính quyền, trong lực lượng vũ trang. Chú trọng và thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức đảng và đảng viên. Toàn Đảng bộ có 61 cơ sở đảng, 4.246đảng viên, đến nay 100% cán bộ lãnh đạo từ trưởng, phó phòng cấp huyện trở lên và 6 chức danh chủ chốt cấp xã đạt chuẩn chuyên môn.Công tác xây dựng chính quyền tuy có nhiều tiến bộ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân đã chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng của đoàn viên, hội viên, ngày càng trở thành lực lượng đáng tin cậy, ưu tú trong các phong trào cách mạng và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện.
Đạt được kết quả trên là do cósự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện luôn đoàn kết thống nhất cao, nỗ lực phát huy tiềm năng và nội lực, tập trung đề ra nghị quyết sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương, cùng với sự điều hành của UBND các cấp đã khơi dậy và phát huy được tiềm năng, nội lực của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Mặt khác, sự tích cực phối hợp hoạt động của hệ thống dân vận, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, ý thức đoàn kết cộng đồng và sự đồng thuận trong xã hội ngày càng được nâng cao đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội các nhiệm kỳ đã đề ra.
Sau 50 năm giải phóng, một diện mạo mới, mang sức sống mới đang hiện hữu trên vùng đất Bù Đăng anh hùng. Với 31 dân tộc anh em đang sinh sống trong ngôi nhà chung, Bù Đăng thân yêu đang vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với sự tin tưởng và hy vọng của Nhân dân toàn huyện./.

KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Nhiệt liệt chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam – Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1944 – 22/12/2024)và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)!
 2. Hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 – 14/12/2024)!
3. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quânhuyện Bù Đăng đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động quyết tâm xây dựng quê hương Bù Đăng giàu đẹp!
4. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
5.Nhiệt liệt chào mừng 50 năm ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 – 14/12/2024)!
6. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
7. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
8. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

 
[1]   Tăng thêm 6 đơn vị hành chính bao gồm: xã Bom Bo được thành lập ngày 26/12/1997 theo Nghị định 119/1997/ NĐ-CP; xã Phước Sơn được thành lập ngày 05/4/2002 theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP; xã Phú Sơn được thành lập ngày 16/5/2005, theo Nghị định 60/2005/NĐ-CP; xã Nghĩa Bình được thành lập ngày 28/3/2007 theo Nghị định số 49/2007/NĐ-CP; xã Bình Minh được thành lập ngày 01/3/2008 theo Nghị định số 22/2008/NĐ-CP và xã Đường 10 được thành lập ngày 10/4/2009 theo Nghị định 14/NĐ-CP.
[2]    Năm 2005, tỷ trọng ngành Nông - Lâm -Thuỷ sản chiếm 63% nền kinh tế của huyện.
[3]    Diện tích gieo trồng năm 2000: 39,1ngàn ha (cây lâu năm 17,7 ngàn ha); năm 2010: 85 ngàn ha (cây lâu năm 77,8 ngàn ha); năm 2020: 110 ngàn ha (cây lâu năm 104 ngàn ha).
[4]     Theo Nghị quyết Đai hội Đảng bộ huyện Bù Đăng lần thứ VIII: Năm 2020, huyện đã hoàn thành quy hoạch 07 cụm công nghiệp với tổng diện tích 225,23ha.
[5]Theo báo cáo số 423-BC/HU ngày 31/5/2021 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.
[6]    Lễ hội như: lễ hội Giao thừa, mừng Đảng mừng Xuân, Hội khoẻ Phù Đổng.
[7]    Các câu lạc bộ như: Đàn Tính, Hát Then, Đờn ca tài tử, Võ thuật, Thể dục Nhịp điệu, Thể dục Dưỡng sinh.
[8]    Cơ sở hạ tầng văn hoá được đầu tư xây dựng như: khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’Tiêng Sóc Bom Bom, Trung tâm văn hoá, Nhà thi đấu đa năng, Nhà thiếu Nhi, sân Bóng đá .cấp huyện, nhà văn hoá thôn ấp cũng từng bước được nâng cấp, xây mới đảm.
 

Tác giả: Duy Khiêm (TH)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập118
  • Hôm nay53,025
  • Tổng lượt truy cập16,799,430
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây