Trung tâm TP. Đồng Xoài nhìn từ trên cao
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường: Bình Phước đang được kỳ vọng trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh
Loạt bài “Nơi cuối đường Trường Sơn huyền thoại” đăng trên Báo Bình Phước vừa qua đã phản ánh sinh động về vùng đất, con người Bình Phước và quá trình đi lên của vùng đất này. Trong đó, tác giả ghi nhận những cống hiến, hy sinh của nhân dân tỉnh Bình Phước, gợi lại ký ức hào hùng của Phú Riềng Đỏ năm xưa, những ngày giã gạo nuôi quân ở sóc Bom Bo, tháng ngày gian khó của cách mạng ở căn cứ Nửa Lon, huyện Bù Đăng… đến hành trình đổi mới, xây dựng đất nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường
Sau hơn 27 năm tái lập (1997-2024), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) có thời điểm đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước, việc huy động vốn đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả cao, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng thu được những kết quả tích cực, thông tin đối ngoại được chú trọng, tạo môi trường đầu tư, tiềm năng phát triển của tỉnh Bình Phước đang ngày càng được đánh giá cao.
Mặc dù còn nhiều thử thách, Bình Phước đang từng ngày phấn đấu với quyết tâm chính trị, đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo sẽ thực hiện tốt mục tiêu đề ra trong năm 2024 cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh đang tập trung cho những bước tiến mạnh mẽ hơn trong nhiều lĩnh vực, như triển khai xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thu hút đầu tư, an sinh xã hội, phát triển du lịch, chuyển đổi số, giảm nghèo ở địa bàn biên giới, đồng bào dân tộc, tôn giáo; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, bản sắc của vùng đất và con người Bình Phước.
Để vượt qua khó khăn, từng bước phát triển mạnh mẽ, đầu tiên phải có sự đoàn kết trong Đảng, trong dân, có mối quan hệ gắn kết giữa Đảng và nhân dân. Cùng với đó, Bình Phước có tầm nhìn, tư duy đổi mới, mạnh dạn chọn lựa những bước đi phù hợp trong từng giai đoạn, đề ra những giải pháp tương ứng, hướng đến thành công. Bình Phước anh hùng trong kháng chiến và phấn đấu để tự tin, bản lĩnh, có chí tiến thủ trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Bằng sự đoàn kết, bản lĩnh, sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, đến năm 2025, Bình Phước đặt ra kế hoạch cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh Bình Phước phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ. Hơn thế nữa, Bình Phước kỳ vọng trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh vào năm 2050.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền: Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Vũ Tiến Điền
Là tỉnh có 41 dân tộc anh em từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống, lập nghiệp nên Bình Phước có nền văn hóa hội tụ, giao thoa, đa dạng, kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước. Lần đầu tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI ban hành một nghị quyết chuyên đề về văn hóa, con người Bình Phước (Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023), đánh thức những giá trị tinh hoa văn hóa, truyền thống, con người Bình Phước. Đó là xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc, hội nhập, đậm đà giá trị văn hóa dân tộc, vừa giàu bản sắc địa phương; xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Bình Phước xác định phát triển văn hóa gắn với phát triển con người, lấy con người làm trung tâm, không chỉ phát triển thể trạng, trí tuệ mà còn nhân cách, đạo đức… tác động trực tiếp vào việc cải thiện Chỉ số phát triển con người (HDI).
Ông Nguyễn Hữu Đây, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài: Mong địa phương có thêm nhiều công trình dân sinh
Ông Nguyễn Hữu Đây, người dân hiến đất làm đường Phan Bội Châu, TP. Đồng Xoài
Khi TP. Đồng Xoài triển khai làm đường Phan Bội Châu, gia đình tôi đã hiến 7 sào đất, tương đương 7.000m2, 3 căn nhà, nhiều vật kiến trúc, cây trồng trên đất ngay trung tâm TP. Đồng Xoài, trị giá hơn 20 tỷ đồng. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác ở TP. Đồng Xoài, huyện, thị xã khác trong tỉnh cũng tham gia hiến đất làm đường, hoặc chung tay xây dựng nông thôn mới. Tôi thấy Bình Phước đang “thay da, đổi thịt” từng ngày, đường sá khang trang, cơ sở hạ tầng hiện đại và mong muốn có thêm nhiều công trình dân sinh phục vụ đời sống người dân địa phương.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, giảng viên cao cấp, Viện Phát triển năng lực lãnh đạo, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng biểu tượng “tam long hội tụ” thành triết lý, khẩu hiệu cho ngành du lịch địa phương
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, giảng viên cao cấp, Viện Phát triển năng lực lãnh đạo,
Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Nhìn trên Google Map sẽ thấy Bình Phước có 3 hồ Srok Phu Miêng, Thác Mơ và Cần Đơn rất giống hình 3 con rồng quấn quýt lấy nhau, tạo nên thế “tam long hội tụ”. Xét riêng hồ Cần Đơn, nếu phóng to sẽ thấy hình ảnh một con rồng mẹ đang dẫn dắt 2 con rồng con, cũng là thế tam long. Rồng uốn lượn giữa đại ngàn xanh thẳm, ắt ấy là Thanh long - vật biểu trưng của phương Đông trong thuyết Ngũ hành: Tả thanh long (phương Đông), hữu bạch hổ (phương Tây), nam chu tước, bắc huyền vũ và trung tâm hoàng nhân (con người). “Tam long hội tụ” là nguồn lực sinh thái - tự nhiên, trong khi di sản văn hóa các dân tộc Bình Phước vốn gắn bó hài hòa với tự nhiên - sinh thái địa phương, bao đời nay được xem là bảo tàng văn hóa bản địa điển hình của vùng Đông Nam Bộ. Các nguồn lực này có lợi cho phát triển du lịch sinh thái - văn hóa, đặc biệt là các loại hình du lịch gắn với giáo dục sinh thái rừng, du lịch mạo hiểm, du lịch di sản văn hóa, du lịch về nguồn. Bình Phước cần xây dựng triết lý và khẩu hiệu văn hóa du lịch riêng cho tỉnh nhà, có thể xem xét xây dựng quần thể “tam long hội tụ” thành biểu tượng văn hóa du lịch, xem xét lấy slogan “Bình an phước lành, Tam long hội tụ” thành khẩu hiệu cho ngành du lịch địa phương.