Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến đông đảo người lao động, trong đó có nữ giới. Những quy định đảm bảo bình đẳng giới là hết sức quan trọng, nhất là chế độ thai sản, hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần liên quan rất lớn đến nữ.
"Theo thống kê, lao động nữ là đối tượng dễ bị tổn thương liên quan đến Luật này. Nữ giới chiếm tỉ lệ lớn những người rút bảo hiểm xã hội một lần. Nữ cũng là đối tượng chủ yếu không được thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ là hết sức cần thiết", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Đại diện công đoàn cơ sở cho rằng, về chế độ nghỉ khám thai tối đa 5 lần là không sát với thực tế. Cụ thể, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình đề xuất, nên sửa đổi mức nghỉ 5 ngày để khám thai thành mức tối thiểu, và bổ sung mức tối đa là 9 ngày, tương ứng với việc khám thai mỗi tháng 1 lần trong suốt thai kì.
Đồng tình quan điểm này, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Dệt May Việt Nam Nguyễn Thanh Hoàn, đề xuất thêm: Không nên quy định mức nghỉ khám thai tối đa bao nhiêu ngày, bởi vì trên thực tế, có những trường hợp nữ lao động mắc bệnh lý thai kì, phải đi khám nhiều lần theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, đề nghị bổ sung đối tượng lao động hiếm muộn cũng được thụ hưởng các chế độ của Luật Bảo hiểm xã hội, bởi vì những đối tượng này có khi phải nghỉ 6-9 tháng đi làm các thủ thuật điều trị hiếm muộn, mà không được hưởng chế độ gì, trong khi họ cũng tham gia đóng bảo hiểm xã hội như bao người lao động khác.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Trịnh Thị Hoa đề xuất, nên bổ sung thêm đối tượng dưỡng thai nằm một chỗ lâu ngày vào trong Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội chưa đề cập đến các trường hợp này được hưởng như thế nào, nên tới đây Luật sửa đổi cần quan tâm đến các đối tượng sinh con khó khăn, có chỉ định yêu cầu của cơ quan y tế.
Liên quan đến quy định về thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ sau sinh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công, LĐLĐ TP Hải Phòng Phạm Thu Thưởng đề nghị tăng thời gian nghỉ với trường hợp sinh đôi lên 4 tháng (Dự thảo Luật đang quy định nghỉ 2 tháng). Ngoài ra, với trường hợp mang thai hộ, cần tăng thời gian nghỉ thai sản ít nhất là 3-4 tháng hoặc 6 tháng như các bà mẹ khác để đủ thời gian phục hồi sức khỏe, thích nghi với công việc.
Bà Đặng Thị Kim Chung, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh đề nghị nên kéo dài thời gian nghỉ của người chồng khi vợ sinh con. Bởi theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang quy định mức nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con là 5, 7, 9, 14 ngày tùy từng trường hợp là chưa sát với thực tế, khi cơ thể người phụ nữ sau sinh còn chưa hồi phục, rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người chồng để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ lẫn con và góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Mức hỗ trợ thai sản BHXH tự nguyện còn thấp
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Luật BHXH liên quan đến nhiều đối tượng, độ bao phủ lớn, trong đó lao động nữ chịu tác động đáng kể và đặc thù. Trong dự thảo Luật BHXH, ngoài những nội dung chung, những quy định đặc thù cho lao động nữ, bảo vệ nữ, đảm bảo bình đẳng giới là rất quan trọng, nhất là vấn đề về thai sản, nghỉ hưu, rút BHXH một lần...Vì vậy, việc góp ý của các chuyên gia, cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Nữ công về các nội dung liên quan đến quyền của lao động nữ là hết sức cần thiết, từ đó đề xuất các quy định đảm bảo tính khả thi, đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ.
Góp ý vào Dự thảo, cụ thể là mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: Khoản 1 Điều 93. dự thảo Luật quy định: “Mức hưởng 2 triệu đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu” là mức trợ cấp quá thấp.
TS. Bùi Sỹ Lợi đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mức hỗ trợ này, bởi theo Tờ trình số 527 của Chính phủ về dự thảo Luật BHXH mức 2 triệu đồng là theo Nghị định 39/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số. Nhưng nay Nghị định này đã được thay thế tại Điều 36 Thông tư 55 của Bộ Tài chính ngày 15-8-2023 áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Như vậy, quy định 2 triệu đồng cho mức hỗ trợ này không còn phù hợp.
Ngoài ra, theo TS. Bùi Sỹ Lợi, chế độ thai sản ngoài hỗ trợ về tiền mặt, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc
Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tỉnh Bình Phước năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025
lượt xem: 68 | lượt tải:21Tài liệu Hỏi – Đáp sử dụng mạng xã hội đúng cách
lượt xem: 108 | lượt tải:18KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC “Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ TẦM VÓC CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN THẮNG CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 14 - PHƯỚC LONG” (06/01/1975 - 06/01/2025)
lượt xem: 236 | lượt tải:66