Vì vậy, Tổng Bí thư luôn yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.
Thực hiện các quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định nhằm kiểm soát quyền lực trong toàn hệ thống chính trị, kiểm soát quyền lực ngay trong những cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc thể chế hóa chủ trương, quy định của Ðảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước cũng được đẩy mạnh nhằm hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể" tham nhũng.
Cùng với đó, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm đã có tác dụng răn đe trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để "không dám" tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, phải tiến hành xử lý thì hậu quả nặng nề, không chỉ thiệt hại tài sản của quốc gia, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế-xã hội, mất mát về đội ngũ cán bộ, mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân vào Ðảng và chế độ.
Qua cuốn sách có thể thấy, cùng với quan điểm phải đấu tranh quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, Tổng Bí thư cũng rất coi trọng việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và luôn quán triệt: Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.
Ngay từ khi đất nước mới bước vào công cuộc đổi mới, dưới bút danh Phan Chính, Tổng Bí thư đã có bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 8/1986: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng", trong đó chỉ rõ: Hiện nay, Ðảng ta có gần 2 triệu đảng viên. Trong bước chuyển biến của cách mạng, trước những khó khăn về kinh tế, đời sống, xã hội, đông đảo cán bộ, đảng viên đã giữ vững phẩm chất cách mạng, có lối sống trong sạch, lành mạnh, cố gắng học tập và rèn luyện để nâng cao năng lực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong cách mạng. Song, trong đội ngũ đảng viên cũng còn nhiều hiện tượng tiêu cực chưa được ngăn chặn, thậm chí có chiều hướng phát triển. Ðây là vấn đề nghiêm trọng làm tê liệt sức chiến đấu của nhiều đảng bộ, làm xói mòn uy tín của Ðảng. Chúng ta cần quan tâm làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong Ðảng.
Ngày 9/12/2016, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư khẳng định, đây là một Nghị quyết rất quan trọng, đề cập đến một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách. Cùng với việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Ðảng mà Ðại hội XII đề ra, Nghị quyết đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Quan điểm chỉ đạo của Ðảng là kiên quyết, kiên trì thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ cả ở Trung ương và cơ sở.
Tại những phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư luôn yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; không chỉ tập trung ngăn chặn, đẩy lùi mà cần chủ động tấn công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Việt Nam hiện là một nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với quốc tế, nếu chúng ta không quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì môi trường đầu tư của Việt Nam liệu sẽ còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, những gì người lãnh đạo cao nhất của Ðảng Cộng sản Việt Nam viết trong cuốn sách này không chỉ là thông điệp tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân mà còn là thông điệp và cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Mạc Đình Huấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
Tác giả: Báo Nhân dân (dẫn nguồn)
Ý kiến bạn đọc
Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 163 | lượt tải:69Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 118 | lượt tải:48Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029
lượt xem: 539 | lượt tải:261