Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao (15-11-1923/15-11-2023). Người góp phần làm nên những tác phẩm bất hủ cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Thứ ba - 14/11/2023 04:22 637 0
Văn Cao được biết đến là một nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, chiến sĩ yêu nước. Ông là nhạc sĩ xuất sắc của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX. Là tác giả của ca khúc Tiến quân ca - quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời ông cũng là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

Nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao, tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng, quê quán ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của Văn Cao vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng), sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc. Năm 1938 (khi mới 15 tuổi), vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành trung.
 
Nhạc sĩ Văn Cao
 
Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là “Buồn tàn thu” vào năm 16 tuổi, được Phạm Duy đem đi hát khắp nơi. Từ đó bắt đầu sự gắn bó hoạt động văn nghệ của Văn Cao – Phạm Duy. Bên cạnh đó, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như “Gió núi”, “Gò Đống Đa”, “Anh em khá cầm tay”.

Năm 1942, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant - nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền và theo học dự thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique (Phòng tranh duy nhất) tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu gây được tiếng vang trong giới hội hoạ: “Những kẻ tự sát”, “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”… Văn Cao tự học về âm nhạc và sớm trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Giai đoạn 1940-1943 là thời kỳ viết nhạc sung mãn nhất của Văn Cao với các ca khúc lịch sử và ca khúc trữ tình lãng mạn, như:  Bến xuân (1942 - sau này sửa lời thành Đàn Chim Việt), Suối mơ (1943), Thiên thai (1941), Trương Chi (1943). Ông nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiên phong, nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là để lại những dấu ấn mang tính khai phá của ông trong tân nhạc Việt Nam.

Được giác ngộ cách mạng, ông tham gia công tác trong Hội Văn hoá Cứu quốc và Đội danh dự trừ gian Hà Nội. Chính tay ông đã diệt một tên Việt gian khét tiếng gian ác. Nhạc sĩ Văn Cao đã hoạt động hăng say cho cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám, bên cạnh thế giới nhạc lãng mạn là những bài hát yêu nước tràn đầy khí phách: Bạch Đằng giang, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc. Năm 1944, bài hát “Tiến quân ca” được viết cho Khoá quân chính kháng Nhật, theo yêu cầu của Vũ Quý – một cán bộ lãnh đạo Việt Minh. Tháng 11/1944, bài hát “Tiến quân ca” được Văn Cao khắc in trên báo Lao động số 1. Ngày 19/8/1945, “Tiến quân ca” được Văn Cao điều khiển dàn đồng ca Thiếu niên Tiền phong hát tại Quảng trường Nhà hát lớn trong cuộc mít tinh giành chính quyền của Việt Minh tổ chức. Cũng vào năm 1945, ông sáng tác bài “Chiếc xe xác qua đường Dạ Lạc” và các ca khúc “Chiến sĩ Việt Nam”, “”Chiến sĩ Hải quân”, “Chiến sĩ Không quân”... Năm 1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại kỳ họp thứ nhất đã quyết định lấy “Tiến quân ca” của Văn Cao làm quốc ca cho người Việt Nam.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp (19/12/1946), ông tham gia những công tác đặc biệt của Bộ Nội vụ, rồi về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Bắc. Trong thời kỳ này, ông tiếp tục sáng tác những bài hát nổi tiếng như: Trường ca Sông Lô (1947), Tiến về Hà Nội… Ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (1948). Năm 1952, ông được cử đi Liên Xô trong phái đoàn của Trần Huy Liệu.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên thường vụ Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều tuyển tập nhạc rất được bạn yêu nhạc ưa thích và được giới thiệu ở nước ngoài. Không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa, Văn Cao còn là nhà thơ và là hoạ sĩ, bên cạnh đó ông còn nổi tiếng về những hoạ phẩm minh hoạ với một phong cách riêng.

Năm 1956, ông tham gia Nhân văn và Giai phẩm với bài thơ “Anh có nghe không” đăng trên Giai phẩm mùa xuân và trích đoạn trường ca Những người trên cửa biển” in trên báo Nhân văn số 4. Những năm sau đó, ông bị kỷ luật, đi thực tế lên Điện Biên cùng Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng. Các bài hát trước đây không được biểu diễn. Cho đến cuối thập niên 1980, nhờ chính sách đổi mới của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, các tác phẩm của Văn Cao cùng những ca khúc tiền chiến khác được biểu diễn trở lại. Có thể nói, Văn Cao hoạt động trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ngoài sáng tác văn học, ông còn là một nhạc sĩ, hoạ sĩ tài năng. Trước cách mạng, Văn cao đã nổi tiếng là nhạc sĩ tài danh. Là tác giả của nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng và những hành khúc yêu nước (trong đó, nổi tiếng nhất là ca khúc Tiến quân ca). Thơ Văn Cao luôn có sự tìm tòi mới mẻ về nội dung và hình thức. Với tài năng nhiều mặt và những đóng góp to lớn của mình, Ông có một vị trí đặc biệt trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Ông từng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên BCH Hội nhạc sĩ Việt Nam (khoá I và III).

Văn Cao qua đời vào ngày 10/7/1995. Với những đóng góp to lớn của mình cho nền văn học nước nhà, năm 1996, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I năm 1996). Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba (1968); Huân chương Độc lập hạng Nhất (1993). Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế…

Ông là một tài năng của dân tộc Việt Nam hội tụ trên các lĩnh vực nhạc sĩ, hoạ sĩ và nhà thơ với những đóng góp to lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà những tác phẩm thi, hoạ và cả những khúc ca còn vang mãi. Thế hệ hôm nay sẽ luôn tưởng nhớ đến ông, một con người với tất cả tài năng của mình đã khắc tên mình vào lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam. 
                                

Tác giả: Minh An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

112-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904-01/5/2024)

lượt xem: 141 | lượt tải:101

111-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

lượt xem: 362 | lượt tải:199

109-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975-23/3/2024)

lượt xem: 238 | lượt tải:118
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập91
  • Hôm nay21,183
  • Tổng lượt truy cập8,994,509
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây