Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) hoạch định đường lối đổi mới toàn diện cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân. Vượt qua thách thức, khủng hoảng và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở các nước Đông Âu, Liên Xô, Đại hội VII của Đảng (6-1991) tỏ rõ bản lĩnh chính trị, kiên định con đường XHCN với việc đề ra “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH)”. Từ thực tiễn của công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Cương lĩnh và đường lối được các đại hội Đảng không ngừng bổ sung, phát triển, đã đưa công cuộc đổi mới của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, vững chắc với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn |
Bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng là bảo vệ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vì Đảng lãnh đạo, cầm quyền chủ yếu bằng Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết... Bảo vệ sự đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối với những giá trị lý luận, khoa học, bắt nguồn từ nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững những nguyên lý về cách mạng XHCN, những đặc điểm, đặc trưng, quy luật của thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh và đường lối đổi mới của Đảng được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc bản chất cách mạng, phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, Cương lĩnh, đường lối đó đứng vững và được hiện thực hóa, có khả năng chống lại mọi sự xuyên tạc và chống phá của các thế lực thù địch cả về lý luận và thực tiễn. Điều đó càng đòi hỏi Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao trình độ lý luận và nhận thức về hệ tư tưởng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về Chủ nghĩa Mác-Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp Chủ nghĩa Mác-Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng XHCN thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”[i].
Nâng cao trình độ lý luận của toàn Đảng và của từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bồi đắp lập trường, quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng những là để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, mà cũng chính là bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đó là sự bảo vệ chủ động, tự giác bởi trí tuệ, có khả năng bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động.
Sức sống của Cương lĩnh thể hiện sâu sắc ở những thành quả đổi mới đất nước
Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước theo con đường XHCN. Đó là quá trình hiện thực hóa thành công những mục tiêu, 8 đặc trưng và 8 phương hướng cơ bản mà Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các đặc trưng khác cũng được nhận thức và thực hiện rõ hơn thể hiện bản chất tốt đẹp và tính hiện thực của chế độ XHCN ở Việt Nam.
Bảo vệ con đường XHCN là cuộc đấu tranh quyết liệt về hệ tư tưởng, đồng thời là bảo vệ một chế độ xã hội, một hình thái kinh tế-xã hội, bảo vệ quy luật phát triển tất yếu khách quan của lịch sử. Dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH.
Thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối đổi mới mà Đại hội VI đề ra và các đại hội tiếp theo bổ sung, phát triển. Đại hội XIII của Đảng (1-2021) đã khẳng định những thành tựu cơ bản. Đó là thước đo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và vai trò quyết định của Cương lĩnh, đường lối.
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng bình quân duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Phát triển văn hóa, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt.
Không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối chính trị của Đảng
Những năm qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị. Âm mưu, thủ đoạn của họ là thúc đẩy đổi mới chính trị để xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Sự thật là thế nào? Đảng đã kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị. Quan điểm của Đảng là lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm và từ thành tựu kinh tế mà từng bước đổi mới hệ thống chính trị. Chính trị là lĩnh vực nhạy cảm, phải đổi mới từng bước, thận trọng, vững chắc, không vội vàng khi chưa có đủ điều kiện cần thiết. Đổi mới hệ thống chính trị trong suốt quá trình đổi mới và hiện nay tập trung vào những nội dung nổi bật.
Một là, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với những đặc trưng cơ bản, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế; Nhà nước quản lý xã hội, đất nước, nền kinh tế chủ yếu bằng pháp luật; Nhà nước pháp quyền là một trong 8 đặc trưng của mô hình CNXH Việt Nam.
Hai là, thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy dân chủ XHCN, tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vì lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Ba là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng kết hợp chặt chẽ với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, kết hợp đúng đắn xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng và bảo vệ Đảng, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Thực hiện và bảo vệ 3 vấn đề cốt lõi nêu trên là phát huy tính ưu việt của chế độ và bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, vị thế chính trị, văn hóa, con người, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Vấn đề bảo đảm an ninh phi truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tại, dịch bệnh, nhất là kiểm soát đại dịch Covid-19 có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc sống người dân, không thể xem nhẹ.
Sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thông qua việc hoàn thiện, bổ sung Cương lĩnh, đường lối và bảo vệ giá trị khoa học, tính hiện thực của đường lối. Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030. Để thực hiện được các định hướng đó cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. “Đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả”[ii].
Kiên quyết giữ vững và bảo vệ ngọn cờ soi đường chỉ lối của Đảng
Tổng kết quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng XHCN và xây dựng CNXH, nhất là những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố tác phẩm rất quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”.
Từ sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới của thời đại, tác phẩm của Tổng Bí thư đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề mới về lý luận và thực tiễn, khẳng định bản chất cách mạng và khoa học trong nhận thức và hành động thực tế xây dựng CNXH ở Việt Nam, làm rõ CNXH là gì và đi lên CNXH bằng cách nào, từ phương châm, hình thức, bước đi phù hợp để hoàn thiện đường lối quan điểm và tổ chức thực hiện, làm sao để vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Điều đó đòi hỏi xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cái phổ biến và tính đặc thù.
Tác phẩm đã làm rõ hơn nội dung và khả năng bỏ qua chủ nghĩa tư bản, kế thừa những thành tựu, giá trị văn minh nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Tác phẩm nhấn mạnh yếu tố bảo đảm xây dựng thành công CNXH là phải có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản chân chính cách mạng dựa trên học thuyết cách mạng, tính khoa học và cách mạng triệt để của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Tác phẩm của Tổng Bí thư có giá trị lý luận căn bản và ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc, toàn diện đưa Việt Nam tiến tới một nước XHCN hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Tác phẩm có sự đóng góp xứng đáng vào kho tàng lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH mà các nước trên thế giới đang hướng tới. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng đặt ra yêu cầu cần thiết phải học tập, quán triệt sâu sắc tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư.
[i] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 92.
[ii] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, tập I, trang 39.
Tác giả: PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC (QĐND ONLINE)
Ý kiến bạn đọc