So với Quy định số 47-QĐ/TW thì Quy định số 37-QĐ/TW vẫn giữ nguyên số điều và nội dung cơ bản kế thừa các quy định cũ, song ở hầu hết các điều đều bổ sung những nội dung mới.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Quy định số 37-QĐ/TW là những vấn đề cốt lõi, quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Một trong những điểm mới trong Quy định số 37-QĐ/TW là nội dung của Điều 3 đã nhận được sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước. Theo đó, Điều 3 quy định rõ đảng viên không được: Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.
Tại sao Đảng ta lại đưa ra quy định này? Vì những biểu hiện suy thoái này có căn nguyên từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Tự diễn biến” có nghĩa là tự biến đổi theo một chiều hướng xấu hơn. Còn “tự chuyển hóa” là sự tự biến đổi từ dạng này sang dạng khác nhưng theo hướng tiêu cực. Nói cách khác, “tự diễn biến” đó là nhận thức lệch lạc về chính trị - tư tưởng. Còn “tự chuyển hóa” là sự sa đọa về phẩm chất đạo đức, lối sống… Trước hết, “tự diễn biến” diễn ra trong cá nhân nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn dẫn đến sự suy thoái của tổ chức và về lâu dài, sẽ dẫn đến chuyển hóa chế độ chính trị. Khi bàn về vấn đề xây dựng Đảng, Lênin đã khẳng định: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”.
Hơn nữa, trong lịch sử phát triển của nhân loại, có rất nhiều vương triều, quốc gia, dân tộc tự tan rã, thậm chí là biến mất trên bản đồ thế giới cũng chỉ vì nạn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bộ máy chính quyền. Chính vì thế, Đảng ta đã xác định “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là “giặc nội xâm”, là một trong những nguy cơ, thách thức hàng đầu đối với sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cụ thể, trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng đã khẳng định rõ: “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi... Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.
Thực tế thời gian qua cho thấy, có một số cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ… do nhận thức lệch lạc về chính trị - tư tưởng, thêm vào đó là sự dụ dỗ, kích động của các thế lực thù địch, phản động nên đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thành kẻ trở cờ, kẻ phản bội lại chính lý tưởng của mình. Thậm chí có kẻ còn lộng ngôn thông qua những cái gọi là “thư ngỏ”, “kiến nghị”, “đề xuất”… để rồi phản bác, phủ nhận và xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể kể ra đây những “khuôn mặt đen” là Nguyễn Đình Cống, Nguyên Ngọc, Phạm Đình Trọng, Chu Hảo, Trần Đức Anh Sơn, Lê Hữu Thuận, Bùi Tiến Lợi… Tuy nhiên, với quy định nêu trên, Đảng đã chủ động và quyết liệt ngăn chặn nạn “nội xâm” - “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tác giả: HN
Ý kiến bạn đọc