Tai nạn đuối nước là một trong những mối lo ngại hàng đầu đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng nông thôn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra những vụ trẻ em đuối nước thương tâm, khiến dư luận hết sức lo lắng và đặt ra nhiều câu hỏi. Vấn đề phòng, chống đuối nước cho trẻ càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết đối với gia đình, Nhà trường và xã hội .
Theo báo cáo, ở nước ta mỗi năm có gần 2.000 trẻ em gặp tai nạn đuối nước. Bình Phước là địa phương có nhiều ao, hồ, sông, suối tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đuối nước. Việc phòng ngừa tai nạn ở trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong việc phòng chống đuối nước đối với trẻ em và cần có các giải pháp phòng chống trực tiếp, thiết thực, hiệu quả tại những địa bàn có khả năng xảy ra đuối nước.
Những con số thống kê buồn
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2022, trên địa bàn tỉnh trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước 93 trường hợp (năm 2016 có 24 trẻ, năm 2017 có 14 trẻ, năm 2018 có 16 trẻ, năm 2019 có 5 trẻ, năm 2020 có 6 trẻ và năm 2021 là 19 trẻ và năm 2022 có 02 em học sinh tại huyện Đồng Phú bị tử vong do đuối nước thương tâm vào ngày 13/5; 03 trẻ em dưới 6 tuổi tử vong ngày 16/5 tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp; 04 em học sinh lớp 11 ở huyện Bù Đăng tử vong vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm 2022. Các vụ việc đau lòng trên một lần nữa gióng lên hồi chuông về lời cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ em. Hầu hết các vụ tai nạn đuối nước đều xuất phát từ việc trẻ em rủ nhau đi tắm tại các ao, hồ, sông, suối mà không có sự quản lý của người lớn.
Hiện trường vụ đuối nước thương tâm khiến 2 học sinh tử vong tại huyện Đồng Phú, Bình Phước ngày 13-5-2022
Đâu là nguyên nhân?
Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra thời gian qua đã để lại nỗi đau, sự tổn thất to lớn cho gia đình và xã hội. Qua đó, gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường sống không đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế hiện nay, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Song song đó là những hạn chế về nhận thức và kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước ở trẻ và sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em mình.
Mặt khác, ở độ tuổi hiếu động, nhiều em có tâm lý ham chơi, ưa mạo hiểm nên đã trốn gia đình đi tắm sông, tắm suối, đùa nghịch ở ngay cả những địa điểm thường xuyên xảy ra đuối nước và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, khu vui chơi dành cho trẻ em rất ít, các nhà văn hóa hầu như chỉ để phục vụ hội họp của thôn, xóm… Trong khi số hồ bơi an toàn, đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu vui chơi và học tập kỹ năng bơi lội, phòng chống tai nạn đuối nước còn rất hạn chế.
Rèn luyện kỹ năng bơi để phòng đuối nước cho trẻ em
Tháng 6 hằng năm là thời gian nghỉ hè của lứa tuổi học sinh, đồng thời cũng là thời điểm giao mùa, mưa bão xuất hiện và liên tục kéo dài, đây là điều kiện bất lợi làm tăng nguy cơ đuối nước ở lứa tuổi học sinh. Do vậy, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp, tăng cường giáo dục, phổ biến kiến thức cho trẻ về kỹ năng bơi lội ngay từ nhỏ; hướng dẫn trẻ các nguyên tắc an toàn khi bơi và xử lý tình huống đuối nước. Đặc biệt, cha mẹ cần chủ động, có phương pháp giáo dục quản lý con em và đảm bảo môi trường vui chơi an toàn cho trẻ em. Có như vậy mới tránh được những rủi ro tai nạn thương tâm đối với trẻ.
Sở Lao động TB - XH phối hợp sở VHTT-DL và sở giáo dục và đào tạo tỉnh tổ chức phổ cập kiến thức và dạy bơi miễn phí để phòng chống đuối nước ở trẻ em
Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước, đảm bảo an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh. Trong đó, chú ý xây dựng các chuyên đề tuyên truyền phòng, chống đuối nước trong các tình huống: trên đường đi học, khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi, khi vui chơi tại cộng đồng nơi có các nguồn nước mở hay khi hoạt động trong môi trường nước.
Bên cạnh đó, cần tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng cho học sinh cứu đuối an toàn khi thấy bạn bị đuối nước. Tăng cường rà soát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo kịp thời.
Các trường học cần thường xuyên quán triệt, nhắc nhở trẻ em, học sinh không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình… nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Nhắc nhở các em, không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng thời gian vào cuối mỗi buổi học. Chủ động tổ chức các lớp học bơi, trang bị học kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho các em trong dịp hè.