Dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân.
Các đại biểu tham dự buổi lễ |
Tham dự lễ kỷ niệm còn có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức Hội Trung ương, một số địa phương có nhà xuất bản; đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo, cơ quan chủ quản nhà xuất bản, các nhà xuất bản, công ty in, phát hành sách, chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách và 86 đại biểu là những người làm xuất bản, in và phát hành sách tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đọc Thư chúc mừng của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (10/10/1952 - 10/10/2022) |
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu nghe Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống. Trong thư, Tổng Bí thư đánh giá: “Trong suốt 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác xuất bản, in và phát hành sách đã luôn luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và đông đảo bạn đọc tin tưởng và mong rằng, Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, luôn luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những đóng góp quan trọng, to lớn của các thế hệ người làm công tác xuất bản trong suốt chặng đường 70 năm qua |
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp quan trọng, to lớn của các thế hệ người làm xuất bản tiêu biểu; khẳng định Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đã phát huy tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, ngành Xuất bản muốn có đông bạn đọc thì phải không ngừng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, có nhiều đầu sách hay, giá trị, bảo đảm mỗi xuất bản phẩm ra đời không chỉ cung cấp, phổ biến tri thức, đáp ứng nhu cầu giải trí, nghiên cứu, học hỏi của độc giả mà quan trọng hơn là để người đọc sau khi tiếp nhận, lĩnh hội tri thức, thông tin trong sách sẽ có những bước tiến bộ nhất định trong nhìn nhận, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, sống tốt hơn, đẹp hơn.
Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Kiên định, kiên trì giữ vững quan điểm xuất bản là lĩnh vực văn hóa - tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; trở thành một bộ phận quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa; tiếp tục nâng cao chất lượng xuất bản phẩm cả về nội dung, hình thức; có trách nhiệm định hướng dư luận, lan tỏa tri thức; xem việc gìn giữ bản sắc văn hóa, thắp lên ngọn lửa tri thức vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức nghề nghiệp của mình; lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất; hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo hành lang pháp luật, tạo cơ chế để xuất bản phát triển; thực hiện tốt kinh tế xuất bản, kịp thời thích ứng, chuyển đổi, lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp xu hướng chung của thị trường; quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, lãnh đạo, quản lý, người làm xuất bản đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành xuất bản trong thời kỳ mới...
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm điểm lại những thành tựu chính của ngành Xuất bản, in và phát hành sách trong 70 năm xây dựng và phát triển |
Tại buổi lễ kỷ niệm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm điểm lại những thành tựu chính của ngành Xuất bản, in và phát hành sách.
Việt Nam, từ quốc gia thiếu sách vào những năm 80-90 thế kỷ XX đã vươn lên phát triển cả về quy mô, trình độ, năng lực ngành xuất bản với hệ thống gồm 57 nhà xuất bản, trên 2.300 cơ sở in, trên 2.000 doanh nghiệp phát hành, gần 13.000 điểm phát hành trên cả nước; đã in và phát hành khoảng 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân đầu người/sách đạt 4,4-4,5 bản, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. |
Đặc biệt những năm gần đây, nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng đổi mới. Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành mở rộng chức năng xuất bản, phát hành sách điện tử, nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, nhiều cơ sở in quy mô, hiện đại ngang tầm khu vực được xây dựng, tạo dựng diện mạo mới cho Ngành xuất bản, in và phát hành.
“Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, rất nhiều những nguời làm công tác xuất bản, in và phát hành sách hôm nay đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu để góp sức mình vào sự phát triển đơn vị nơi đang công tác nói riêng, cũng như sự nghiệp xuất bản cách mạng nói chung, đáp ứng những nhiệm vụ, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong giai đoạn mới”, đồng chí Trần Thanh Lâm cho biết.
Ban Tổ chức đã quyết định tặng biểu trưng vinh danh cho 5 đồng chí có nhiều thành tích, cống hiến cho Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam; tặng bằng khen cho 81 đại biểu là những điển hình tiêu biểu, tấm gương trong lao động và công tác, có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách thời gian qua.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ kỷ niệm, vào sáng ngày 10/10/2022, các đại biểu đã đặt vòng hoa báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã gặp mặt, chúc mừng đại biểu Người làm xuất bản tiêu biểu tại Nhà Quốc hội. Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội gặp mặt, giao lưu với đại biểu./.
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành (10/10/1952 - 10/10/2022):
Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn trao tặng bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu. |
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trao tặng bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu |
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trao tặng bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu |
Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Trung ương
Ý kiến bạn đọc