GỠ KHÓ TỪ NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa có chương trình giám sát việc thực hiện Đề án 641 đối với các địa phương, đơn vị phụ trách triển khai những chương trình chính của đề án. Qua đó thống kê kết quả đạt được của giai đoạn 1 (2011-2021), tìm ra nguyên nhân, hạn chế, khó khăn của cơ sở, các đơn vị trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp căn cơ tháo gỡ vướng mắc để mang lại hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, nhằm cải thiện thể lực, tầm vóc con người Bình Phước.
Nhìn thẳng vào những tồn tại
Trong 4 chương trình thuộc Đề án 641, có chương trình 1 - “Nghiên cứu, triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam” và chương trình 2 - “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số liên quan”, do Sở Y tế phụ trách. Đặc biệt, chương trình 1 là cơ sở mang tính nghiên cứu để áp dụng và triển khai các chương trình khác, tuy nhiên hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do ở Trung ương chưa được triển khai vì thiếu kinh phí nên trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với chương trình sữa học đường, triển khai ưu tiên tại vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em hoàn cảnh khó khăn và khu vực có nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng… Tuy nhiên, do ngân sách của tỉnh còn khó khăn, chưa huy động được các nguồn lực khác nên đến nay chương trình chỉ mới tập trung ở công tác truyền thông giáo dục về tầm quan trọng của sữa trong phát triển tầm vóc trẻ.
Từ sự đầu tư sân chơi, bãi tập, khuôn viên Tượng đài Đồng xoài đã trở thành địa điểm rèn luyện thể dục thể thao của người dân - Ảnh: Thanh Nga
Đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện dinh dưỡng trẻ em, thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều chiến dịch uống vitamin A. Tại cộng đồng, trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng ít nhất 3 tháng/lần, số trẻ được cân và vẽ biểu đồ tăng trưởng hằng tháng đạt trên 92,5%. Mục tiêu cải thiện tầm vóc thanh niên trên địa bàn tỉnh đạt nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí đề án đặt ra. Cụ thể đến năm 2020, chiều cao trung bình tuổi 18 đối với nam là 168,5cm và nữ là 157,5cm.
Tại buổi thông qua báo cáo giám sát việc triển khai và kết quả thực hiện Đề án 641 ngày 31-8, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn cho biết: Đề án 641 đã và đang gặp khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực để triển khai thực hiện. Hiện có 7 chỉ tiêu trong đề án do Sở Y tế phụ trách. Tuy nhiên, kinh phí rất eo hẹp nên việc triển khai các chỉ tiêu chậm. Cán bộ Sở Y tế không có ai chuyên khoa về dinh dưỡng nên công tác tham mưu chương trình 1 và 2 do đơn vị phụ trách còn gặp khó. Trong khi chăm sóc dinh dưỡng cho một con người có nhiều giai đoạn.
Không phủ nhận những kết quả tích cực sau gần 10 năm triển khai Đề án 641 trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên so với từng mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình trong đề án đặt ra vẫn chưa thể hiện rõ nét. Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thế Anh cho biết: Nguyên nhân sâu xa các tồn tại hiện nay của đề án là các chương trình khi triển khai gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động; việc thực hiện các chương trình chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động khác. Thiếu tính đồng bộ khi triển khai đề án giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự phối hợp kịp thời giữa các đơn vị liên quan khiến công tác triển khai chưa đồng bộ. Nhiều nội dung, nhiệm vụ các chương trình đã được phê duyệt nhưng không bố trí được kinh phí riêng cho tổ chức thực hiện, trong khi kinh phí thường xuyên khó đáp ứng. Đây là những nguyên nhân khiến kết quả thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh chưa rõ nét.
Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Thị Lanh cho rằng: Việc phân tích một số hạn chế trong quá trình triển khai đề án là rất thiết thực, đặc biệt cần phân tích thêm những hạn chế trong việc phát triển sức khỏe, thể lực, tầm vóc người dân trên địa bàn tỉnh để có phương án triển khai đề án tốt hơn. Bên cạnh đó, cần cụ thể từng tiêu chí cho mỗi chương trình, sau đó khảo sát thực tế để có những con số xuất phát điểm rõ ràng cho từng tiêu chí, lĩnh vực của tỉnh nói chung, từng địa phương, đơn vị nói riêng. Đây là căn cứ để xây dựng các phương pháp triển khai phù hợp trong thời gian tới.
Bà Đào Thị Lanh đề nghị: Ban chỉ đạo đề án cùng các sở, ban, ngành liên quan phối hợp tìm các giải pháp triển khai đề án hiệu quả hơn trong thời gian tới. Quá trình thực hiện linh hoạt, phù hợp thực tế của mỗi địa phương, đơn vị, tổ chức; việc lựa chọn mục tiêu, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau là giải pháp được xem là tốt nhất hiện nay; các tiêu chí thuận lợi, phù hợp sẽ thực hiện trước, mục tiêu dài hơi sẽ triển khai theo lộ trình. Đồng thời, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch củng cố, kiện toàn lại ban chỉ đạo, rà soát lại quy chế hoạt động của ban chỉ đạo; nhìn thẳng vào sự thật, kết quả giám sát, đánh giá lại kết quả thực hiện, ban hành lại quy chế hoạt động để đạt hiệu quả hơn. Phải khảo sát kết quả hiện nay, sơ kết giai đoạn trước, sau đó triển khai giai đoạn tiếp theo.
Gỡ khó phải từ gốc
Gỡ khó phải từ gốc, muốn tìm ra căn nguyên phải nhìn thẳng vào vấn đề vướng mắc thực tế. Phát biểu tại buổi thông qua báo cáo kết quả giám sát thực hiện Đề án 641 diễn ra ngày 31-8, Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Hương Giang cho rằng: Dù đã hoàn thành giai đoạn 1 (2011-2021) tuy nhiên các đơn vị, địa phương chưa tổ chức sơ kết đánh giá lại quá trình triển khai, kết quả đạt được cũng như các mặt chưa được để có giải pháp khắc phục. Sắp tới, cần quan tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn. Mặt khác, mỗi giai đoạn cụ thể phải có các chương trình, mục tiêu, tiêu chí phù hợp nhằm tạo sự trọng tâm và lan tỏa trong cộng đồng. Cần đánh giá lại tầm quan trọng của việc tuyên truyền, làm cho xã hội quan tâm đến vấn đề phát triển tầm vóc người Việt Nam, tạo sự chuyển biến trong ý thức của mỗi người dân. Từ đó tạo sự thuận lợi trong tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, chung tay xã hội hóa công trình thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh.
Ở tầm nhìn xa hơn, bà Nguyễn Thị Hương Giang đề xuất việc đầu tư sân chơi, sân tập luyện thể dục thể thao. Đối với một số trường học đã đóng khung diện tích thì cần có giải pháp phù hợp trong thiết kế, đầu tư sân chơi, sân tập cho học sinh; còn với các trường xây mới, quy hoạch mới cần quan tâm đến diện tích đầu tư cho lĩnh vực này.
Đề án 641 rất quan trọng đối với phát triển, cải thiện thể lực, tầm vóc người dân Bình Phước. Tuy nhiên, thực tế đề án chưa được cụ thể hóa từng chỉ tiêu, chương trình, mục tiêu linh động, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Không có tiêu chí cụ thể nên khi đưa đề án vào thực tiễn không có căn cứ để triển khai chi tiết; kết quả của giai đoạn vừa qua còn mờ nhạt. Vì vậy, cần phải rà soát, khảo sát thực trạng trên địa bàn tỉnh theo các chỉ tiêu của đề án để có số liệu chính xác cho từng địa phương, lĩnh vực nhằm đưa ra giải pháp triển khai phù hợp, đạt hiệu quả cao. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh HÀ ANH DŨNG |
Để Đề án 641 có được kết quả như mong đợi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Anh Dũng đề nghị: Phải nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo đề án, phân công vai trò, trách nhiệm từng đơn vị, tổ chức, ngành rõ ràng; phải có lộ trình cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, phải phân loại khu vực, địa bàn, nhóm đối tượng để có giải pháp thực hiện phù hợp. Đặc biệt thời gian tới, vận dụng tối đa vai trò của từng sở, ban, ngành và nguồn lực từ xã hội hóa để có chiến lược đầu tư về thiết chế cơ sở vật chất phục vụ phát triển thể chất, tầm vóc học sinh trong các trường học. Việc phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trên địa bàn tỉnh cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các sở, ban, ngành và toàn xã hội để mang lại hiệu quả thực tế.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc
Đề nghị cung cấp báo giá mua sắm máy tinh xách tay
lượt xem: 15 | lượt tải:3Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 211 | lượt tải:59Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 316 | lượt tải:97