Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em đã tiếp cận sớm với các thiết bị điện tử qua môi trường internet như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến. Bên cạnh đó, ngoài giờ học trực tuyến trẻ em cũng thường truy cập internet, mạng xã hội để giải trí, chơi trò chơi… Nhưng trẻ em hầu hết chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Môi trường mạng internet mang đến rất nhiều điều bổ ích cho trẻ, song cũng gây ra hậu quả khôn lường, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục qua môi trường mạng; điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và kết quả học tập của trẻ.
Trước thực trạng này, nhằm trang bị cho các em học sinh những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa để sử dụng in ternet và mạng xã hội một cách an toàn, hiệu quả, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Xoài tổ chức triển khai hoạt động nói chuyện chuyên đề trực tuyến về kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục qua môi trường mạng cho gần 300 em học sinh của Trường Trung học cơ sở Tân Phú.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Tân Phú tham gia buổi học chuyên đề qua Google Meeting
Qua 3 buổi nói chuyện chuyên đề, Tiến sĩ Lê Thị Duyên - Giảng viên khoa Tâm lý Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng đã cung cấp và chia sẻ những kiến thức và kỹ năng như: nhận biết các hành vi xâm hại tình dục qua môi trường mạng; kỹ năng tự bảo vệ bản thân tốt hơn trước vấn nạn xâm hại tình dục hiện nay trên môi trường mạng và cách sử dụng internet an toàn trong giai đoạn hiện nay. Qua hoạt động này nhằm giúp cho các em học sinh nắm bắt được những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cũng như những kinh nghiệm xử lý tình huống khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng.
Đồng thời, mỗi bậc phụ huynh phải tự cập nhật kiến thức, công nghệ thông tin, cùng đồng hành với con trên không gian mạng. Trong mọi biện pháp thì việc trao đổi, kết nối giữa cha mẹ và con cái luôn mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, cần giáo dục con cách tự bảo mật thông tin cá nhân, chống nguy cơ bắt nạt, xâm hại trên không gian mạng. Bởi những nguy cơ mất an toàn của trẻ em hoàn toàn có thể được nhận diện, phòng chống, giải quyết ngay trong những môi trường nhỏ như gia đình.
Để tạo màng lọc cho môi trường internet của con em chúng ta được lành mạnh, gia đình, nhà trường cần phải trang bị cho con em mình biết cách thức phòng vệ; quản lý chặt chẽ trong việc sử dụng internet, máy tính, điện thoại thông minh…, cũng như quan tâm nắm những mối quan hệ của các em để có biện pháp chủ động phòng ngừa. Vai trò của cha mẹ trong giáo dục, đồng hành với con cái sẽ xây dựng cho con trẻ một hệ miễn dịch khoẻ mạnh với những tiêu cực từ môi trường mạng.