Bình Phước - Căn cứ địa cách mạng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thứ năm - 18/11/2021 22:19 4.727 0
Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với việc ra sức xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của cả nước, Đảng ta đã chỉ đạo xây dựng, củng cố căn cứ địa, căn cứ cách mạng trở thành hậu phương tại chỗ ở miền Nam. Trong đó, giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ (năm 1973 - 1975), Bình Phước đã trở thành đầu mối hậu cần ở miền Đông Nam bộ, phát huy vai trò là “hậu phương tại chỗ” góp phần giải phóng tỉnh nhà tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi Lộc Ninh được giải phóng (ngày 07/4/1972), Trung ương Cục đã xác định Bình Phước có nhiều lợi thế để xây dựng thành căn cứ phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và phục vụ chung cho toàn Miền, tạo thế, lực và địa bàn đứng chân vững chắc, đáp ứng yêu cầu mới của giai đoạn giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Do đó, từ năm 1973, Bình Phước được xây dựng trở thành nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và là bàn đạp tiến công của các lực lượng vũ trang.

 
Di tích Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh

Lộc Ninh được lựa chọn là nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, là một trong những nơi làm việc của Ban Liên hợp quân sự bốn bên thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris và sân bay Quân sự Lộc Ninh là nơi diễn ra các cuộc trao đổi tù binh cho đối phương và đón các chiến sĩ từ nhà tù của Mỹ - ngụy trở về.

Tại căn cứ Tà Thiết, ngày 20/7/1974, Trung ương Đảng đã công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4. Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền cũng đã quyết định thành lập các sư đoàn, trung đoàn mới, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực Miền. Bộ Chỉ huy Miền nắm lực lượng chủ lực gồm 1 quân đoàn, 4 sư đoàn, 3 trung đoàn và 1 lữ đoàn độc lập với đủ các binh chủng bộ binh, pháo binh, pháo phòng không, đặc công biệt động… Điều này đã tạo nên sự chủ động chiến đấu trên chiến trường và giành thắng lợi Chiến dịch đường 14 - Phước Long, giải phóng tỉnh Phước Long, tạo đòn trinh sát tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ Lộc Ninh đã phát triển được 5 tuyến đường cho tải bộ và cơ giới vận chuyển vũ khí, hàng hóa cung cấp cho các mặt trận miền Đông và Tây Nam bộ. Cuối năm 1973, các tuyến đường quan trọng từ Lộc Ninh tới Bù Gia Mập, Tây Ninh, Tà Lài… được mở thông và 3 tuyến hành lang vận tải trọng yếu được hình thành từ Lộc Ninh xuống các hướng của Sài Gòn. Đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, đường phía Đông Trường Sơn được nối đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước thành con đường xuyên Bắc - Nam dài 1.200km, sẵn sàng cơ động các quân đoàn chủ lực vào vị trí tập kết chiến dịch, đồng thời đảm bảo vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng… Cuối năm 1974, để phục vụ cho kế hoạch tổng tiến công giải phóng miền Nam, 6 tuyến vận tải xuất phát từ Bình Phước được hình thành để chuẩn bị đưa người và vật chất theo 5 hướng tiến công vào giải phóng Sài Gòn.

Bình Phước là đầu mối cuối cùng của hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ miền Bắc vào. Tháng 3/1975, đường ống dẫn xăng dầu đã vào đến Lộc Ninh. Trong 5 trạm nhiên liệu của chiến trường B2, Bình Phước có 3 trạm. Xăng dầu được bơm từ Bến Thủy (thành phố Vinh) vào tuyến đường ống, băng qua 115 trạm bơm đẩy với chiều dài 1.400km đến Bù Gia Mập, sau đó được vận chuyển về các Tổng kho nhiên liệu VK98, VK99 ở Lộc Ninh. Từ đây, việc cung cấp xăng dầu cho các phương tiện phục vụ chiến đấu trên chiến trường trở nên thuận lợi và kịp thời hơn, góp phần đẩy nhanh thời gian vận chuyển cho các quân binh chủng cơ động tham gia chiến dịch.

 
Trong giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ (năm 1973 - 1975), Bình Phước đã trở thành trung tâm hậu cần, tập trung cơ quan chỉ huy, cung cấp nhân lực, vật lực của không chỉ của miền Đông Nam bộ mà của cả chiến trường B2. Cùng với các lực lượng kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà sứ mệnh lịch sử đã giao, góp phần quan trọng từng bước đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những đóng góp của Bình Phước trong kháng chiến chống Mỹ mãi mãi là niềm tự hào và là truyền thống lịch sử để giáo dục cho các thế hệ nhất là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng anh hùng của tỉnh nhà.

Tác giả: M.An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập261
  • Hôm nay62,711
  • Tổng lượt truy cập17,003,157
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây