“Phước Long phong cảnh trữ tình
Có hồ Long Thuỷ đậm tình quê hương
Phước Long cảnh đẹp vấn vương
Với trang lịch sử bao gương oai hùng
Núi cao Bà Rá trập trùng
Đi vào chiến tích lẫy lừng chiến công”.
“Di tích lịch sử danh thắng núi Bà Rá - Thác Mơ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp vào hệ thống rừng đặc chủng của cả nước. Núi Bà Rá tọa lạc tại phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 160 km.
Núi Bà Rá cao 723 mét so với mặt nước biển, được xem là ngọn núi cao nhất ở tỉnh Bình Phước và thứ 3 ở Nam Bộ. Theo tiếng S'tiêng, Bà Rá là “Bonom Brah”, nghĩa là “ngọn núi thần”. Truyền thuyết kể rằng, vị tổ của người S'tiêng có hai người em gái, ông đắp núi Bà Đen cho cô em gái đầu và đắp núi Bà Rá cho người em người em gái thứ hai để trấn giữ đất đai của người S'tiêng. Đồng bảo S'tiêng gọi ngọn núi này với cái tên đầy thành kính của chốn linh thiêng “Thần Núi Yang Yumbra” là vị thần được tôn thờ trên đỉnh núi. Đồng bảo Khmer gọi là núi “Chân Phật".
Những năm đầu thế kỷ XX, núi Bà Rá vẫn còn là chốn “thâm sơn cùng cốc”. Chính vì vậy, thời kỳ Pháp thuộc, nơi đây thành chốn lao tù để giam cầm những người tù cách mạng Việt Nam. Từ năm 1925 đến năm 1941, thực dân Pháp cho xây tại chân núi một nhà từ lớn gồm 3 phân khu chính, bao gồm: trại A sát chân núi (là nơi giam giữ tù thường phạm), trại B đặt tại trung tâm trại Bà Rá (nơi giam giữ nữ tù thường phạm hoặc chính trị phạm). Đến năm 1941, thực dân Pháp xây dựng thêm trại C (nơi giam giữ tù nhân chính trị). Nhà tù Bà Rá là nỗi thống khổ, đau đớn của những tù nhân không sao kể xiết, đau ốm không có thuốc men, bị đánh đập dã man, lao động khổ sai. Nhưng với tinh thần dũng cảm, tự cường, các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành nơi đấu tranh chính trị. Chính môi trường này đã góp phần rèn luyện tù nhân thành những chiến sĩ trung kiên, để rồi nhiều người sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo cốt cán trong phong trào cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng tháng 8 năm 1945, góp phần đưa đến sự thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này như: Tô Ký, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Lựu, Trương Văn Nhâm, Trương Văn Bang…. đây là những chiến sỹ cách mạng trưởng thành từ sự đấu tranh chống chế độ lao tù.
Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp tù đày,
giai đoạn 1940 – 1945 tại Bà Rá đã hy sinh, chôn cất nơi đây
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, di tích lịch sử núi Bà Rà là căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ. Trên đỉnh núi, Mỹ đã cho xây dựng sân bay để kiểm soát toàn bộ vùng Đông Nam Bộ. Bên sườn núi phía Tây, các căn cứ hang Dơi, hang cây Sung sâu, rộng rất đẹp trở thành nơi hoạt động chính trị để chống đế quốc Mỹ. Núi Bà Rà là nơi ghi dấu lịch sử hào hùng của quân dân, là căn cứ địa vững chắc để đội biệt động Bà Rá, bộ đội địa phương từng bám trụ và lập nên nhiều chiến công góp phần vào chiến thắng Phước Long vang dội vào năm 1975 thời kỳ chống Mỹ. Ngày nay, tại đồi Bằng Lăng còn có đến thờ tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Trong quần thể núi Bà Rá có miếu Linh Sơn thờ đức Phật thánh mẫu Thiên Hậu và bà Chúa xứ xây dựng vào năm 1943 được xem là công trình kiến trúc mang ý nghĩa tâm lĩnh, tín ngưỡng của người dân Bình Phước. Với giá trị tiêu biểu, lễ hội Miếu Bà Rá được tổ chức từ ngày mùng 01 đến mùng 03 tháng 03 âm lịch hằng năm và được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để lên tới đỉnh núi Bà Rá. Nếu đi bộ, du khách phải vượt qua 1.767 bậc tam cấp tính từ đồi Bằng Lăng lên đến đỉnh núi, tận hưởng không gian trên đường đi với hai bên là màu xanh ngút ngàn của rừng trúc, lồ ô và những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi. Muốn ngắm toàn cảnh vẻ đẹp của một vùng rộng lớn, du khách có thể ngồi xe men theo sườn núi uốn lượn. Từ đỉnh núi Bà Ra, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng mặt hồ Thác Mơ long lanh, in bóng núi, mây trời. Khung cảnh thiên nhiên nơi đây đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình, thơ mộng tạo cho du khách cảm giác thân thiện, được trở về cùng thiên nhiên hoang sơ, mát mẻ, se lạnh giống như cao nguyên Đà Lạt.
Toàn cảnh hồ thủy điện Thác Mơ Bình Phước vô cùng rộng lớn và hùng vĩ
Núi Bà Rá - Thác Mơ không chỉ biết đến với dấu tích lịch sử hào hùng, du lịch sinh thái tiềm năng của tỉnh Bình Phước mà còn được biết đến với giải Việt dã truyền thông vào ngày 6/1 hàng năm. Giải việt dã Chinh phục đỉnh cao Bà Rả không chỉ là giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia mà còn là giải đấu mang tầm quốc tế thu hút nhiều vận động viên đến từ các quốc gia lân cận như Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, vương quốc Camphuchia, Thái Lan, qua đó thắt chặt đoàn kết, hữu nghị, giao lưu học hỏi giữa các quốc gia. Với những giá trị to lớn, di tích lịch sử đành thắng Núi Bà Rá - Thác Mơ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận xếp hạng là di tích lịch sử và thẳng cảnh quốc gia ngày 20/4/1995.